Nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn môi trường đầu tư công bằng

Như Báo Lao Động đã đề cập, suốt 2 năm vừa qua, những thưa kiện, tranh chấp vô lý tại dự án The Mark của CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà - HDTC đã khiến nhà đầu tư Hàn Quốc, DWS Star Bridge - DWS phải liên tục kêu cứu khắp nơi. Những chèn ép phi lý đang vượt ngoài sức chịu đựng của nhà đầu tư Hàn Quốc, buộc họ phải lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn môi trường đầu tư công bằng tại Việt Nam. Ảnh: PV

Nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn môi trường đầu tư công bằng tại Việt Nam. Ảnh: PV

Dự án The Mark được UBND TPHCM giao cho Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc (VK Housing) chủ đầu tư từ năm 2007. Trong đó, VK Housing là liên doanh giữa 2 pháp nhân Hàn Quốc P&D, LVC chiếm 80% cổ phần và pháp nhân Việt Nam - CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), chiếm 20% cổ phần (góp bằng QSDĐ khu đất triển khai dự án). Sau đó, 80% cổ phần của 2 công ty là P&D và LVC được DWS Star Bridgde Limited Liability Company (DWS) mua lại vào năm 2016 và được UBND, cũng như Sở KHĐT TPHCM công nhận quyền thay thế góp vốn tại VK Housing.

Việc DWS chuyển nhượng thành công 80% của 2 pháp nhân cũ đã biến VK Hosing trở thành chủ đầu tư có tiềm lực tài chính dồi dào. Đáng tiếc, khi dự án chỉ mới bắt đầu râm rang khởi công trở lại thì vướng vào lùm xùm tranh chấp nội bộ và tiếp tục đứng hình. Cụ thể, thành viên liên doanh HDTC đã liên tục kiến nghị, tố cáo rồi khởi kiện VK Housing và nhà đầu tư mới - DWS ra tòa vì cho rằng 2 đơn vị này giả mạo các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng góp vốn và đăng ký doanh nghiệp. Mặc dù, trên nguyên tắc, HDTC không còn quyền liên quan đến dự án do đã thoái vốn khỏi liên doanh VK Housing.

Sự việc tưởng chừng đã được rõ ràng khi Văn phòng Chính phủ (VPCP) và các bộ, ngành Trung ương đã có ít nhất 2 lần ra kết luận cuối cùng về những thưa kiện của HDTC. Cụ thể, VPCP và UBND TPHCM đã có kết luận đồng ý với quyết định công nhận tư cách thành viên góp vốn của DWS tại VK Housing, đồng thời cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án và giãn tiến độ thi công. Trong khi đó, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cũng đã có văn bản kết luận việc HDTC tố cáo VK Housing giả mạo giấy tờ chuyển nhượng góp vốn là không có cơ sở. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C45) cũng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác tội phạm của HDTC. Thế nhưng, bất chấp những kết luận đó, việc TAND TPHCM thụ lý vụ kiện của HDTC rồi lại ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với khu đất thực hiện dự án The Mark, Sở KHĐT TPHCM lại ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với lý do tòa thụ lý vụ án một cách rất khó hiểu.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Phó Tổng Giám đốc VK Housing - Jessey Torng, đại diện của nhà đầu tư Hàn Quốc tại DWS đã tỏ ra vô cùng bất bình, cho biết, chúng tôi mong muốn được Chính phủ Việt Nam xem xét bảo vệ quyền lợi theo Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ phải theo đuổi vụ tranh chấp đến cùng, vì tiền của, danh dự và rất nhiều tâm huyết đã đổ vào đây. Chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ Hàn Quốc để có những tác động cụ thể đến tiến trình giải quyết vụ việc”.

Cũng theo chia sẻ của người đại diện DWS, trong vụ tranh chấp dự án The Mark với HDTC, Đại sứ quán Hàn Quốc đã liên tục có công hàm ngoại giao gửi đến Chính phủ Việt Nam và nhiều cơ quan chức năng khác để yêu cầu sự quan tâm, hỗ trợ. Thế nhưng, kết quả vẫn là con số không tròn trĩnh, nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn bị chèn ép, chạy dài mệt mỏi với những thưa kiện không hồi kết.

Luật sư Nguyễn Viết Giao - Đoàn Luật sư TPHCM - nói: “Nhìn tổng quan sẽ thấy, vụ việc này tuy kiến nghị hay thưa kiện đến nhiều cơ quan khác nhau nhưng chỉ chung quy đến một vấn đề duy nhất. Vấn đề đó cũng đã có kết luận cuối cùng của cơ quan hành chính rồi bây giờ mang qua tòa giải quyết tiếp. Thực sự là chồng chéo, rất khó hiểu!”.

GIA MIÊU - THANH VY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/nha-dau-tu-han-quoc-mong-muon-moi-truong-dau-tu-cong-bang-603150.ldo