Nhà điêu khắc đam mê làm tượng Bác Hồ

Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng qua những bức tranh, thước phim, câu chuyện và trên hết là tình yêu và lòng trân trọng đối với Bác, trong nhiều năm qua, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê (ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã say mê làm tượng Bác với tất cả trái tim và tình cảm của mình dành cho Người.

Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê phác thảo chân dung Bác Hồ bằng đất sét trước khi chuyển qua công đoạn đúc tượng bằng đồng. Ảnh: Long Vũ

Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê phác thảo chân dung Bác Hồ bằng đất sét trước khi chuyển qua công đoạn đúc tượng bằng đồng. Ảnh: Long Vũ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Trung Lương, huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, nhà điêu khắc Khiều Sỹ Khuê (sinh năm 1946) sớm bộc lộ những năng khiếu tạc tượng của mình. Năm 1968, ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển về làm ở Công ty Mỹ thuật - Mỹ nghệ Quảng Ninh (sau này là Công ty Mỹ thuật - Mỹ nghệ nhiếp ảnh và vật tư Quảng Ninh). Sau đó, ông chuyển sang công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Ninh.

Là một nhà điêu khắc có tay nghề, ngay từ khi học năm cuối của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ông đã từng làm tượng Bác Hồ và được mọi người đánh giá rất cao.

Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê cho biết: “Hồi ấy, tôi và các bạn đang thực tập ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) thì nghe tin Bác Hồ mất. Chúng tôi ai cũng xúc động nghẹn ngào. Trong niềm cảm xúc ấy, tôi đã sáng tác bức tượng chân dung Bác Hồ đầu tiên, nhưng thấy chưa ưng ý, nên quyết định dựng bức thứ hai. Và ngay khi bức tượng hoàn thành đã được các thầy, cô cũng như bạn bè trong ngành đánh giá cao. Mặc dù đây là bức tượng chân dung nhỏ (chỉ cao 43cm), bằng chất liệu thạch cao, nhưng thú thực, bức chân dung này vẫn để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Và thật vui là nó đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chọn mua làm mẫu cho việc xây dựng bộ tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để đặt tại các hội trường”.

Năm tháng qua đi, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê vẫn mải miết đi tìm những chất liệu mới để sáng tác tượng Bác. Nguyên liệu để ông lựa chọn rất nhiều, như thạch cao, đất sét, than đá, composite... nhưng ông thích nhất chất liệu đồng. Ông cho biết, đây là chất liệu dễ kiếm, thích hợp làm tượng Bác, đặc biệt hơn, làm tượng Bác bằng đồng sẽ giữ được lâu hơn và có hồn hơn so với các chất liệu khác. Tuy nhiên, để làm tượng Bác Hồ bằng chất liệu đồng thì đòi hỏi người làm tượng phải tỉ mỉ với nhiều họa tiết.

Cũng theo ông Khuê, để làm được một bức tượng Bác có hồn đòi hỏi người điêu khắc phải nắm được cái thần, cái hồn của bức tượng, từ việc nắm thần thái nhân vật rồi phác thảo bằng đất sét, sau đó tạo khuôn. Khi đã có khuôn, ông đúc ra sản phẩm thứ nhất. Khuôn đúc lúc này có thể làm từ vật liệu composite hoặc thạch cao. Trong giai đoạn này, nếu kỹ thuật khuôn tốt, bám sát được với bản vẽ gốc về hình thể, đường nét, góc cạnh của nhân vật thì sản phẩm làm ra sẽ càng đẹp và hoàn hảo.

Từ phiên bản thứ nhất này mới đem đi đến cơ sở đúc đồng để người thợ dựa vào mẫu đó tạo ra khuôn đúc đồng riêng cho từng kích cỡ. Khuôn đúc đồng được người thợ điều chế từ hỗn hợp đặc biệt gồm bột trấu, tro bếp, cát chịu nhiệt, đất sét và một số phụ gia khác. Khi đổ đồng đã nấu vào khuôn, phải đổ liên tục, không được gián đoạn, giữ nhiệt đều cho đồng, nếu không, tượng sẽ co giãn không đều và bị nứt. Công phu và tốn kém như vậy, nhưng bù lại, tượng đồng rất sang trọng và bền đẹp với thời gian.

Hiện nay, khi tuổi đã cao, ngoài thời gian cặm cụi với những đường nét để tạo ra những bức tượng về Bác, ông Khuê còn đọc nhiều mẩu chuyện, nghiên cứu hình ảnh, tư liệu về Bác để từ đó làm phong phú cho bộ sưu tập tượng của mình.

Gần 50 năm qua, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê đã cho ra hàng trăm bức tượng về Bác. Đó là những tác phẩm mà ông đã tâm huyết, chắt lọc, sáng tác bằng cả tấm lòng và tình yêu của mình đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Có thể kể đến một số tác phẩm đã mang lại sự thành công cho nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (chất liệu thạch cao, cao 43cm, sáng tác năm 1970); Niềm tin chiến thắng (chất liệu composite, cao 81cm, sáng tác năm 2000); Cháu mãi khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ (chất liệu thạch cao, cao 120cm, sáng tác năm 2008)... Riêng bức tượng chân dung Bác Hồ do ông sáng tác năm 1970 đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và tiếp tục được một đơn vị đúc đồng ở Hà Nội ký hợp đồng để nhân bản rộng rãi.

Theo nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê, để làm được tượng Bác có hồn là rất khó. Bởi khi tạc tượng chân dung của Bác thì đòi hỏi người thợ phải hình dung kỹ các chi tiết “đặc biệt” của Người, nhất là vầng trán của Bác cao và rộng. Và hơn hết, người điêu khắc phải nắm được thần sắc, khối nét, chân dung của Người để từ đó tạo ra bức chân dung sống động như thật.

Từ những bức tượng về Bác, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê đã góp phần bồi đắp, giáo dục cho thế hệ hôm nay về tinh thần yêu nước, tình cảm kính yêu Bác Hồ. Và hơn thế, những bức tượng về Bác còn là những tác phẩm góp phần truyền đi thông điệp cổ vũ, động viên mọi người nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống hôm nay.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nha-dieu-khac-dam-me-lam-tuong-bac-ho/