Nhà báo Vũ Thái Phong: Chủ bút báo Dân Quân (Nam bộ)

Được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho các cụ cán bộ lão thành cách mạng vào miền Nam an dưỡng, ông Phí Văn Bái lần tìm người bạn cố tri Vũ Duy Loan năm xưa.

Gặp lại nhau sau hơn 30 năm xa cách hoàn toàn bặt vô âm tín, hai ông cùng nhau ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của mình sau ngày chiến thắng thực dân Pháp, mà đất nước vẫn chịu cảnh chia cắt đôi miền.

Năm 1947 đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm chỉ huy trưởng Dân quân Miền Nam - Lê Duẩn mời đồng chí Vũ Thái Phong, một nhà báo trong ban Thông tin tuyên truyền Phòng Chính trị Quân khu 7, lên gặp.

Sau cái bắt tay, đồng chí Lê Duẩn hỏi: “Tôi đã đọc các bài báo của đồng chí trên tờ Tiền đạo và tờ Nam Bộ. Tại sao đồng chí lại ký tên là Tầm Phào thế?

Vũ Thái Phong trả lời: “Tôi thường viết chuyện châm biếm hài hước nên ký cái tên vui cho hợp với quần chúng”.

Ông Lê Duẩn gật đầu hỏi thêm: “Đồng chí đã học qua lớp báo chí nào chưa?

“Tôi chưa học ở đâu – Vũ Thái Phong chân thành – nhưng tôi được học Đề cương văn hóa của Đảng”.

“Cấp nào phổ biến” – đồng chí Lê Duẩn hỏi.

“Tôi không biết là cấp nào. Người phổ biến cho tôi là đồng chí Lý”.

“Đồng chí Lý là đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng - đồng chí Bí thư Xứ ủy gật đầu rồi ra chỉ thị - Bắt đầu từ ngày mai, đồng chí Vũ Thái Phong làm Chủ bút tờ báo Dân quân (Nam Bộ), do tôi làm Chủ nhiệm”.

* * *

Vũ Thái Phong tên khai sinh là Vũ Duy Loan. Chào đời tại phố Đệ Nhất , thị xã Thái Bình. Cha là công chức mất sớm. Anh trai là Vũ Đức Mậu làm Thanh tra nhà Đoan Hà Nội, ký giả không chuyên, tác giả cuốn Sóng gió Đồng Châu, nội dung viết về cảnh đẹp của bãi biển Đồng Châu là nơi nam thanh nữ tú hay ra nghỉ hè.

Thái Bình quê hương của phong trào cách mạng từ khi thực dân Pháp sang xâm lược với những gương sáng yêu nước của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Mậu Kiến… Cho đến phong trào cộng sản với những chiến sĩ Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Đức Cảnh…

Ông Vũ Duy Loan (tức Vũ Thái Phong).

Ông Vũ Duy Loan (tức Vũ Thái Phong).

Năm 1930 Thái Bình nổi lên cao trào cách mạng với tiếng trống Tiền Hải… đã bị thực dân Pháp và Nam triều dìm trong biển máu. Ngôi nhà gia đình Vũ Duy Loan ở đối diện với dinh Tuần phủ Thái Bình. Biết bao lần anh được chứng kiến những người yêu nước bị đưa về dinh tra khảo, tiếng kêu thét xé trời…

Đỗ Diplome đúng vào giữa lúc khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng, không muốn là gánh nặng cho gia đình, anh thoát ly đi kiếm việc làm. Tìm ra tới Hòn Gai (Hongay), sang Bãi Cháy (Watchay) mà vẫn không có việc, cùng quá anh phải làm thư ký cho viên Bang trưởng ở đấy.

Nói là thư ký nhưng không có lương lậu gì, chỉ có ngày hai bữa cơm đạm bạc, thỉnh thoảng viết cho ông ta lá đơn lên đồn Hongay báo cáo về việc mấy thằng lính Tây đánh lộn. Công việc chính lại là trông coi ngôi đền cho ông ta, mỗi tối thắp nhang. Còn thì giờ rỗi anh đọc sách hoặc ra ngồi trước cổng đền ngắm cảnh vịnh Hạ Long.

