Nhà đầu tư ngoại 'đo ván' tại thị trường bán lẻ nhiên liệu Indonesia

Total không phải là 'gã khổng lồ' dầu khí nước ngoài duy nhất đi tới quyết định rút lui khỏi thị trường bán lẻ nhiên liệu Indonesia.

Total rút khỏi thị trường bán lẻ nhiên liệu Indonesia. Ảnh minh họa: TTXVN

Total rút khỏi thị trường bán lẻ nhiên liệu Indonesia. Ảnh minh họa: TTXVN

Những ngày qua, giới đầu tư kinh doanh tại Indonesia đã không khỏi ngạc nhiên khi Total - hãng dầu số một của Pháp và cũng là một trong những “ông lớn” của ngành dầu khí thế giới - chính thức thông báo quyết định đóng cửa tất cả các trạm xăng tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này sau nhiều năm “lép vế” trước sự thống trị của một công ty quốc nội thuộc sở hữu của nhà nước.

Lần lượt rút lui

Ngày 11/5, Giám đốc tiếp thị Total Oil Indonesia, bà Magdalena Naibaho, cho biết, hãng dầu khí có trụ sở tại Paris đã đóng cửa tất cả 18 trạm xăng của mình trên khắp khu vực Đại Jakarta (gồm thủ đô Jakarta và 4 thành phố vệ tinh là Bogor, Depok, Tangerang, Bekasi) và huyện Bandung của tỉnh Tây Java.

Total tham gia thị trường bán lẻ nhiên liệu của Indonesia vào năm 2009. Trước khi rút lui, hãng dầu Pháp là nhà bán lẻ nhiên liệu lớn thứ tư tại Indonesia sau Pertamina (5.500 trạm xăng), BP-AKR Corporindo (130 trạm) và Shell (111 trạm) theo số liệu năm 2019 của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT).

Trong một tin nhắn gửi tới tờ Jakarta Post, bà Magda cho biết: “Quyết định này phù hợp với chiến lược toàn cầu của Total nhằm chủ động quản lý danh mục kinh doanh”. Theo bà Magda, Total vẫn sẽ tiếp tục phân phối dầu nhờn trong khuôn khổ các hoạt động kinh doanh hạ nguồn tại Indonesia, song từ chối bình luận về quyết định rút lui khỏi mảng bán lẻ xăng dầu tưởng chừng “béo bở” tại thị trường 270 triệu dân này.

Total không phải là “gã khổng lồ” dầu khí nước ngoài duy nhất đi tới quyết định này khi đầu tư vào Indonesia. Trước đó, Petronas - hãng dầu khí số một của Malaysia - cũng đã ra quyết định tương tự khi không thu hút được khách hàng. Có mặt tại Indonesia vào năm 2005, Petronas đã phải đóng cửa tất cả 34 trạm xăng ở thủ đô Jakarta và thành phố Medan trong khoảng thời gian từ tháng 8/2012 đến đầu năm 2013. Một số trạm xăng của Petronas sau đó được sang nhượng cho Pertamina và hoạt động trở lại với logo của công ty dầu khí địa phương này.

Quyết định của Total càng làm nổi bật sự thống trị của Pertamina tại thị trường bán lẻ nhiên liệu Indonesia ngay cả sau khi Chính phủ nước này tiến hành tự do hóa thị trường vào năm 2001 với việc ban hành Luật Dầu khí. Hiện Pertamina là nhà phân phối chính đối với các loại nhiên liệu được nhà nước trợ giá, qua đó giúp thu hút khách hàng đến các trạm xăng của mình.

Giám đốc điều hành của Energy Watch, ông Mamit Setiawan, cho biết quyết định của Total cũng xuất phát từ sự sụt giảm doanh số bán nhiên liệu vào năm ngoái sau khi Chính phủ Indonesia áp đặt các hạn chế xã hội quy mô lớn, qua đó ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông vận tải.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR), ông Fabby Tumiwa cho rằng những gì mà Total đã trải qua không khác nhiều so với Petronas. Cả hai đều không thể cạnh tranh với Pertamina - công ty giữ vai trò chính trong việc phân phối nhiên liệu chất lượng thấp được nhà nước trợ giá. Trong khi đó, Total và Petronas chỉ bán xăng RON 92 và CN 52 chất lượng tốt, song nhu cầu lại không cao.

Công ty xăng dầu quốc doanh PT Pertamina. Ảnh: www.pertamina.com

Ông Fabby cho hay xét về doanh số bán hàng, các trạm xăng của Pertamina cao hơn vì các nhiên liệu chất lượng thấp được người tiêu dùng mua nhiều hơn. Chính phủ cũng phân phối các loại nhiên liệu được trợ giá thông qua các công ty tư nhân, cụ thể là PT AKR Corporindo (AKRA). Tuy nhiên, số lượng này chẳng thấm tháp vào đâu so với Pertamina. Ví dụ, trong năm nay, Pertamina được phân phối 10 triệu kilolít (kl) xăng RON 88, 15.580.400 kl dầu hỏa và 500.000 kl dầu diesel. Trong khi đó, AKR chỉ được phân phối 219.960 kl dầu diesel.

