Nhà báo Trương Anh Ngọc: Càng đi, càng thấy Việt Nam thật đẹp

Là người được đến nhiều nước trên thế giới, và viết cũng nhiều sách về những miền đất đã qua, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ cảm nhận chung về tính cách, tinh thần người Việt:

Nhà báo Trương Anh Ngọc.

Nhà báo Trương Anh Ngọc.

- Người Việt mình sống theo cộng đồng rất tốt, hỗ trợ, tương trợ, bảo vệ cho nhau, duy trì văn hóa cộng đồng trong nhóm của mình, dù đông hay không đông.

Mỗi khi đi công tác xa, khi nhớ về quê hương, điều gì làm anh thấy ấm áp và xúc động?

- Khi tôi đi xa, những người ở nhà mong muốn điều tốt nhất cho mình. Khi có mạng xã hội thì không còn cách biệt về không gian nữa. Ngày xưa, người ta đi xa quê thì nhớ cảm xúc với người thân và những gì thân thiết nhất mà mình được có, nhưng với thời 4.0 và hàng hóa Việt Nam đi khắp thế giới, thì ở đâu mình cũng có được hương vị tình cảm từ quê nhà. Có khác chỉ là không được ở bên cạnh người thân và gia đình, bạn bè mình bằng xương bằng thịt thôi.

Thời gian qua vì dịch bệnh nên cũng là thời gian anh dừng chân “ngao du”, mà ở lại trong nước thời gian dài, anh đã trải qua những ngày “một mình” ra sao?

- Không được đi là sự tiếc nuối lớn với tôi, kèm theo nỗi khắc khoải không biết bao giờ mình được đi ra thế giới. Với tình trạng thế này nếu đi được thì về cũng khó. Hơn một năm qua tôi ở nhà thì lại có cơ hội có những chuyến đi xuyên đất nước. Tôi đi Tây Bắc, Đông Bắc, xuyên Việt, và 2 năm qua, thực hiện các chuyến đi chương trình trải nghiệm trong chương trình “Đón Tết với VTV” trong vai trò của một người dẫn chương trình. Hơn một năm qua, tôi có cơ hội và thời gian để tìm hiểu sâu sắc hơn về quê hương đất nước và truyền cảm hứng về việc nếu không ra được nước ngoài thì ta đi trong Việt Nam, ta lắng lại để nhận ra điểm tích cực hay tiêu cực ngay trong đời sống thường ngày trên quê hương chúng ta. Một năm không hề trôi đi vô ích mà tôi có được nhiều khám phá, trải nghiệm, những kỉ niệm đẹp và cảm nhận rõ ràng, sâu sắc hơn với quê hương mình. Một điều rất rõ ràng, càng đi trên đất nước mình, càng thấy Việt Nam thật đẹp.

Việc một mình này có làm anh nhìn sâu, rộng và quan sát kĩ hơn nhịp sống tinh thần từ những người thân, người bạn và đồng nghiệp quanh anh?

- Tôi nhìn thấy rất rõ. Bên cạnh những thứ tích cực ta đã thấy rồi thì tôi thấy tinh thần giới trí thức và những người thân không ổn lắm. Mọi người hơi hoang mang, lo lắng thường trực, từ công việc, chăm sóc con cái hay cuộc sống đảo lộn vì dịch, trong lúc giãn cách. Hoặc là cảm giác không còn an toàn khi mình có thể bị nhiễm virus, có thể bị đưa đi cách ly và nếu mình bị nhiễm thì không chỉ cuộc sống của mình bị đảo lộn, mà còn nhiều người khác bị liên lụy và tên tuổi của mình có thể bị ảnh hưởng. Vì thế, tôi có cảm giác là bây giờ mọi người gặp nhau e dè hơn, khoảng cách hơn, không còn bắt tay, gần gũi như xưa hơn. Các phản ứng trên mạng xã hội khi người ta lan truyền thông tin thất thiệt thì cũng là phản ánh tâm thế người Việt không ổn định, có khi còn có thái độ hằn học với nhau. Và như thế thì con người ta cứ gồng lên, có thể kéo dài sẽ bị trầm cảm. Vì vậy chúng ta cần chuẩn bị trang bị tâm lý cho người Việt mình từ cuộc sống hàng ngày, quan hệ vợ chồng con cái, công việc… để giữ được tinh thần tích cực. Chúng ta cần ngồi lại để điều chỉnh hành vi cư xử và điều chỉnh tâm lý.