Một buổi chiều hè, mặt trời đang khuất, từng đàn chim nối đuôi nhau bay về tổ. Đang nằm đọc sách trong đền, Vũ Duy Loan gặp hai người bạn trẻ vác máy ảnh đi chụp dạo kiếm kế sinh nhai. Người nhiều tuổi hơn tên là Phí Văn Bái, quê ở thị xã Hải Dương.

Qua câu chuyện mới biết hai anh cùng được giải trong cuộc thi văn chương của Nam Ký thư quán xuân Ất Hợi (1935). Hai thanh niên trẻ phiêu dạt xa quê hương, xa gia đình, vừa lãng mạn vừa ấp ủ tinh thần yêu nước nên họ nhanh chóng kết thân với nhau.

Dần dà anh Bái cho Loan coi tờ Letravail (Lao động) mà anh đang là cổ động viên và cổ vũ anh tham gia vào công việc này. Anh khuyên nên cố gắng tìm cách len vào hàng ngũ công nhân của mỏ để có địa bàn hành động.

Lần khác, dưới ánh trăng khuya, Loan rút ra tờ Tiểu thuyết thứ Bảy đọc cho Bái nghe những bài thơ anh đăng trên báo này. Anh Bái đón nhận tờ báo trân trọng như cảm nhận được từng nhịp đập trái tim trong lồng ngực người bạn mới kia. Anh cho Loan biết: Mình rất thích tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn.

Anh Dũng – Loan reo lên – chúng ta phải tìm được anh Dũng trong Đoạn tuyệt.

Hai đôi mắt bừng sáng. Họ không còn thấy bóng đêm đang bao phủ lên những dãy nhà lá lụp xụp trước mắt hướng ra biển nữa mà chỉ còn thấy núi Bài Thơ giữa lòng thị xã Hòn Gai. Ngôi chùa Long Tiên dưới chân núi đó là nơi chị Nguyễn Thị Lưu (tức Nguyễn Thị Thuận) thường gọi là chị Cả Khương dùng làm địa điểm liên lạc và vận chuyển tài liệu của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1930, anh Đào Văn Tuất (tức Nguyễn Thành) được phân công cắm cờ đỏ búa liềm trên đỉnh núi này. Những hoạt động yêu nước trong phong trào của anh em công nhân mỏ như mạch nước ngầm thấm sâu vào lòng Vũ Duy Loan và Phí Văn Bái.

Được tin đồng chí Trần Huy Liệu mới từ Côn Đảo về Hà Nội làm báo, Phí Văn Bái về Hà Nội. Còn Vũ Duy Loan tiếp tục đi kiếm việc làm và may thay đã kiếm được một chân thư ký kế toán trong mỏ Hà Tu, chi nhánh của Hongay.

Trong thời gian làm việc ở Hà Tu, Loan vẫn nhận được báo Letravail do anh Bái gửi từ Hà Nội. Chẳng bao lâu công việc bại lộ, anh bị tên mật thám của sở mỏ kêu lên cảnh cáo mấy lần, sau bị trục xuất khỏi địa phương.

* * *

Biết Vũ Duy Loan cũng là một thanh niên yêu nước, có lý tưởng giác ngộ cách mạng, Phí Văn Bái báo cáo với anh Hoàng Văn Thụ. Anh Thụ đồng ý gặp tại địa điểm riêng. Bái báo với Loan: “Mình đã được gặp anh Dũng rồi. Loan có muốn gặp không?”.

“Mình ao ước lâu rồi, muốn gặp quá đi chứ”, Loan đáp lời.

Sau hôm gặp anh Thụ, Loan bảo, thú quá, mình gặp một người thực sự có tài năng đấy. Nhưng vì nguyên tắc hoạt động bí mật của Đảng hai anh không trao đổi gì thêm.

Sau ít lâu tiếp xúc, anh Thụ tổ chức Loan vào Ban Cứu tế đỏ. Nhiệm vụ là tuyên truyền cho cách mạng song song với việc cổ động giúp đỡ tài chính.

