Nhà đại đoàn kết ở Mộc Châu: Thắp lửa và truyền lửa

Trên cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp, những ngôi nhà vững chãi được xây dựng lên bằng sự tương thân, tương ái, sự sẻ chia và trách nhiệm của cả cộng đồng

LTS: Để việc chung tay giúp đỡ hộ nghèo không chỉ là khẩu hiệu, giúp các hộ nghèo trên địa bàn có cuộc sống tốt hơn, từ năm 2016, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; phân công từng cán bộ, đảng viên giúp đỡ từng hộ nghèo cụ thể; xây dựng Quỹ "Việc tốt mỗi ngày- Chia sẻ yêu thương" để chung tay hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo...

Nhờ vậy đến nay, toàn bộ số hộ nghèo, gia đình khó khăn có độ tuổi từ 40 trở lên ở Mộc Châu cần hỗ trợ kinh phí làm nhà đại đoàn kết đã được hỗ trợ tiền, ngày công, vật liệu và đã làm xong nhà, có nhà ở ổn định. Hiệu quả thực tế cho thấy, cách làm này rất đáng được nhân rộng tại các địa phương trong cả nước, để thực sự “Không ai còn bị bỏ lại phía sau”.

Trao nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình ông Lữ Trung Kếp - Bản Vặt, xã Mường Sang, Mộc Châu.

Trao nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình ông Lữ Trung Kếp - Bản Vặt, xã Mường Sang, Mộc Châu.

Trở về sau chuyến thăm hộ nghèo bản Hin Phá trong cái oi bức của chiều hè, vừa quệt mồ hôi lăn dài trên má, nữ Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hắc, Hà Thị Phước không giấu được niềm vui bởi đến nay, toàn bộ 89 hộ nghèo ở xã đều đã có nhà ở ổn định, không ai còn phải ở trong những căn nhà tạm, nhà dột nát như xưa.

Theo Bí thư Hà Thị Phước, mong muốn giúp dân thoát nghèo mới chỉ là ngọn lửa nhỏ, quan trọng là phải truyền được ngọn lửa này đến từng người, từng nhà, từng cán bộ đảng viên.

Tại Mộc Châu, giải pháp xây nhà đại đoàn kết luôn là chủ đề chính trong mỗi cuộc họp của cấp ủy và chính quyền địa phương. Để rồi sau đó, một loạt văn bản được ban hành theo phương châm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, như: chia nhóm người nghèo theo độ tuổi để xác định ưu tiên hỗ trợ; phân nhóm đối tượng theo nguyên nhân nghèo do thiếu việc làm, do nghiện ma túy; hay phân công cho từng cán bộ chủ chốt, đảng viên giúp đỡ từng hộ nghèo cụ thể…

"Chúng tôi đã phân công các tổ chức đoàn thể và phân công đảng viên hỗ trợ làm nhà, giúp đỡ từng hộ nghèo có lộ trình thoát nghèo theo từng năm. Năm 2015 xã Chiềng Hắc của chúng tôi còn 18,98% hộ nghèo, đến năm 2019 đã giảm xuống chỉ còn 5,05%", bà Phước cho biết.

Anh Nguyễn Quốc Hòa, Bí thư Chi bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu - người được phân công giúp đỡ 1 hộ nghèo ở xã Quy Hướng cũng cho rằng, để thực sự giúp các hộ nghèo thì cán bộ phải sâu sát và trách nhiệm. Bản thân anh thấy vui khi được chung tay làm những việc ý nghĩa cho xã hội.

"Việc làm nhà đại đoàn kết, hay làm nhà cho người nghèo trước hết thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc của người Việt Nam “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”. Qua chương trình này, mọi người cảm thấy ấm lòng hơn, được chia sẻ hơn khi mình làm được việc rất tốt cho xã hội, cho cộng đồng những người cùng chung sống trên cùng địa bàn, giúp họ có nơi ở ổn định. Khi đã có nơi ở ổn định thì họ sẽ có tư duy để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng", ông Hòa nói.

