Nhà báo Vương Tâm trải lòng về những đam mê bất tận

Về hưu cứ tưởng nhà báo Vương Tâm sẽ 'an nhàn tuổi già' theo đúng nghĩa nhưng không, người ta vẫn thấy ông đi nhiều, viết nhiều, giữ nhiều chuyên mục của các báo và liên tục cho ra sách. Bởi đó là niềm đam mê, là mạch nguồn sống của người đàn ông xứ Đoài này. Song song với viết lách, Vương Tâm còn có niềm vui thú với công việc sưu tầm, lưu giữ ấm trà cổ.

Say sưa với nghề

Nhà báo Vương Tâm được biết đến là tác giả của hơn 40 cuốn sách văn chương, báo chí đã xuất bản

Vào tuổi 40, Vương Tâm mới theo con đường làm báo chuyên nghiệp, nhưng trước đó ông đã trải qua gần 20 năm làm công tác tuyên truyền báo chí, xuất bản trong ngành khí tượng thủy văn. Đó là khoảng thời gian đủ dài cho những trải nghiệm, suy ngẫm của người đàn ông trung niên về cuộc đời và số phận của con người.

Có lẽ vì thế mà khi được làm việc tại Báo Hànôịmới, Vương Tâm càng miệt mài, hăng hái, say mê phát huy năng lực sáng tác văn thơ và sự nghiệp báo chí. Vương Tâm nổi lên với những bài phóng sự, truyện ngắn viết về Thủ đô. Đặc biệt trong đó bài thơ “Phôn cho anh” của ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc vào năm 1990. Sau đó bài thơ còn được dựng thành một kịch bản phim ca nhạc của VTV1. Một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Vương Tâm cũng được các tác giả chuyển thể sang kịch bản phim truyền hình.

Vương Tâm không ngại gian khó và thường xuyên đi xe máy tới các vùng miền xa xôi để viết bài. Thậm chí đã vài ba lần bị tai nạn ngã gãy xương trong những chuyến đi ấy nhưng ông cũng không hề nản chí. Từ đó lần lượt những tác phẩm của Vương Tâm được ra đời. Dường như mỗi năm ông cho ra một đầu sách. Tính đến nay ông đã sở hữu hơn 40 tác phẩm gồm cả thơ ca, bút ký, truyện ngắn và tiểu thuyết.

Cùng với đó là những giải thưởng văn chương, báo chí danh giá mà ông đã “gặt hái” được trong sự nghiệp cầm bút như: Giải thơ 5 năm đầu tiên của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (1980-1985); Giải bút ký Báo Văn nghệ và Bộ Nông nghiệp Việt Nam (đồng tổ chức) 1987; Giải Nhì truyện ngắn cuộc thi Báo Người Hà Nội năm 2006; Giải A cuộc thi thơ tình Báo Văn nghệ năm 2007; Giải Ba truyện ngắn 1.200 từ Báo Tuổi Trẻ năm 2008; Giải Nhất cuộc thi phóng sự, bút ký Báo Người Hà Nội năm 2010….

Nhà báo Vương Tâm trong chuyến công tác Tây Nguyên

Nhưng có lẽ điều mà ông tâm đắc nhất khi nhìn lại sự nghiệp của mình, đó là cùng Ban Biên tập góp phần xây dựng ấn phẩm Hànôịmới Cuối tuần đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc suốt mấy chục năm qua.

Là người đứng đầu tờ báo này trong những ngày tháng khó khăn của thời kỳ đầu Đổi mới, Vương Tâm đã cùng cán bộ, phóng viên trong Ban quyết tâm đổi mới ấn phẩm để vừa thực hiện sứ mệnh chính trị vừa làm tốt công tác kinh tế báo chí. Muốn vậy, ông đã nghĩ ngay đến việc mở thêm các chuyên mục mới, hấp dẫn bạn đọc.

Trước hết phải kể đến chuyên mục “Hà Nội tạp văn” mà đến nay tờ báo vẫn giữ được. Đó là những bài viết hướng người đọc đến những suy tư, hoài niệm về con người và mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đặc biệt vào cuối năm 2017, cuốn sách thứ 4 tập hợp những bài viết trên chuyên mục “Hà Nội tạp văn” đã xuất bản và gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Bên cạnh đó, chuyên mục “Những bài hát được nhiều người yêu thích” cũng được triển khai trong hơn 10 năm tạo nên nét đặc trưng cho tờ báo. Cho đến nay, NXB Thanh niên đã xuất bản 4 tập sách chọn lọc từ những bài hát nổi bật của chuyên mục. Ngoài ra, còn một số chuyên mục khác như “Quanh sàn diễn”, “Tác giả- tác phẩm”, hoặc “Chuyện tình của những người nổi tiếng”, hay “Tô Hoài kể chuyện”… cũng thu hút được bạn đọc trong nhiều năm.