Cơ quan quản lý các dự án dầu khí hạ nguồn Indonesia (BPH Migas) cấp hạn ngạch phân phối nhiên liệu được trợ giá dựa trên các đánh giá kỹ thuật, tài chính và thương mại. Với mạng lưới phân phối đến tận các vùng sâu vùng xa trên khắp cả nước, cũng như tiềm lực tài chính mạnh, Pertamina hiện chiếm thị phần lớn nhất tại Indonesia.

“Bánh” vẫn còn

Theo ông Fabby, hơn 90% doanh số bán nhiên liệu của Pertamina đến từ việc phân phối xăng RON 90 (nhãn hiệu Pertalite), RON 88 (Premium), Solar và Dexlite BBM. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển các trạm xăng bán lẻ vẫn còn lớn ít nhất đến năm 2030. Điều này xuất phát từ mức độ sở hữu phương tiện cơ giới vẫn chưa bão hòa trong khi tầng lớp trung lưu Indonesia ngày càng tăng.

Ông Fabby nhận định rằng tuy xu hướng chuyển sang xe điện (EV) đã và đang diễn ra, song sẽ phải mất vài năm nữa trước khi phương tiện này trở nên phổ biến, cùng với đó là giá EV giảm, sức mua và niềm tin của người tiêu dùng vào công nghệ gia tăng.

Trong khi đó, các điều kiện cạnh tranh sẽ không thay đổi nhiều chừng nào hoạt động phân phối nhiên liệu chất lượng thấp chưa kết thúc. Do vậy, các đối thủ cạnh tranh của Pertamina sẽ chỉ có thể tham gia phân khúc khách hàng trung lưu vốn ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các loại nhiên liệu chất lượng cao.

Giám đốc điều hành IESR Fabby giải thích: Nếu thu hút được những người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu chất lượng cao, thì vẫn có thể tồn tại được. Tuy nhiên, nếu xét về mức tiêu thụ thì không lớn.

Trong khi đó, người quản lý Chương trình đại học của Trường Quản lý PPM, ông Apikiraniningrum Hidayati cho rằng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng kinh doanh nhiên liệu tại Indonesia vẫn còn rộng mở. Tốc độ tăng trưởng xe cơ giới ở Indonesia đạt trung bình 5% mỗi năm, qua đó mở ra cơ hội phát triển cho các trạm xăng.

Trung bình mỗi trạm xăng ở Indonesia hiện đang phục vụ 40.000 phương tiện xe cơ giới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo số liệu của BPH Migas, trung bình mỗi trạm xăng ở Indonesia hiện đang phục vụ 40.000 phương tiện xe cơ giới. Trong khi đó tại các nước đang phát triển khác, tỷ lệ này là 1/23.000 ở Thái Lan và 1/10.000 tại Malaysia. Ngoài ra, việc sử dụng các loại nhiên liệu không trợ cấp và chất lượng cao có xu hướng ngày càng tăng. Ví dụ, năm 2018, lượng tiêu thụ nhiên liệu không trợ giá ở Indonesia đã chiếm 42%. Trong số đó, người sử dụng xăng RON 90 chiếm 72%, RON 92 là 23%, RON 95/98/100 là 2% và AGO đạt 2%.

Hơn nữa, các công ty điều hành trạm xăng cũng có thể tăng thu dựa vào các hoạt động kinh doanh phi nhiên liệu với lợi nhuận không kém, từ bán cà phê, cửa hàng tiện lợi đến dịch vụ quảng cáo. Ông Apikiraniningrum dẫn số liệu nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi trạm xăng phục vụ khoảng 2.500-5.000 lượt phương tiện mỗi ngày. Trong số đó, 74% cho biết họ không chỉ đổ xăng mà còn mua sắm ở cửa hàng tiện lợi.

Ông Apikiraniningrum tiết lộ: "Thực sự nhu cầu lớn nhất của khách hàng tại các trạm xăng là đồ uống. Họ tiêu thụ các loại đồ uống đóng gói với mức chi tiêu trung bình khoảng 25.000 rupiah/người. Bạn có thể tưởng tượng được rằng nếu 2.500 phương tiện đó chuyên chở 2 người mỗi xe và tiêu thụ mỗi người 25.000 rupiah, doanh số bán đồ uống đã lên tới 100 triệu rupiah/ngày. Vì vậy, ngành công nghiệp trạm xăng không chỉ là kinh doanh nhiên liệu mà còn cả phi nhiên liệu".

Cuối cùng, ông Apikiraniningrum cũng lưu ý rằng kế hoạch hợp tác quản lý trạm xăng hiện nay giữa các hãng dầu khí nước ngoài như Shell, AKR, BP với ví điện tử Vivo chắc chắn mang lại nhiều lợi nhuận hơn khi hợp tác với Pertamina. “Cần tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác tốt nhất với danh tiếng và thành công từ công nghệ đến chất lượng nhiên liệu”, ông Apikiraniningrum cho biết./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nha-dau-tu-ngoai-do-van-tai-thi-truong-ban-le-nhien-lieu-indonesia/195479.html