Nhà đầu tư dự án BT chỉ muốn thanh toán bằng 'đất vàng'

Thông tin các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến quỹ đất được thanh toán sau khi thực hiện hợp đồng BT, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) diễn ra ngày 3/7.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết PPP có ưu điểm làm giảm gánh nặng cho ngân sách do kêu gọi được nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp. Các giai đoạn chuẩn bị triển khai thực hiện dự án PPP, quy định pháp lý dù đã đầy đủ như có đề xuất dự án, tổ chức kêu gọi đầu tư, công khai minh bạch, tổ chức lựa chọn, triển khai thực hiện, thanh toán quyết toán… nhưng thực hiện không dễ dàng vì từng khâu trong các quy định hoặc giai đoạn đều có những lỗ hổng pháp lý.

Ông Hoan dẫn chứng: Đề xuất dự án theo quy định có 2 nhóm. Nhà nước đề xuất dự án thì không nhà đầu tư nào tham gia. Còn nhà đầu tư đề xuất dự án thì coi như nhà đầu tư đã chủ động tham gia. “Nhà đầu tư đề xuất và chắc chắn họ tham gia thì không khác gì chỉ định thầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần lơ là, quản lý giám sát không tốt thì thiệt thòi thuộc về nhà nước. Đó chính là lỗ hổng. Chưa nói, trong dự án PPP, hình thức chỉ định thầu là chủ yếu khiến quy mô dự án phình ra”.

Theo ông Võ Văn Hoan, nguyên tắc của dự án PPP là xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác quỹ đất dọc theo dự án. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các nhà đầu tư làm dự án PPP ở vùng ven nhưng muốn lấy đất vàng ở trung tâm thành phố.

“Họ chỉ muốn làm con đường cho xong để có đất chứ không quan tâm đến phát triển đô thị. Nhà đầu tư thích được thanh toán bằng đất hơn bằng tiền vì càng về sau đất càng có giá, lợi hơn so với tiền lãi ngân hàng”, ông Hoan nói.

Để bịt các lỗ hổng về pháp lý, tránh rủi ro, vừa qua, UBND TPHCM đã yêu cầu rà soát lại các dự án PPP. Theo đó, với những dự án BT đang trong giai đoạn về đích thì tiến hành bình thường và thực hiện theo hợp đồng. Những dự án BT đã ký hợp đồng và đang triển khai dở dang tiếp tục thực hiện theo quy định nhưng thanh toán theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP, nghĩa là phải đấu giá và báo cáo quỹ đất cho Thủ tướng Chính phủ. Riêng với những dự án đang đề xuất thì ngưng.

Khu đất "vàng" tại giao lộ Đào Duy Từ - Ngô Quyền (Quận 10) được UBND TPHCM chỉ định thanh toán cho một nhà đầu tư thực hiện dự án BT

“TPHCM đang chuẩn bị quy trình triển khai PPP, chủ động đề xuất dự án kêu gọi đầu tư và đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư…”, ông Hoan chia sẻ.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng nhận xét: Chính quyền thành phố chưa đưa ra được giải pháp tốt nhất cho những vướng mắc của nhà đầu tư lẫn cơ quan công quyền trong thực hiện các dự án theo hình thức PPP, đặc biệt là hình thức BT.

HĐND TPHCM đã có nghị quyết về chuyển đổi các dự án đầu tư công sang hình thức PPP song nhìn lại toàn nhiệm kỳ, chưa có dự án nào được chuyển đổi. Ngoài ra, sau 5 năm, thành phố cũng chưa ban hành được quy trình đối với từng loại hợp đồng PPP, chưa có quỹ đất công dành riêng cho các dự án BT.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng

Bà Phan Thị Thắng đề nghị UBND TPHCM tổ chức nhiều buổi kêu gọi đầu tư và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Bà Thắng khuyến cáo: Cần bình tĩnh nhận xét lại trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Có nhiều dự án có ý kiến thanh tra, kiểm tra nên mong thành phố tiếp tục thực hiện. Với các dự án không triển khai đúng kế hoạch, thành phố cần làm việc với các nhà đầu tư xác định có những khó khăn gì dẫn đến chưa thực hiện thanh toán, quyết toán để tháo gỡ kịp thời

“Các hợp đồng đã ký thì không nên bỏ rơi nhà đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện các dự án. UBND TPHCM cần có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ, bởi vì kéo dài sẽ tăng tổng mức đầu tư. UBND TPHCM cần chỉ đạo các cơ quan nhanh chóng thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; khẩn trương ban hành quy trình triển khai các dự án PPP khi Luật PPP có hiệu lực. Các hình thức kêu gọi PPP vướng về giá, thanh toán tài sản công, UBND TPHCM rà soát lại và có định hướng cụ thể để thanh toán cho nhà đầu tư”, bà Thắng yêu cầu.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng khi quyết định thực hiện dự án PPP phải có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị. Việc xác định tài sản quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư cần chặt chẽ hơn.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Trần Anh Tuấn

Ông Bình dẫn chứng: Dự án đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2), khi thực hiện dự án nguồn lực nhà đầu tư là có, sẵn sàng bỏ vốn ứng trước thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các quận 2, 9 bàn giao đất cho nhà đầu tư chậm. Hai quận này thì lại đổ lỗi cho nhà đầu tư chưa phối hợp với các sở, ngành trong xác định ranh, quỹ đất tái định cư. Nếu có cơ chế phối hợp chặt chẽ thì được giải quyết rồi.

“Hiện nay, có những dự án vướng pháp lý như cầu đường Bình Triệu 2, cầu Tân Kỳ Tân Quý nên các sở, ngành cần rà soát, đeo bám các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ giải quyết các hướng ra tránh các dự án này dậm chân tại chỗ”, ông Bình lưu ý.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Trần Anh Tuấn, TPHCM đang quản lý 22 hợp đồng dự án PPP đã ký kết và đang triển khai với tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng. Có 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 324.770 tỷ đồng. Ngoài ra, TPHCM đang kêu gọi đầu tư đối với 293 dự án PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 910.426 tỷ đồng.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nha-dau-tu-du-an-bt-chi-muon-thanh-toan-bang-dat-vang-1682737.tpo