Huy động công sức của nhiều người, sẽ dễ dàng làm nên việc lớn: “Một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”… Từ phương châm này, nhiều địa phương ở Mộc Châu đã phát động, xây dựng Quỹ “Việc tốt mỗi ngày, chia sẻ yêu thương”và hoạt động của Quỹ đã mang đến nhiều kết quả rất tốt.

Trao nhà đại đoàn kết cho hộ đồng bào nghèo bản Pa Phách 2, xã Đông Sang.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Sang, Hoàng Văn Thắng cho biết, Mường Sang có 1.400 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu, các dân tộc chủ yếu gồm Thái, Mường, Kinh… Với mục tiêu cộng đồng trách nhiệm, chung tay làm nhiều việc ý nghĩa, giúp đồng bào các dân tộc có cuộc sống tốt hơn, năm 2017, Quỹ “Việc tốt mỗi ngày, chia sẻ yêu thương” xã Mường Sang bắt đầu được lập. Với mức thu mỗi cán bộ, viên chức và đảng viên từ 500 đến 1.000, hay 2.000 đồng mỗi ngày, mỗi năm. Từ khi triển khai, Quỹ đã thu về hàng trăm triệu đồng.

"Quỹ này thu về chỉ có mục đích là xóa nhà tạm và hỗ trợ phương tiện sản xuất cho các hộ nghèo. Bình quân mỗi năm, chúng tôi cũng thu được 45 - 50 triệu. Nguồn quỹ này do Đảng ủy trực tiếp quản lý; sau đó mới phân bổ về hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm từ số tiền này".

Đồng lòng từ cán bộ đến nhân dân, với nhiều cách thức triển khai, chương trình xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở Mộc Châu ngày càng cho thấy những kết quả tích cực, khi số nhà được xây mới hàng năm tăng cao. Trước đây, bình quân mỗi năm, huyện chỉ xây mới được khoảng 50, 60 nhà đại đoàn kết; nhưng 4 năm gần đây, số nhà tạm, dột nát của hộ nghèo được xóa tổng cộng gần 700 nhà, không còn hộ nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát. Đây thực sự là những con số đáng mơ ước với nhiều địa phương.

Với những kinh nghiệm được rút ra từ việc huy động nguồn lực lớn xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu khẳng định: Một trong những yếu tố quan trọng là sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

"Ngày "Vì người nghèo” 17/10 hàng năm, huyện Mộc Châu thường tổ chức chương trình mời các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đã tham gia đóng góp làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo đi gắn biển nhà. Trên biển này sẽ có ghi tên đơn vị, hoặc nhà hảo tâm đã hỗ trợ. Vì vậy, các tổ chức đã hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết sẽ biết rõ mình hỗ trợ ai, hỗ trợ bao nhiêu và nhà họ hỗ trợ đã làm được như thế nào… Những việc làm minh bạch và cụ thể như thế cũng tạo thêm niềm tin để các đơn vị, nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ chúng tôi trong nhiều năm qua. Và nhờ vậy, đến giờ phút này, huyện chúng tôi mới hoàn thành được việc xóa nhà tạm trên địa bàn".

Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu) Hà Thị Phước khẳng định: xã quyết đồng sức, đồng lòng để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Trên cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp, những ngôi nhà vững chãi được xây dựng lên bằng sự tương thân, tương ái, sự sẻ chia và trách nhiệm của cả cộng đồng, sẽ là động lực để những người nghèo, người yếu thế có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Những ngôi nhà đại đoàn kết này sẽ giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, rồi đây họ sẽ cùng chung tay vun đắp, xây dựng “miền cổ tích Châu Mộc” ngày thêm phát triển và là miền đất du lịch vô cùng mến khách và hấp dẫn. Và trên hết những mái ấm tình thương đó đã che chở cho lòng dân ngày thêm tin yêu những lớp cán bộ luôn tận tâm vì cuộc sống mọi người./.

Tuyết Lan, Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nha-dai-doan-ket-o-moc-chau-thap-lua-va-truyen-lua-1047673.vov