Nhà có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 4 liệt sĩ

Dân sinh- Chúng tôi đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tròn ở xã Tịnh Châu-TP Quảng Ngãi vào chiều hè giữa tháng 7 khi Mẹ vừa đi kiểm tra sức khỏe về để chuẩn bị cho chuyến tham quan đặc biệt ra Hà Nội vào cuối tháng này.

Mất mát trong chiến tranh

Ở tuổi 85 nhưng Mẹ Tròn vẫn còn khá minh mẫn và nhanh nhẹn. Tự tay Mẹ mặc chiếc áo dài mà Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi vừa may để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. "Mấy chú ở Thành phố và Sở dẫn Mẹ đi khám trên tỉnh rồi, nói chung là sức khỏe tốt, Mẹ mới đi Sài Gòn thăm mấy đứa cháu bằng máy bay về mà. Còn Hà Nội thì đây là lần đầu tiên được đi nên hồi hộp lắm. Nhưng vinh dự là mình được ra thủ đô, vào thăm lăng Bác và đi thăm thú đây đó, chớ lâu nay cứ xem qua ti vi không hà. Tui thắp nhang lên bàn thờ Mẹ của tui là Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Học mà khấn rằng, công lao này là của cả gia đình, giờ chỉ còn mình con được ra thủ đô, con mừng đến rơi nước mắt Mẹ ạ. Mẹ và chồng, con và em của con là những liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc để có ngày hôm nay".

Mẹ Tròn thắp nhang trước bàn thờ cha mẹ.

Chồng của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tròn là liệt sĩ Nguyễn Quyến, hy sinh trong trận đánh Mậu Thân năm 1968. "Hồi đó tui làm giao liên với đứa con trai Nguyễn Hồng 18 tuổi, còn chồng tui đi du kích. Bữa đó chồng tui cùng đồng đội mật phục ở chợ Gò xã Tịnh An chờ lệnh của cấp trên. Chiều tối thì có lệnh rút quân, nào ngờ khi rút quân về, nhóm du kích của chồng tui lọt vào ổ phục kích của địch, đa phần anh em hy sinh chỉ vài người thoát được. Chồng hy sinh chưa tròn 2 năm thì đến lượt người con trai Nguyễn Hồng cũng hy sinh trên đường đưa thư cho các chú cấp trên. Hồi đó thằng Hồng con tui nó chỉ cao ngang khẩu súng chớ mấy, nhiều bữa nó đi giao liên cùng tui mà cái mũi súng cứ quét xuống đất nhìn mà buồn cười, thương nhất là lần nào đi đưa thư nó cũng giành đi trước, nó bảo dẫm phải mìn con chịu trước, nhà mình còn mấy em nữa, mẹ mất thì mấy em biết dựa vào ai.

Sáng đó, tui nhận được lệnh chuyển thư cho cấp trên, thằng Hồng con tui xung phong đi. Nghĩ đoạn đường cũng không xa nên tui chấp nhận. Tui nấu cơm, nhét lá thư vào trong ống tre, lấy cơm bao xung quanh rồi giao cho con trai. Nó đi quá trưa mà chưa thấy về, lòng tui như lửa đốt, quá trưa tui ra đường nghe ngóng thì được tin nó hy sinh vì có chỉ điểm nó làm giao liên, tui quị xuống cái mương cạn đầu xóm nằm luôn đến tối muộn bà con biết chuyện mới dìu về nhà, Mẹ Tròn vừa kể,vừa giàn dụa nước mắt.

Mẹ Tròn trước bàn thờ cha và Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Học

Bây giờ mộ của chồng, con và em tui đã được qui tập về một chỗ rồi, tui yên lòng lắm. 2 đứa em liệt sĩ của tui là Trần Thời và Trần Hạnh cũng hy sinh khi còn rất trẻ, hồi đó tụi nó xông xáo lắm, mấy chú trên huyện động viên và hứa, hòa bình lập lại cho 2 anh em học văn hóa để làm cán bộ, nào ngờ lần lượt 2 đứa đều hy sinh cả. Hồi đó mẹ tui cũng lụm cụm lắm rồi, tui giấu chuyện 2 đứa em đã hy sinh một thời gian sau mới dám báo với mẹ, tui sợ bà buồn, bà qui tiên", Mẹ Tròn ngận ngùi kể.

