Nhà ca sĩ Mỹ Linh và các villa 'băm' rừng phòng hộ Sóc Sơn: 'Phải cương quyết phá bỏ'

Việc hàng chục nghìn mét vuông đất rừng phòng hộ thuộc huyện Sóc Sơn bị san ủi để xây dựng những khu biệt thự nghỉ dưỡng, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cách tốt nhất phải cương quyết phá dỡ. Có như vậy mới ngăn chặn được các hành vi vi phạm.

Khuôn viên nhà vườn đồ sộ của ca sĩ Mỹ Linh.

"Có tham nhũng trong quản lý hay không?"

Tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều 16.10, ông Đỗ Minh Tuấn (Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn) cho biết, nhà của ca sĩ Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương nằm trong danh sách các công trình vi phạm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về đất rừng Sóc Sơn giai đoạn 2006-2008.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xử lý sai phạm tại đây như thế nào, đại diện UBND huyện Sóc Sơn đã xin “khất” câu trả lời với lý do báo cáo TP để tháo gỡ và sẽ có văn bản trả lời cụ thể sau.

Các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ. Ảnh: Văn Thắng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn có tới hơn 650 hộ xây dựng với diện tích lên đến 11ha, các công trình chủ yếu là biệt thự, villa, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng.

Việc hàng chục nghìn mét vuông đất rừng phòng hộ thuộc huyện Sóc Sơn bị san ủi để xây dựng những khu biệt thự nghỉ dưỡng, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường - cho rằng, đó là câu trả lời cho thắc mắc: Tại sao chúng ta mất rừng nhiều thế và liệu có tham nhũng trong quản lý hay không?

“Tôi cho rằng, sai phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn - trước tiên là trách nhiệm của chính quyền cấp xã.

Chính quyền xã có nhiệm vụ phát hiện các vi phạm pháp luật trên địa bàn mình quản lý, phải xử lý kịp thời và phải báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền ngay khi phát hiện được.

Trong trường hợp này, chính quyền xã đã không thực hiện đúng nhiệm vụ của luật đất đai giao cho, nói cách khác là của nhà nước giao cho.

Video những công trình xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Tiếp theo là trách nhiệm cấp huyện - đơn vị quản lý trực tiếp. Cấp này có chức năng kiểm tra thường xuyên các hoạt động của cấp xã nhưng không phát hiện, đưa ra giải pháp xử lý, ngăn chặn việc xây dựng, chuyển nhượng sử dụng đất trái phép.

Sau đó là trách nhiệm của TP. Hà Nội. Việc xây dựng các công trình trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ kết luận nhưng đến nay chưa xử lý triệt thể, thì đó là trách nhiệm của thành phố.

Ngoài ra, các bộ, ngành cũng không khỏi liên đới vì sự việc đã rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng bộ không có can thiệp gì nên không thể thoái thác trách nhiệm”, ông Võ nói.

"Dừng ngay cách thức phạt cho tồn tại"

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường, nếu không xử lý triệt để sai phạm đất rừng Sóc Sơn, không lập lại trật tự thì tương lai không xa - huyện Sóc Sơn sẽ trở thành đô thị lớn, không còn rừng nữa.

Nói về giải pháp khắc phục những sai phạm trên, ông Võ cho hay, trước đây, chúng ta vẫn lấn cấn việc có nên phá dỡ các công trình xây dựng trái phép không. Nhưng ông cho rằng, trong phạm vi ít xảy ra sai phạm, có thể xem xét câu chuyện xử lý như thế nào để không tổn hại đến giá trị vật chất.

Tuy nhiên, ở đây là sai phạm nghiêm trọng - cách tốt nhất phải cương quyết phá dỡ. Có như vậy mới ngăn chặn được các hành vi vi phạm, mới sửa sai được. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc xử lý các công trình xây dựng trái phép ở Đà Nẵng rồi.

"Phải dừng ngay cách thức phạt cho tồn tại vì cách thức này chỉ khuyến khích thêm việc vi phạm pháp luật mà thôi", ông Võ nói.

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/nha-ca-si-my-linh-va-cac-villa-bam-rung-phong-ho-soc-son-phai-cuong-quyet-pha-bo-636768.ldo