Nhà đầu tư giáo dục đề nghị cắt giảm hàng loạt quy định không hợp lý

Ngày 15/5, nhiều nhà đầu tư giáo dục đã kiến nghị cắt giảm hàng loạt quy định được cho là gây khó khăn cho người tham gia hoạt động trong lĩnh vực này.

Hành lang chưa thông thoáng

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng PTTH Marie Curie cho biết, năm 2014, trường xin lập tiểu học. Tuy nhiên trường phải đáp ứng yêu cầu có mấy chục giáo viên tiểu học có hồ sơ, chứng chỉ dạy học. Muốn được cấp phép thì phải tạo hồ sơ giả vì chưa có quyết định thành lập trường, chưa có pháp nhân làm sao có hợp đồng lao động giáo viên, trích ngang giáo viên…

Ông Hoàng Anh Đức – Công ty CP giáo dục Edufit thì kiến nghị về việc bổ nhiệm người nước ngoài làm Hiệu trưởng. Hiện tại không có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm, nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn nên các trường hoàn toàn bị bó chân, phải duy trì cả hiệu trưởng nước ngoài để vận hành, và hiệu trưởng Việt Nam để đảm bảo không bị làm khó dễ. Thông tư 14/2011 về Chuẩn Hiệu trưởng Tiểu học, và Thông tư 12/2011 về Điều lệ trường THCS, THPT và phổ thông có nhiều cấp học đều mô tả rất rõ các tiêu chí để bổ nhiệm hiệu trưởng mà không có tiêu chí nào giới hạn, bắt buộc Hiệu trưởng phải là công dân Việt Nam.

Khối ngoài công lập vẫn chưa phát triển như mong muốn vì còn nhiều rào cản

Về chương trình đào tạo, ông Đức cũng đề xuất không nên yêu cầu các trường tư thục phải thực hiện chương trình do Bộ GDĐT ban hành chung cho hệ thống công lập. Bộ nên đưa ra yêu cầu, mục tiêu kỳ vọng về chuẩn đầu ra cơ bản, còn việc thực hiện thì do cơ sở giáo dục tự lựa chọn các hình thức thực hiện, đảm bảo chất lượng cơ bản, đồng thời cập nhật linh hoạt và hiệu quả các tiến bộ giáo dục thế giới.

Ví dụ, trong các hoạt động Y tế, Bộ chỉ quy định các tiêu chuẩn cơ bản, còn Tiêu chuẩn cơ sở do các doanh nghiệp tự ban hành luôn cao hơn các quy định của Bộ.

Bà Nguyễn Kim Dung Luật sư/giám đốc pháp chế Apollo Vietnam và Đại học Anh quốc Vietnam đề xuất, các cấp quản lý cần bỏ những thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tạo hành lang thông thoáng cho các cơ sở giáo dục phát triển

Về điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh theo nghi đinh 73/2012/ND-CP, bà Dung đề xuất cắt giảm điều kiện về phải có đầy đủ hồ sơ giáo viên khi xin cấp giấy phép thanh lập.

Tại giai đoạn cấp giấy phép thành lập, nhà đầu tư chưa hoạt động thì không thể có đủ danh sách giáo viên với giấy phép lao động, hợp đồng lao động đã ký. Lúc này nhà đầu tư chưa đi vào hoạt động nen không thể ký hợp đồng lao động hay xin cấp giấy phép vì chưa biết khi nào đươc cấp giấy phép hoạt động.

Chủ động cắt bỏ 110 điều kiện kinh doanh

Bà Vũ Thị Thu Hà - Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, theo phương án của Bộ GDĐT, nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong 2 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa.

Theo đó, tổng số ĐKKD hiện là 212, Bộ đề nghị bãi bỏ 81 điều kiện, đơn giản hóa 29 điều kiện. Như vậy, tổng số ĐKKD đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa là 110 (chiếm 51,9%).

Cụ thể như Nghị định 46/2017/NĐ-CP có quy định điều kiện thành lập các cơ sở giáo dục mầm non phải có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được phê duyệt; trong đề án phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục…

Tuy nhiên, Bộ đề nghị bỏ điều kiện này vì theo Luật Quy hoạch năm 2017 thì không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời bỏ điều kiện về nội dung đề án vì đã được quy định rất cụ thể trong thành phần hồ sơ thành lập”.

Tương tự, các điều kiện thành lập trường tiểu học, THCS, THPT, trường chuyên… cũng cần bãi bỏ vì không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông.

Với Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ đề nghị bỏ quy định dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên.

Đồng thời, bỏ quy định “cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đăng kí hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất”.

Đại diện Bộ GDĐT cho biết cũng sẽ tiếp tục xem xét các kiến nghị của các nhà đầu tư để có những điều chỉnh phù hợp trên tinh thần vẫn phải đảm bảo chất lượng giáo dục.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nha-dau-tu-giao-duc-de-nghi-cat-giam-hang-loat-quy-dinh-khong-hop-ly/767837.antd