Cống hiến trong thời bình

Hòa bình lập lại, tui còn 1 trai 2 gái. Nhà cửa lúc ấy tang hoang hết. Mấy mẹ con đi cắt cỏ tranh về đan tấm lớp. May nhà còn bụi tre, chặt xuống đủ làm cái nhà che nắng, che mưa. Tui làm ruộng nuôi mấy đứa con ăn học, một phần phụ giúp Mẹ tui lúc ấy cũng đã già yếu.

Mẹ tui được Vinh danh danh hiệu cao quí Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trước tui mười mấy năm, nên được nhà nước xây cho cái nhà tình nghĩa, còn tui năm 2014 mới được vinh danh và cũng được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để phụ giúp cùng gia đình xây chỗ và thờ cúng các liệt sĩ.

Năm 2018, bà con chòm xóm góp tiền xây cái đường bê tông liên xóm. Trước nhà tui hồi đó là con mương, bà con đi lại phải băng qua con mương đó, mùa hè thì đỡ chứ mùa mưa là con phải lội bì bõm, giao thông khó khăn lắm. Tui về bàn với mấy đứa con và cháu thôi hiến cho nhà nước vài chục mét vuông làm cái đường để bà con đi lại cho thuận tiện. Nghĩ là làm, tui mời chính quyền xuống giao luôn phần đất gần 100 mét vuông để làm con đường đi ngang qua nhà tui bây giờ.

Hồi làm con đường bê tông ngang qua nhà, mấy người gợi ý tui xin ít bê tông đổ con đường từ ngõ và nhà cho sạch sẽ. Về nằm nghĩ, mình mới hiến đất làm đường giờ lại xin bê tông coi sao đặng. Mấy đứa cháu cũng ngăn việc này.

Mẹ Tròn đứng trước con đường bê tông mà Mẹ đã hiến đất cho nhà nước để làm đường

Đường qua xóm làm xong tui bỏ ra 20 chục triệu mua xi măng làm riêng con đường vào nhà, làm xong vừa vui, vừa nhẹ lòng, mình mất mát nhiều trong chiến tranh rồi, giờ thời bình góp chút ít đất đai cho cái chung cũng là việc đáng làm.

Tui luôn dạy con cháu rằng gia đình mình là gia đình có truyền thống cách mạng, bà nội, bà ngoại tụi bay là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và bản thân mẹ cũng vậy, nên làm việc gì cũng phải noi gương cha chú mà làm cho tốt.

Mẹ Tròn tâm sự, chuyến đi này Mẹ chờ đã lâu rồi, giờ chỉ mong sức khỏe đảm bảo để ra Thủ đô một lần cho biết. "Tui giờ như chuối chín cây, con cháu cũng tạm ổn rồi nên ước nguyện được đi tham quan lần này nữa là tui mãn nguyện. Chỉ mong ông bà phù hộ sức khỏe để vui tuổi già với con cháu".

Ông Lương Kim Sơn-GĐ sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ về việc rà soát, kiểm tra sức khỏe để đưa một số Mẹ ra Hà Nội gặp mặt tri ân, Sở đã làm văn bản hỏa tốc gửi các địa phương, tổng hợp danh sách các mẹ có đủ sức khỏe để lựa chọn đi trong đợt này. Ưu tiên đầu tiên mà chúng tôi tính tới là sức khỏe của các Mẹ phải đảm bảo cho việc đi lại. Ngoài ra, gia đình và chính quyền cũng tham khảo ý kiến của các Mẹ cho việc tham gia chuyến đi này. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 264 Mẹ còn sống và cũng đã trên 80 tuổi, nên sức khỏe và tinh thần không phải lúc nào cũng đảm bảo cho chuyến đi. Sau khi khám sức khỏe, sở đã chọn được 7 Mẹ có đủ sức khỏe để tham gia chuyến đi. Tham gia cùng đoàn, ngoài lãnh đạo sở, còn có 1 bác sĩ và 7 cán bộ của sở tham gia chăm sóc các mẹ trong suốt chuyến đi Hà Nội".

ĐÔNG HẢI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nha-co-2-me-viet-nam-anh-hung-va-4-liet-si-20200727092216623.htm