Năm 1940 anh Hoàng Văn Thụ giao cho Vũ Duy Loan một mật thư đem vào Sài Gòn. Thời ấy đi lại rất khó khăn, đi từ Bắc vào Trung và Nam là ngoài thẻ thuế thân phải có tít (titre ddentile). Vào Sài Gòn, theo lời dặn dò cặn kẽ của anh Thụ, anh Loan tìm gặp anh thợ giày ở góc đường Lê Thánh Tôn. Làm xong nhiệm vụ anh trở ra Hà Nội. Sau này được biết đó là anh Tú Oanh.

Tự sự của ông Vũ Duy Loan (bản viết tay).

Đến tháng 4-1943, Vũ Duy Loan lại được đồng chí Hoàng Văn Thụ cử vào Sài Gòn. Lần này đồng chí căn dặn rất kỹ lưỡng và nói có thể ở luôn trong đó hoạt động.

Vào Sài Gòn, Vũ Duy Loan đổi tên thành Vũ Thái Phong, lại đem thư đến đồng chí Tú Oanh và anh được ở lại để hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong. Phong trào này do người Nhật dựng lên để thu hút thanh niên nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã khôn khéo lôi kéo thanh niên về phía cách mạng.

Nhật đảo chính Pháp, rồi quân Đồng minh đổ bộ lên miền Nam. Tiếng súng kháng chiến từ thành đồng Tổ quốc vang lên sau ngày 23-9-1945.

Mọi cơ quan kháng chiến lần lượt rút ra bưng biền. Như hầu hết Thanh niên Tiền phong khác, Vũ Duy Loan ra chiến khu nhập vào nhóm các nhà trí thức Phạm Thiều, Nguyễn Thai Báo lập trường Quân chánh đầu tiên Nam Bộ tại xã Bình Đa, Biên Hòa.

Khoảng đầu năm 1950 ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên truyền thị xã Biên Hòa rồi Trưởng phòng Chính trị Chi đội 10 tức Trung đoàn 310 do thi sĩ tướng quân Huỳnh Văn Nghệ làm chỉ huy trưởng, Phan Đình Công làm chính ủy. Vũ Duy Loan phụ trách tờ Sứ mạng của Trung đoàn và viết giúp bài cho Ban Tuyên truyền của tỉnh.

Khoảng tháng 9, tháng 10-1946, ông gặp đồng chí Lê Duẩn từ Bắc vào trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn đã cử ông đi học khóa chính trị đặc biệt ở Quân khu 7 do đồng chí chủ trì và đồng chí Nguyễn Văn Trí - Chính ủy Quân khu 7 phụ trách giảng dạy.

Học xong khóa đó Vũ Duy Loan được kết nạp vào Đảng và được bố trí qua Phòng Đặc biệt khu công tác. Được ít lâu ông lại được điều về Phòng Chính trị Quân khu 7 trong ban Thông tin tuyên truyền viết cho báo Tiền đạo và thỉnh thoảng gửi bài cho tờ Nam Bộ. n

(Bài viết theo lời kể của ông Phí Văn Bái – Lão thành Cách mạng, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Tự sự viết tay của ông Vũ Duy Loan)

Khi đồng chí Bùi Thanh Khiết nhậm chức Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh có đến gặp Vũ Duy Loan và ngỏ ý cho ông giữ nhiệm vụ Trưởng phòng văn thư của Sở nhưng ông muốn đứng trên bục giảng, hợp với khả năng hơn. Ông Vũ Duy Loan công tác trong ngành giáo dục tới năm 1988 thì nghỉ hưu.

Ngày 30-4-1975 ông Vũ Duy Loan tham gia giành chánh quyền ở Bà Chiểu với nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên – Văn – Giáo khu 6 quận Bình Hòa.

Ông Phi Văn Bái, bà Trần Thị Minh Châu đã viết giấy xác nhận gửi lên Ban Tổ chức Trung ương báo cáo về quá trình hoạt động trước Cách mạng tháng Tám của ông Vũ Duy Loan. Đồng chí Ngô Xuân Lưu (tức Bảy Lựu) Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp giải quyết.

Kiều Mai Sơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nha-bao-vu-thai-phong-chu-but-bao-dan-quan-nam-bo-545154/