Ông cho rằng điều làm nên tên tuổi của một tờ báo là ở phong cách của tác giả, ở đây được hiểu là bài báo cần có chất văn, mang cách nghĩ, cách cảm thụ riêng biệt của người viết. Tất nhiên ở Ban Hànôịmới Cuối tuần số lượng phóng viên được biên chế không nhiều nên ông buộc phải xây dựng một mạng lưới cộng tác viên hùng hậu với đa dạng các phong cách.

Bên cạnh việc chiêu mộ những cây bút tên tuổi thì Vương Tâm cũng rất chú tâm đến những cây bút trẻ với hy vọng họ sẽ mang đến làn gió mới cho tờ báo. Những cây bút trẻ ấy qua sự góp ý, bảo ban tận tình của Vương Tâm giờ đây đã thành danh và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan báo chí. Có một câu chuyện mà nhiều người trong số họ vẫn thường nhắc về ông, đó là ông còn bỏ tiền túi ứng nhuận bút trước cho các cộng tác viên để họ đảm bảo cuộc sống, an tâm viết lách.

Thú vui sưu tầm ấm trà cổ

Về hưu từ năm 2006, ông chuyển nhà từ con phố Tràng Tiền tập nập về một con ngõ heo hút gần ga Hà Nội để có không gian yên tĩnh viết lách nhưng cũng không quá xa trung tâm. Căn nhà của ông cũ kĩ, chật hẹp nhưng lại càng như thu nhỏ hơn khi đến quá nửa diện tích được ông bài trí ấm trà. Trong nhà ông hiện có đến hơn 500 ấm trà được sưu tầm từ ở các lò gốm và ở các địa phương với nhiều chất liệu khác nhau như đất, sứ, sành, sắt, đồng, gỗ, phalê… một số lớn là những ấm trà của các nước Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên… Đó là số lượng ấm trà lớn mà bất kỳ một nhà sưu tầm nào cũng ao ước muốn có.

Nhà báo Vương Tâm bên gian trưng bày ấm trà cổ của gia đình

Ông bắt đầu chơi ấm trà từ năm 1995, khi được một người bạn tặng chiếc ấm đất Tử Sa (Trung Quốc) xinh xinh như quả quýt màu hồng. Từ lúc có cái ấm đó, ngày ngày ông mở ra lau chùi, ngắm nghía đâm ra nghiện rồi ông mơ ước được sở hữu nhiều chiếc ấm độc đáo hơn nữa. Vì vậy trên bất cứ chuyến đi công tác nào song song với việc lấy tin, viết bài thì ông luôn cố gắng dò hỏi để mua về một ấm trà. Ông đã rong ruổi trên khắp các địa phương có làng nghề gốm truyền trống nổi tiếng như: Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh) hoặc ở các tỉnh xa xa mỗi khi tiện chuyến công tác như làng gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận), gốm Thanh Hà (Hội An, Đà Nẵng), lò gốm Minh Long (Bình Dương)…

Ngoài ra, ông còn sở hữu những chiếc ấm quý từ nước ngoài. Nhiều khi bạn bè quý mến ông muốn tặng gì đó nhưng ông đều từ chối, riêng tặng ấm là ông vui vẻ nhận. Ông cho rằng, chơi ấm không tốn nhiều tiền, nhưng tỉ mẩn và phải biết cách.

Hiện nay ông sở hữu bộ ấm nào nhiều tiền nhất cũng chỉ tầm chục triệu, nhỏ thì vài trăm, vài chục nghìn. Đó đều được mua bằng số từ số tiền nhuận bút ít ỏi mà ông chắt chiu, dè sẻn trong nhiều năm. Đặc biệt ông hiện còn sở hữu một bộ ấm nhỏ độc nhất hiện nay với hàng chục chiếc ấm nhỏ trong đó có chiếc ấm nhỏ chỉ bằng ngón tay.

Trong nhiều chiếc ấm hiện được lưu giữ tại nhà ông, thì phải kể đến những bộ ấm mà các nghệ nhân nổi tiếng như: Đàng Thị Phan, Tô Thanh Sơn, Nguyễn Lợi, Phạm Văn Đạo, Gốm Chi, Lại Văn Tiết, Phạm Ngọc Huy… tự tay làm ra để tặng ông. Đó là bởi lẽ họ yêu mến và nể phục ông khi có vốn kiến thức thâm sâu, uyên bác về ấm. Mỗi chiếc ấm mang một kiểu dáng, một màu men với những họa tiết riêng biệt. Theo ông với một ấm trà thì màu men là quan trọng nhất, nó thể hiện được văn hóa đặc trưng của vùng đất làm ra nó.

Cứ thế, thú chơi ấm trà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của nhà báo, nhà thơ, nhà văn Vương Tâm. Với ông chơi ấm trà là cách hướng tâm hồn người ta đến với những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy vốn văn hóa đậm đà bản sắc Việt. Đó cũng chính là những trăn trở, suy tư của Vương Tâm mỗi khi cầm bút trong chừng ấy năm qua./.

An Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/nha-bao-vuong-tam-trai-long-ve-nhung-dam-me-bat-tan-43342