Nhà chờ xe buýt ở Bạc Liêu: Nơi vắng vẻ, nơi thành điểm bán hàng rong

Hiện nay, những nhà chờ xe buýt ở TP Bạc Liêu đầu tư chưa đồng bộ, có nơi trở thành chỗ bán hàng rong, có nơi vắng hoe không một bóng người.

Nhà chờ xe buýt trên đường Võ Thị Sáu (phường 3, TP Bạc Liêu) bị hàng rong bao vây, hành khách phải ngồi nhờ ghế ở gốc cây của một shop hoa kiểng. Ảnh: Gia Minh

Nhà chờ xe buýt trên đường Võ Thị Sáu (phường 3, TP Bạc Liêu) bị hàng rong bao vây, hành khách phải ngồi nhờ ghế ở gốc cây của một shop hoa kiểng. Ảnh: Gia Minh

Vận tải công cộng bằng xe buýt những năm qua trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cho thấy phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực đô thị, phục vụ cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, học sinh đi học.

Tuy nhiên, hệ thống nhà chờ hiện nay trên địa bàn tỉnh này dường như chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa phát huy được tác dụng như mong muốn, dẫn đến việc có nơi nhà chờ dùng làm điểm bán hàng rong, có nơi vắng hoe,...

Theo quan sát của PV Báo Giao thông tại một số nhà chờ xe buýt ở khu vực nội ô TP Bạc Liêu trên đường Hai Bà Trưng, đường Võ Thị Sáu và đường Trần Huỳnh,... còn lại nhiều vị trí khác chỉ là điểm lắp đặt bảng dừng đón trả khách chứ chưa đầu tư mái che, cũng chính vì thế mà “thượng đế” cũng phải chịu thua khi đứng chờ xe giữa trưa nắng gắt.

Hai điểm nhà chờ xe buýt trên đường Hai Bà Trưng (phường 3, TP Bạc Liêu) cũng cũng bị hàng rong "bủa vây", phía trước là những thùng rác. Ảnh: Gia Minh

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại nhà chờ xe buýt trên đường Hai Bà Trưng (gần Trung tâm hành chính công TP Bạc Liêu) cảnh tượng nhếch nhác với các thùng rác, quán nước giải khát vỉa hè, phía trên treo một tấm băng rôn quảng cáo. Chỗ ngồi chờ chật chội, khiến nhiều hành khách đang ngồi chờ xe cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.

Tương tự tại nhà chờ xe buýt trên đường Võ Thị Sáu (ngang khách sạn Đạt Ngọc) cũng rơi vào tình trạng tương tự, chỗ ngồi chật chội, hàng rong thì bao vây (quán nước giải khát, bán bắp trái,...) khiến cho hành khách ngồi chờ rất bức xúc. Có người không có chỗ ngồi, buộc lòng phải ngồi nhờ ghế ở gốc cây của một shop bán hoa kiểng gần đó dưới cái nắng nóng như đổ lửa.

Đặc biệt, những người buôn bán hàng rong này bán không cố định, chọn thời điểm nhất định lúc đông người chờ xe buýt để bán rồi họ di chuyển đến địa điểm khác.

Đang đứng ngồi chờ xe buýt trên đường Võ Thị Sáu, chị Nguyễn Thị Nga (ngụ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi đi thăm người chị bà con cô cậu nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, nhưng chưa có chuyến nên phải ngồi gốc cây chờ vì nhà xe không còn chỗ để ngồi, trời nắng thì còn đỡ, chứ trời mưa thì ướt hết”.

Hai điểm nhà chờ gần cổng chính (ảnh trên) và cổng phụ (ảnh dưới) khu vực phái trước trường Đại học Bạc Liêu (cơ sở 1) trong tình trạng rất vắng khách. Ảnh: Gia Minh

Để tránh nắng, một số người tìm đỡ một quán nước gần nhà chờ xe để ngồi, hay tìm những gốc cây có tán lớn gần đó để trú nắng với vẻ mệt mỏi.

Trong khi đó, tại khu vực phía trước nhà cổng trường Đại học Bạc Liêu (cơ sở 1, đường Võ Thị Sáu) có hai vị trí lắp đặt nhà chờ xe buýt có mái che (1 gần cổng chính và vị trí còn lại ở cổng phụ). Tuy nhiên, cả hai nhà chờ xe này đều cùng chung tình trạng vắng hoe.

Còn tại nhà chờ xe buýt khu vực trước siêu thị Co.opmart, những chiếc ghế đá bị hư hỏng, và cũng trong tình trạng “ế” khách, chẳng ai quan tâm.

Theo Sở GTVGT tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 nhà chờ xe buýt. Trong đó, ở địa bàn TP Bạc Liêu có 10 nhà chờ (do xã viên của HTX Đại Thắng bỏ vốn đầu tư); ở thị xã Giá Rai 8 nhà chờ (có 1 nhà chờ do HTX Đại Thắng đầu tư, 7 nhà chờ còn lại do một số doanh nghiệp đóng tiền để làm).

Việc đầu tư xây dựng nhà chờ xe buýt, tạo điều kiện cho người dân có điểm ngồi trong thời gian chờ xe đến đón là hết sức cần thiết và cần được đầu tư đồng bộ, tránh tình trạng xây dựng xong, không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-cho-xe-buyt-o-bac-lieu-noi-vang-ve-noi-thanh-diem-ban-hang-rong-d465056.html