Nhiều người nói rằng, trải qua nhiều đợt bùng dịch, nhưng Việt Nam mình dù còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng sự tương trợ, sự đoàn kết lại rất mạnh mẽ, anh chia sẻ sao về điều này?

- Quan sát cái cách người Việt hỗ trợ cho nhau, tôi thấy rất tốt. Gần đây hình ảnh chiến sĩ giao thông Bắc Giang đứng chào đoàn xe chở y, bác sĩ Quảng Ninh tới hỗ trợ Bắc Giang được chia sẻ rất nhiều, cùng với đó là những bình luận rất xúc động. Hình ảnh ấy đẹp hơn rất nhiều những lời hô khẩu hiệu. Có những bà cụ hơn 80 tuổi gửi gạo, nước đến những điểm chống dịch. Mọi người chia sẻ nhau những thông tin đúng đắn như duy trì 5K thì rất tốt. Hội nhóm các nghệ sĩ cũng dùng sự ảnh hưởng của mình để chia sẻ các hình ảnh đẹp về tình người hay kêu gọi hỗ trợ đến các chiến sĩ, y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Báo chí cũng cùng chung tay đóng góp. Mọi người không chỉ tương trợ với nhau về tinh thần mà còn nhu yếu phẩm cần thiết cho những nơi đang cần sự giúp đỡ. Điều này luôn xảy ra ngay những khi đất nước gặp thiên tai địch họa. Hơn một năm qua, dịch kéo dài tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn cùng chung tay góp sức hỗ trợ cùng nhà nước chống dịch.

Trong đợt dịch này, nhìn những người chiến sĩ áo trắng đang nỗ lực khám chữa bệnh, những đoàn y bác sĩ từ tỉnh khác đến hỗ trợ cho vùng dịch, các chiến sĩ căng mình bảo vệ vùng biên, những chuyến hàng hỗ trợ đến nơi có dịch, trong anh có những suy nghĩ gì?

- Những việc họ làm đó là trách nhiệm nghĩa vụ, nhưng nhìn sự vất vả của họ thì tôi rất xúc động và cảm phục. Có hình ảnh những chiến sĩ chống dịch nằm vật ra trên đường hay trên hành lang vì kiệt sức, ở biên giới các chiến sĩ phải căng mình đi tuần tra. Đó là những người vì nhiệm vụ mà phải hi sinh cuộc sống cá nhân, gia đình để bảo vệ sức khỏe cho người dân và luôn thường trực làm việc trong trạng thái sẵn sàng cao độ, trong khi nguy cơ lại cao. Việc này đã kéo dài hơn một năm rồi. Do đó, mỗi người cần có ý thức bảo vệ y bác sĩ, bệnh viện, vì đây là tuyến đầu bảo vệ chính chúng ta. Không chỉ cảm ơn, mà còn bảo vệ y bác sĩ, mỗi người dân cũng cần giữ gìn sức khỏe luôn có ý thức để những người nơi tuyến đầu không còn quá vất vả nữa. Dịch bệnh kéo dài thì người mệt nhất vẫn là y bác sĩ, các chiến sĩ.

Theo anh, mỗi người chúng ta cần phát huy tinh thần ra sao để cùng nhau “dập dịch” thành công thêm lần nữa?

- Phải có ý thức. Tự dưng có ý thức ngay thì không dễ, vì trình độ hiểu biết mỗi người khác nhau. Nhưng Bộ Y tế đã ra khuyến cáo, những quy định rõ ràng về phòng chống dịch bệnh. Câu chuyện này đã kéo dài cả hơn một năm rồi và chưa biết đến khi nào mới thực sự kết thúc. Nhiều hình ảnh đau thương từ nước bạn do dịch bệnh gây ra chúng ta cũng đã rõ. Vì thế, không thể nói chúng ta không biết được, không ý thức được rủi ro và các nguy cơ với bản thân và cộng đồng. Nên mỗi người cần có ý thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong thời dịch, đồng thời ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân, tùy theo điều kiện của mình, có thể hỗ trợ công tác chống dịch theo tinh thần tương thân tương ái lá lành đùm lá rách. Chúng ta nhờ vậy không chỉ thấy rõ trách nhiệm với bản thân, gia đình mà còn có trách nhiệm với xã hội, đất nước.

Xin cảm ơn anh!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-bao-truong-anh-ngoc-cang-di-cang-thay-viet-nam-that-dep-5653590.html