Nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng dù dự án đã hoàn thành hay chưa

Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Luật cho phép nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng, không phụ thuộc dự án đã hoàn thành hay chưa hoàn thành.

Điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư sửa đổi về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là luật đã làm rõ mối quan hệ giữa chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu giá, đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Đối với trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tránh trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phải đến cơ quan có thẩm quyền hai lần, một lần để xin chấp thuận chủ trương đầu tư, một lần để xin chấp thuận nhà đầu tư.

Đối với trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai, hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, khi thảo luận về Dự luật, một số ý kiến đề nghị thu hẹp các dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng phân cấp cho cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng và dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ do việc phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất gắn kết với liên kết vùng, phát triển ngành công nghiệp quốc gia, không chỉ giới hạn trong phạm vi của một địa phương nhất định.

Các dự án này có tác động kinh tế - xã hội lớn, có yêu cầu phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp quy mô lớn và phải đáp ứng các điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản, bảo vệ môi trường.

Vì vậy, Luật được thông qua giao Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư nhằm hạn chế việc đầu tư tràn lan, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ sự phát triển bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, thời điểm để tính tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư là kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa (được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất). Do vậy, thời gian chậm bàn giao đất cho nhà đầu tư không tính vào tiến độ thực hiện dự án đầu tư nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, Luật quy định nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng, không phụ thuộc dự án đã hoàn thành hay chưa hoàn thành.
Nhóm điều kiện thứ nhất là các điều kiện về đầu tư được xác định theo pháp luật về đầu tư, bao gồm: Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động; Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng; Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).

Nhóm điều kiện thứ hai là các điều kiện được xác định theo pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, để bảo đảm trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư, tránh dự án treo, Luật đã quy định các biện pháp như yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, giới hạn việc điều chỉnh tiến độ của dự án không quá 24 tháng, quy định dự án bị chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư không triển khai theo tiến độ.

Về hiệu lực thi hành, trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đối với trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã quyết định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1-1-2021) chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-dau-tu-duoc-quyen-chuyen-nhuong-du-du-an-da-hoan-thanh-hay-chua-198868.html