Nhà Đại tướng bên dòng Kiến Giang

Tôi dừng lại, cảm nhận rõ mùi rơm rạ phảng phất trong ngôi nhà lưu niệm của thân sinh và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vì nơi đây mới vừa trải qua những ngày đỉnh lũ. Nếu không làm khách tham quan chỉ lướt qua, mà dừng lại thật lâu bên dòng Kiến Giang thì sẽ thấm được câu chuyện về phận người, điệu hò khoan Lệ Thủy văng vẳng bên sông.

Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trông coi ngôi nhà lưu niệm của thân sinh và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Văn Chương

Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trông coi ngôi nhà lưu niệm của thân sinh và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Văn Chương

Sông Kiến Giang trong quá khứ là một con sông rộng, nhưng theo thời gian, sự khai phá của con người đã làm cho con sông này bị thu hẹp đáng kể. Đối với người dân Lệ Thủy, ký ức về dòng sông này là tiếng lòng còng của người đi chài dưới lòng sông bằng những con thuyền nhỏ. Bà con kể lại, nơi này có nghề đánh cá theo kiểu không giống ai, đó là không cần lưới, chỉ cần gõ vào miếng ván sơn màu trắng để phát ra âm thanh lòng còng thì cá sẽ tự nhảy vào thuyền.

Tôi dừng chân bên bờ sông Kiến Giang sau những ngày mưa lũ, nên chỉ được ngắm nhìn dòng nước đục; các bụi tre ven sông treo lủng lẳng đầy túi ni lon và nhìn vào đó có thể biết rõ mực nước của cơn lũ lịch sử vừa qua. Nếu ngồi lại thật lâu bên sông và nghe những người già kể chuyện thì sẽ thấu được hình ảnh đẹp của con sông đã gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là cứ vào dịp Quốc khánh 2-9, người dân làng tổ chức hội đua thuyền trên con sông có nước xanh biêng biếc này.

Nếu lùi lại khoảng 50 năm trước, bức tranh bên dòng sông Kiến Giang là những chiếc thuyền tấp nập từ thị xã Đồng Hới chở hàng hóa xuôi lên đầu nguồn con sông; còn người dân sinh sống ở hai bên sông thì chở cá, tôm từ phá Hạc Khải xuôi xuống thị xã. Phận người cả đời gắn với dòng sông, gò lưng theo nhịp chèo, nếu thuyền chở nặng thì trên thuyền cất lên điệu hò khơi, hoặc hò nậu xăm. Giờ đây, hai bên sông đã có đường, nên hình ảnh thuyền chèo đã biến mất.

Câu chuyện về ngôi nhà lưu niệm thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên sông đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng. Thời còn sống, khi về quê thì Đại tướng luôn ngồi trong ngôi nhà này để nói chuyện với bà con nông dân, nghe điệu hò khoan Lệ Thủy. Người mẹ của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Nghiêm hàng đêm nói thật nhỏ, kể cho con nghe về phong trào Cần Vương, mà ông nội và ông ngoại đều bí mật tham gia. Người cha của Đại tướng là nhà Nho Nguyễn Quang Nghiêm thì cũng hun đúc vào trái tim con trai tấm lòng yêu nước bằng việc kể về phong trào Cần Vương.

Ngôi nhà lưu niệm, nơi Đại tướng đã cất tiếng khóc chào đời giờ đây không còn nguyên vẹn như thời Đại tướng còn nhỏ. Cuối tháng 3-1947, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng và đến năm 1948 thì đánh chiếm vùng Lệ Thủy, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà cũ của Đại tướng bị địch đốt phá, không còn lại di vật gì, chỉ còn mỗi cây khế trong vườn.

Ông Võ Đại Hàm, người cháu của Đại tướng kể, mỗi lần về quê, Đại tướng lại đứng thật lâu dưới cây khế và kể về thời gian tham gia bãi khóa ở Trường Quốc học Huế, sau đó bị đuổi học. Khi về quê, Đại tướng đã thành lập Hội đọc sách kín dưới gốc khế để quy tụ thanh niên, truyền bá lòng yêu nước.

Sông Kiến Giang, nơi sinh ra những bài hò khoan Lệ Thủy gắn với tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày hội đua thuyền. Ảnh: Văn Chương

Ngày 8-5-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu về thăm quê hương Đại tướng, bước vào ngôi nhà thắp nén hương và đi dạo quanh nhà để cảm nhận thì vẫn chưa đủ. Phải hỏi câu chuyện về Đại tướng với điệu hò có âm vọng của miền quê sông nước. Bà Nguyễn Thị Hải Lý, một nghệ nhân từng hát điệu hò khoan Lệ Thủy cho Đại tướng nghe, xong Đại tướng thường căn dặn, làm sao để điệu hò khoan Lệ Thủy được phổ biến rộng rãi, nhiều người biết đến.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hải Lý thì khi nghe hát, Đại tướng có vẻ thích câu “hỡi mà chàng ơi, trong trăm thứ dầu mà có loại dầu chi là không thắp/trong trăm loại bắp có bắp chi mà bắp không rang/trong ngàn thứ than có than chi không quạt...”. Tôi không hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của điệu hò khoan Lệ Thủy, nhưng được nghe các cụ già kể lại rằng, thời còn nhỏ, cậu bé Giáp đã theo mẹ chèo chống trên sông Kiến Giang, chở lúa đi trả nợ, trên sông thì người chèo đò luôn hát hò để bắt nhịp mái chèo. Có thể nghe điệu hò khoan Lệ Thủy thì Đại tướng đã hồi ức rất sâu về cả cuộc đời của mình gắn với dòng sông hiền hòa.

Chúng tôi gọi ngôi nhà lưu niệm của gia đình Đại tướng là ngôi nhà tình thương, vì mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường nhắc nhở, khuyên nhủ, dặn dò từ người nông dân, đến tầng lớp thanh niên. Người cháu của Đại tướng kể lại: “Đại tướng khuyên con cháu không được tự kiêu, tự đại, cố gắng phấn đấu, tự lực cánh sinh, không để kém anh kém chị, nhưng phải trong sạch lành mạnh; bà con nông dân thì phải cố gắng sản xuất. Đại tướng khuyên bà con là đừng ly hương, nhưng phải đi ra các vùng xung quanh để cố gắng phát triển kinh tế”.

Các đoàn khách tham quan về huyện Lệ Thủy và ghé thăm Nhà lưu niệm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gần nhà lưu niệm gia đình thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chùa An Xá. Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1900. Năm 1999, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê và đã sang chùa trồng cây đa lưu niệm. Cây đa này hiện nay đã sum suê bóng mát, thân cành chia làm 3 nhánh. Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giờ đây trở thành điểm đến của du khách khắp nơi trong nước. Bức ảnh chân dung Đại tướng được phóng to đặt cạnh bàn thờ; trong nhà chỉ vài vật dụng đơn giản mang màu sắc của miền quê. Có những đoàn khách tham quan xong còn đứng trước bàn thờ Đại tướng và thực hiện theo nghi thức nhà binh, đó là hô “Nghiêm...! Chào!”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nha-dai-tuong-ben-dong-kien-giang-post437049.html