Nhà đầu tư ngoại 'thèm thuồng' các ngân hàng yếu kém

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, gần đây liên tiếp có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam.

 Oceanbank là ngân hàng thuộc đối tượng buộc phải cơ cấu lại. Ảnh: P.V

Oceanbank là ngân hàng thuộc đối tượng buộc phải cơ cấu lại. Ảnh: P.V

Cụ thể theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Tập đoàn J Trust của Nhật Bản quan tâm đến việc tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng.

Một nhà đầu tư Nhật Bản khác cũng đang xem xét mua lại Ocean Bank. Công ty TNHH Srisawad Corporation (Thái Lan) có nguyện vọng mua lại Công ty tài chính ALC I của Agribank. Tập đoàn Clermont (Singapore) cũng mong muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Trong đó, theo nhiều nguồn thông tin, Srisawad Corporation (Thái Lan) đã đề nghị tham gia tái cơ cấu Công ty cho thuê tài chính I (ALC I) của ngân hàng Agribank. Với đề nghị này, Srisawad Corporation đề xuất trả cho Agribank 523 tỉ đồng để sở hữu toàn bộ vốn của ALC I. Bao gồm 200 tỉ đồng là hoàn trả vốn điều lệ và phần còn lại là nợ gốc ALC I đã vay của Agribank.

Sau khi thống nhất mức giá chuyển nhượng ALC I và thẩm tra đề án tái cơ cấu, Agribank đã trình NHNN xem xét, thông qua kể từ tháng 9.2018. Tuy nhiên theo NHNN, đề nghị của Srisawad sẽ được xem xét xử lý sau khi phương án cơ cấu lại ALC I được phê duyệt theo quy định.

Mới đây tại buổi gặp Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vào cuối tháng 3.2019, ông Richard F.Chandler – Chủ tịch Tập đoàn Clermont bày tỏ mong muốn Clermont tham gia đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Clermont cũng chính là tập đoàn tham gia vào quá trình tái thiết hệ thống ngân hàng của Nhật Bản, Ấn Độ và Nga thông qua các khoản đầu tư vào Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), Công ty tài chính phát triển nhà ở (Ấn Độ) và là cổ đông lớn của Sberbank (Nga).

Dù NHNN kêu gọi đối tác nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam, theo nhiều đánh giá, việc các nhà đầu tư ngoại có thể mua cổ phần vượt trần tại ngân hàng yếu kém không đồng nghĩa với việc có thể thâu tóm ngân hàng nội.

Theo Thông tư 38 năm 2014 của NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 01 năm 2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, trong trường hợp đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tỉ lệ cổ phần vượt trần cho phép 30% đối với ngân hàng yếu kém; tỉ lệ của từng trường hợp cụ thể sẽ được Thủ tướng quyết định.

Cẩm Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/nha-dau-tu-ngoai-them-thuong-cac-ngan-hang-yeu-kem-726886.ldo