Nhà đầu tư 'hóng' đợt bán cổ phần của BIDV cho đối tác ngoại?

Kế hoạch bán cổ phần của BIDV cho nhà đầu tư ngoại đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy giá bán sẽ là bao nhiêu?

Nhà đầu tư trông đợi giá bán cổ phần của BIDV cho đối tác ngoại sẽ là bao nhiêu?

Theo tờ trình đã công bố, BIDV cho biết giá trị dự kiến qua đợt chào bán này tương ứng với hơn 6.033 tỷ đồng tỷ đồng, theo mệnh giá.

Tuy nhiên theo rất nhiều đồn đoán, BIDV sẽ bán cổ phần cho KEB Hana Bank-đối tác ngoại với giá theo mệnh giá, tức 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, thị giá BID (mã chứng khoán của BIDV) đang giao dịch trên sàn tính đến phiên giao dịch ngày 15/11 trong khoảng 30.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu.

Các chuyên gia cho rằng những đồn đoán trên sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của BIDV và lợi ích của cổ đông (trong đó Nhà nước đang sở hữu chi phối tới 95,28%).

Ban Lãnh đạo BIDV khẳng định, giá phát hành sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành. Đó là, giá bán cổ phần BIDV cho KEB Hana Bank phải đảm báo được ba nguyên tắc. Thứ nhất, giá bán không được thấp hơn giá định giá của tổ chức tư vấn định giá; Thứ hai, giá bán không được thấp hơn giá thị trường; Thứ ba, để cụ thể cho nguyên tắc không được thấp hơn giá thị trường, giá bán sẽ không thấp hơn giá bình quân của BID đóng cửa trên sàn giao dịch theo số phiên xác định tại thời điểm nhà đầu tư chào mua.

Như trên, với nguyên tắc giá bán không thấp hơn giá thị trường, nếu phát hành thành công, BIDV sẽ thu về hơn 6.033 tỷ đồng tỷ đồng tính theo mệnh giá và phản ánh vào mức tăng vốn điều lệ sau đó, còn giá trị phát hành sẽ phản ánh ở phần thặng dư thu được cho cổ đông và ngân hàng.

Thực tế cho thấy nhìn sang phương án chào bán 10% cổ phần của Vietcombank cho nhà đầu tư nước ngoài công bố đầu năm nay, mức giá bình quân tham chiếu được xác định theo 10 phiên.

Hiện tại, sau khi được các cơ quan chức năng cấp phép BIDV đang xúc tiến các bước tiếp theo, thuê tổ chức tư vấn định giá. Cơ chế và nguyên tắc chào bán cụ thể dự kiến sẽ được công bố công khai và minh bạch trong thời gian tới.

Mới đây, ông Lê Minh Hưng-Thống đốc NHNN đã tiếp ông Kim Jung Tai, Chủ tịch tập đoàn tài chính Hana. Tập đoàn này tiền thân là công ty tài chính đầu tư Hàn Quốc, bắt đầu hoạt động bằng hai chi nhánh vào năm 1971. Tính đến đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của tập đoàn này đạt đến 476.138 tỷ won (tương đương hơn 400 tỷ USD), nằm trong top 100 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới.

Mạng lưới của Hana phủ 24 quốc gia với 153 chi nhánh, được xem là tập đoàn có mạng lưới nước ngoài lớn nhất Hàn Quốc. Tại Việt Nam, tập đoàn có hai chi nhánh ngân hàng KEB Hana tại Hà Nội và Tp.HCM.

Trong nhóm "Big 4" của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, có VCB, BIDV và VietinBank đã cổ phần hóa (CPH), nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối lớn. Agribank đang trong quá trình CPH.

Hiện VCB và BIDV tìm đến kênh gọi vốn qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Mới chỉ VCB được phê duyệt phương án bán vốn, còn BIDV vẫn phải tiếp tục chờ đợi quyết định từ NHNN

Để đáp ứng theo chuẩn Basel II, nhóm "Big 4" đều đã phải lần lượt sử dụng giải pháp ngắn hạn bằng vay mượn, qua các đợt phát hành trái phiếu dài hạn lãi suất cao để huy động vốn tạm thời, tránh vi phạm các quy định an toàn trong hoạt động.

Hiện "Big 4" đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng. Sau 3 năm kéo dài nhu cầu cấp bách, vốn điều lệ vẫn không tăng được (ngoại trừ VCB được thực hiện chính sách chia thưởng cổ phiếu năm trước), các giới hạn phát triển của nhóm này đang cạn.

Hy vọng với đợt bán vốn cho đối tác ngoại BIDV có tiềm lực tăng thêm vốn đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.

Hà Phương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nha-dau-tu-hong-dot-ban-co-phan-cua-bidv-cho-doi-tac-ngoai-140086.html