Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Con đường tất yếu của điện ảnh là đến với đại chúng

Mặc dù ngày càng xuất hiện nhiều phim có doanh thu cao nhưng không ít người vẫn băn khoăn với câu hỏi: Liệu doanh thu cao có phản ánh đúng chất lượng nghệ thuật của những tác phẩm này? Có nên tiếp tục phân biệt giữa phim thị trường và phim nghệ thuật?... Nhà biên kịch và phê bình điện ảnh Trịnh Thanh Nhã đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Hànôịmới Cuối tuần xung quanh vấn đề này.

- Thưa nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, trước đây, khi tiếp cận một tác phẩm điện ảnh, chúng ta thường có sự phân định giữa phim thương mại và phim nghệ thuật. Thậm chí, nhiều bộ phim có doanh thu cao còn bị xếp “chiếu dưới”, bị gọi là “phim thị trường”. Hiện tại, có phải quan điểm ấy đã thay đổi khá nhiều, thưa bà?

- Thưa nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, trước đây, khi tiếp cận một tác phẩm điện ảnh, chúng ta thường có sự phân định giữa phim thương mại và phim nghệ thuật. Thậm chí, nhiều bộ phim có doanh thu cao còn bị xếp “chiếu dưới”, bị gọi là “phim thị trường”. Hiện tại, có phải quan điểm ấy đã thay đổi khá nhiều, thưa bà?

- Sinh thời, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp đã nói tại một hội thảo: “Đừng cố gắng phân biệt phim nghệ thuật và phim thị trường, chỉ có phim hay hoặc phim không hay. Phim hay thì ai xem cũng sẽ thấy hay. Cái không hay, không làm cho đại chúng rung cảm thì chắc chắn bộ phim ấy có khiếm khuyết”. Tuy nhiên, khi nhìn vào lịch sử điện ảnh thế giới thì có vẻ những bộ phim đạt giải lớn như Cannes, Oscar... đều kén khách. Điều này cho thấy, sự kén khách của dòng phim nghệ thuật không chỉ là hiện tượng ở Việt Nam.

Điện ảnh là sản phẩm nghệ thuật. Người mua vé vào rạp, xét ở phương diện nào đó là có một đẳng cấp sinh hoạt văn hóa khác. Điện ảnh dành cho đại chúng, nhưng khi đẳng cấp nghệ thuật ở một cấp độ cao thì nó không hoàn toàn thuận lợi khi nhìn nhận ở góc độ tiếp nhận của đại chúng. Một bộ phim có đẳng cấp về trí tuệ hay chứa đựng triết lý sống nào đấy, có tính ẩn dụ trong hình ảnh thì những bộ phim ấy được gọi chung là phim nghệ thuật. Nó đòi hỏi người xem phải có nền tảng tri thức ở mức độ nào đó.

Trên thực tế, phim có chất lượng nghệ thuật cao và được đông đảo khán giả đại chúng yêu thích không phải là không có, nhưng không nhiều. Ví dụ như bộ phim Hàn Quốc “Ký sinh trùng” là một hiện tượng thực sự đấy, nhưng không phổ biến. Các vấn đề mang tính đại chúng thường được cho là đơn giản. Rất nhiều người khi xem bộ phim này đã cho rằng: Các vấn đề trong “Ký sinh trùng” hết sức đại chúng, một câu chuyện không quá phức tạp, không nhiều ẩn dụ nhưng vẫn đạt được chất lượng cao. Những khán giả đòi hỏi chất lượng cao về mặt nghệ thuật vẫn cảm thấy yêu thích bộ phim này.

Tại nước ta, trước đây cũng có bộ phim lúc mới ra thì không ai quan tâm cả, nhưng sau khi bộ phim đoạt giải châu Á - Thái Bình Dương thì khán giả lại xếp hàng đi xem. Đó là phim “Đời cát”, một bộ phim chất lượng cao về đề tài hậu chiến, chạm vào tâm thức dân tộc của mọi người.

Về mặt lý thuyết, phim nghệ thuật là phim kén khán giả, đòi hỏi có một nhóm khán giả ưu tú xem và có thể chia sẻ với nhau được. Nhưng trong khá nhiều trường hợp, tính đại chúng và tính nghệ thuật cùng xuất hiện trong một bộ phim thì đó là điều đáng quý.

- Vì vậy mà trong thực tế, có đạo diễn cho rằng phim của họ có ít người xem vì nó là dòng phim nghệ thuật?

