Nhà báo Trung Quốc bị Mỹ từ chối cho đưa tin Quốc hội

Theo SCMP, truyền thông đã trở thành 'chiến trường' mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc sau thương mại và công nghệ.

Ông Paul Orgel, Chủ tịch ủy ban điều hành của Hiệp hội Phóng viên và Phát thanh truyền hình Mỹ (RTCA), cho biết hiệp hội từ chối đơn xin gia hạn truyền thông của Đài truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) tại Mỹ. Thủ tục này cho phép các nhà báo tiếp cận các phòng báo chí của Thượng và Hạ viện.

CGTN là bộ phận quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.

 Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Ông Orgel cho biết, CGTN bị từ chối cấp mới đăng ký dựa theo Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA). "Chúng tôi hành động dựa trên các hướng dẫn mà chúng tôi có, nhiệm vụ mà chúng tôi có và các quy tắc của phòng nói rõ rằng nếu bạn là đại diện nước ngoài, bạn không thể có giấy chứng nhận".

Chính phủ liên bang Mỹ thông qua FARA vào năm 1938 để theo dõi hoạt động của các nhà vận động hành lang và tuyên truyền ở nước ngoài. Ủy ban Quy tắc Thượng viện yêu cầu RTCA hỏi tất cả những người đăng ký phòng báo chí xem họ có đăng ký theo FARA không và từ chối chứng nhận cho bất kỳ ai đăng ký.

Bài liên quan

Đài truyền hình Trung Quốc bỏ phim Mỹ, thay bằng phim Trung Quốc chống Mỹ

Theo SCMP, CGTN America bị buộc phải đăng ký vào tháng 2 như một đại diện có ảnh hưởng nước ngoài với chính phủ Mỹ, theo lệnh của bộ tư pháp, trong bối cảnh căng thẳng sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong khi CGTN mất quyền tiếp cận vào tòa nhà Quốc hội, Tân Hoa Xã vẫn được tiếp cận phòng báo chí Thượng viện. Tân Hoa Xã "đã không đăng ký theo FARA", ông Orgel cho biết.

Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về việc Tân Hoa Xã có bắt buộc phải đăng ký theo FARA hay không và nếu có thì khung thời gian dự kiến sẽ làm như vậy là khi nào. CGTN America không trả lời yêu cầu bình luận.

Các nhà báo không có quyền tiếp cận phòng thông tin báo chí quốc hội vẫn có thể đưa tin về các phiên điều trần công khai được tổ chức tại các tòa nhà văn phòng của các nhà lập pháp. Họ cũng có thể đưa tin từ bên trong tòa nhà Quốc hội nếu họ được các nhà lập pháp mời.

Nhân viên CGTN cho biết, mặc dù việc thiếu chứng nhận có thể không ảnh hưởng đáng kể đến công việc, nhưng sẽ làm tổn hại đến uy tín của họ. Cô lo lắng các chứng nhận báo chí khác của CGTN ở Mỹ, chẳng hạn như với thông tin do Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng cấp, sẽ phải đối mặt với số phận tương tự.

Video: Mỹ - Trung "lạnh nhạt" tại hội nghị G20

Trong hồ sơ gửi lên bộ tư pháp vào tháng 2, CGTN America phủ nhận họ tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào theo định nghĩa của FARA. Mặc dù không đồng ý với quyết định của bộ phận tư pháp, nhưng hãng tin cho biết họ đã quyết định đưa ra tuyên bố đăng ký này vì sự thận trọng và trên tinh thần hợp tác với chính quyền Mỹ.

CGTN America, đóng vai trò là văn phòng ở Washington cho CCTV và có khoảng 180 người, có lượng người xem tương đương khoảng 30 triệu hộ gia đình ở Mỹ. Đơn vị này là một chi nhánh của mạng lưới ngôn ngữ nước ngoài CGTN - CCTV, được khởi chạy lại vào năm 2016 như một phần trong nỗ lực thúc đẩy mở rộng truyền thông ra nước ngoài.

Ngày 30/5 Liu Xin, một trong những biên tập viên truyền hình nổi tiếng nhất của CGTN, đã xuất hiện trên chương trình của Fox để tranh luận về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nha-bao-trung-quoc-bi-my-tu-choi-cho-dua-tin-quoc-hoi-d478120.html