Nhà đầu tư ngoại mong cơ chế hợp tác PPP

Với thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mong muốn được hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để khơi thông dòng vốn tiềm năng này, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư thông qua phương thức đối tác công tư (PPP).

Các nhà đầu tư Mỹ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển các khu vực đô thị thành các thành phố thông minh. Ảnh: Đông Giang

Các nhà đầu tư Mỹ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển các khu vực đô thị thành các thành phố thông minh. Ảnh: Đông Giang

Đây là một trong những khuyến nghị được nhiều NĐT, doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN nước ngoài và các thành viên của Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) nêu ra tại VBF 2019.

Để phát triển hạ tầng bền vững và đáp ứng sự phát triển nhanh của nền kinh tế, theo ông Trần Tuấn Phong - đồng Trưởng nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của VBF, Việt Nam cần thu hút đầu tư tư nhân thông qua Luật PPP.

Ghi nhận chủ trương và những nỗ lực của Việt Nam trong việc ưu tiên hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng thời gian qua, ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, các NĐT Nhật Bản tin rằng, việc tích cực triển khai cơ chế PPP sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện nhất. Không những vậy, như Nghị quyết 50-NQ/TW 2019 đã nêu, việc thực hiện PPP cũng sẽ khuyến khích các dự án đầu tư từ các công ty nước ngoài vào Việt Nam.

Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cũng cho biết, các DN thành viên của AmCham mong muốn Chính phủ thiết lập một mô hình PPP khuyến khích đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng, tập trung ở 4 lĩnh vực cơ bản như: phát triển năng lượng sạch, hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng dịch vụ y tế, thành phố thông minh.

Các NĐT Mỹ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển các khu vực đô thị thành các thành phố thông minh, sáng tạo để giúp Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt, tạo nên các thành phố hiện đại, bền vững. Ngược lại, các NĐT cũng mong được đón nhận nhiều hơn thông tin về quy hoạch, bao gồm quản lý giao thông, lũ lụt và quản lý nguồn nước, các nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm không khí...

Muốn huy động được nguồn vốn của các NĐT ngoại vào các dự án phát triển hạ tầng, theo đại diện JCCI, điều quan trọng là phải thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân để đảm bảo không xảy ra những rủi ro không đáng có.

Về vấn đề này, ông Phong cho rằng, Chính phủ cần xác định rõ nguyên tắc phân chia rủi ro theo từng lĩnh vực; hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ; bảo lãnh nghĩa vụ. Luật PPP cần quy định nguyên tắc để cơ quan có thẩm quyền có thể đặt ra các tiêu chí thẩm định, đánh giá về NĐT đã được lập và trình đề xuất dự án nhằm đẩy nhanh quá trình đấu thầu và đàm phán các dự án. Đối với trường hợp thay đổi pháp luật, tất cả chi phí tăng hay giảm có thể xảy ra do các hành động của Chính phủ cần được phản ánh trong biểu giá và giá sản phẩm của dịch vụ ở dự án PPP...

“Đặc biệt, cần tránh tư duy quản lý đầu tư tư nhân theo thủ tục đầu tư công. Luật PPP phải có một chương hoặc một phần nêu các nguyên tắc tài trợ và sử dụng nguồn vốn nhà nước, nhưng điều đó không có nghĩa là các thủ tục theo Luật Đầu tư công sẽ được áp dụng cho các NĐT khu vực tư nhân”, ông Phong lưu ý.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp nêu trên, tại VBF 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là những ý kiến sâu sắc, xác đáng và đầy tâm huyết của các NĐT nước ngoài. Đầu tư tư nhân có vai trò rất quan trọng trong phát triển hạ tầng thông qua phương thức PPP. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành Luật về PPP, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, những vấn đề được các NĐT nêu ra tại Diễn đàn cũng là những điểm hết sức quan trọng, mấu chốt của việc ban hành Luật PPP. Tuy nhiên, đây là những nội dung rất mới, khó và phức tạp, trong khi kinh nghiệm của Việt Nam không có nhiều. Do đó, Ban soạn thảo Dự Luật mong muốn tham khảo các thông lệ quốc tế và phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Lê Xuân

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/nha-dau-tu-ngoai-mong-co-che-hop-tac-ppp-119947.html