- Có thể một số đạo diễn cho rằng phim của họ là phim nghệ thuật, là phim kén khách. Họ nói không sai, nhưng như thế mới chỉ nói được một vế. Con đường tất yếu của điện ảnh là đến với đại chúng. Điện ảnh mà không có khán giả thì sẽ chết. Vì thế, bằng cách nào đó, có thể không phải ai cũng làm được nhưng nỗ lực đưa tác phẩm điện ảnh đến với đại chúng là nỗ lực tất yếu của điện ảnh.

Có một thời chúng ta hay giễu cợt khái niệm phim nghệ thuật, vì có nhiều nghệ sĩ làm phim bằng tiền nhà nước và nói rằng phim của tôi kén khán giả. Trong thực tế, có những bộ phim có nhiều khiếm khuyết. Biết là anh hướng tới nghệ thuật một cách quyết liệt đấy, nhưng không phải ai cũng thu được thành công. Hơn nữa, phim làm bằng ngân sách nhà nước luôn thiếu hai điểm căn bản: Trách nhiệm thu hồi vốn không được đặt lên hàng đầu và khâu quảng bá làm chưa tốt. Một trong những bộ phim mà tôi nhận định là có chất lượng khá tốt trong hệ thống phim nhà nước là “Những đứa con của làng”. Đó là một bộ phim gây cảm giác rất đau đớn, ai xem cũng khóc. Nhưng khán giả lại thờ ơ, vì truyền thông kém quá. Người ta không biết đến bộ phim ấy thì làm sao mà đến chia sẻ với mình được. Nỗ lực đến mấy nhưng không chú trọng khâu quảng bá thì cũng bằng không. Chúng ta phải “trao chìa khóa” cho khán giả trước khi họ bước vào rạp.

- Nhìn lại những bộ phim điện ảnh được thực hiện trong khoảng 10 năm qua, bà thấy nỗ lực đưa tác phẩm đến với đại chúng của những người làm phim như thế nào?

- Tôi nghĩ 10 năm qua, người làm điện ảnh Việt Nam đã ý thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đến với đại chúng, dù là nhà làm phim tư nhân, phim độc lập hay phim do nhà nước tài trợ. Mong muốn đến với đại chúng của các nghệ sĩ rất lớn, điều đó được thể hiện qua nhiều phim. Chẳng hạn như “Tháng năm rực rỡ”, một bộ phim tươi trẻ, sống động, nó khiến khán giả nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ của mình. Bộ phim được thực hiện rất chỉn chu, chuẩn mực.

Hay như trường hợp “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân, bộ phim này nói đến thân phận con người một cách thẳng thắn, không tô hồng. Không thấy triết lý cao siêu nhưng mọi hình ảnh được chắt lọc một cách chuẩn mực. “Hai Phượng” ăn khách một cách kinh khủng nhưng ít nhất là trong góc nhìn của tôi, đó không phải là phim thị trường. Rõ ràng nó là phim nghệ thuật và nó ăn khách một cách bất ngờ trong thị trường điện ảnh Việt Nam. Điều đó cho thấy nỗ lực của các nhà làm phim, ê kíp sản xuất đang hướng tới khán giả bằng con đường nghệ thuật nghiêm túc.

- Sau thành công của những "bộ phim trăm tỷ" như “Hai Phượng” hay gần đây nhất là “Bố già”, phải chăng đang có sự chuyển dịch trong nhận thức về vai trò giữa phim tư nhân và phim nhà nước cũng như cách làm phim?

- Nhà nước đầu tư làm phim với mong muốn có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Thực ra, tôi cho rằng đó là nhiệm vụ của Nhà nước nhưng bây giờ nhà làm phim tư nhân đang làm thay. Nhưng họ sẽ đuối hơi rất nhanh! Nếu may mắn, phim có sức hút, có doanh thu tốt thì họ có thể đi tiếp một bước nữa. Nhưng nếu không thể bước tiếp thì sẽ bị quên lãng, như chúng ta đã thấy với “Dòng máu anh hùng”, “Áo lụa Hà Đông”. Tôi khẳng định đó là những bộ phim rất hay, dù cần được biên tập kỹ thêm một chút nữa. Nhưng nó đã bị lãng quên và Nhà nước không làm gì để giúp cho các ê kíp ấy có thể tái sản xuất. Tôi tiếc vô cùng cho dòng phim đó: Vừa bảo đảm tính nghệ thuật vừa phản ánh được một giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh thân phận con người trong một đất nước chiến tranh triền miên nhưng vẫn giữ được lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Nhưng cuối cùng thì dòng phim ấy chết yểu. Tôi vẫn khẳng định rằng, việc làm dòng phim vừa mang tính tuyên truyền, vừa mang tính nghệ thuật phải là nhiệm vụ của Nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Bảo Trân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/995780/nha-bien-kich-trinh-thanh-nha-con-duong-tat-yeu-cua-dien-anh-la-den-voi-dai-chung