Nhà báo trẻ kể chuyện 'Dung dị miền Tây'

'Tôi may mắn được làm báo. Nghề báo cho tôi nhiều trải nghiệm, được đi, được viết, được gặp nhiều người. Công việc của nghề báo chủ yếu là viết. Tôi nghĩ, tại sao những tháng năm làm nghề, mình không viết thành cuốn sách để lưu lại những gì đã dấn thân? Vì thế, tôi viết cuốn sách này...'.

Nhà báo Dương Út trong một chuyến tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Nhà báo Dương Út trong một chuyến tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Dương Út, nhà báo trẻ đất Sen Hồng, chia sẻ như thế khi nói về sự ra đời của tác phẩm “Dung dị miền Tây” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành). Đúng như tên sách, đó là những câu chuyện dung dị, dễ thương và đầy tử tế của đất và người miền Tây. Những nét đẹp đời thường đó tựa hồ lục bình nở bông tím ngắt trên sông, nương theo con nước lớn ròng mà lan tỏa vẻ đẹp chân chất.

Quyển sách gồm 2 phần “Ánh sáng giữa đời thường” và “Gửi tình vào đất”. Ở phần 1 Dương Út kể chuyện người miền Tây, người Đồng Tháp quê anh, trải lòng ra mà sống, cư xử với người, làm đẹp cho đời. Một bà lão 81 tuổi ở Lai Vung cần mẫn đạp chiếc xe cũ đi hòa giải, tìm lại an vui, thuận hòa cho bà con lối xóm. Hay ông Mohamad, một nghệ nhân người Chăm, trọn lòng với nghề dệt thổ cẩm để giữ gìn và lan tỏa bản sắc dân tộc trong “Trả nợ ân tình”... Câu chuyện “Vượt sông cấp cứu” khiến người đọc cảm động trước tấm lòng của lão nông 78 tuổi Nguyễn Văn Thuận ở cù lao Đông Định (Tân Thuận Đông, Cao Lãnh). Bất kể ngày hay đêm, không ngại mưa to, sóng dữ, ông lão vẫn dùng chiếc tắc ráng chở người bệnh vượt sông Tiền vào đất liền cấp cứu.

Người đọc tìm được những nét đẹp miền Tây qua “Gửi tình vào đất”. Nhà báo trẻ tích cóp qua những chuyến đi, những lần trải nghiệm để kể cho độc giả nghe về tình đất quê mình. Dương Út say sưa kể về “Trăm năm làng chiếu Định Yên”, về phiên “chợ ma” độc đáo chẳng nơi nào có được. Một bài viết cũng rất thú vị là “Săn chuột đồng miền Tây”. Dương Út hào hứng kể rằng, khi những cánh đồng lúa chín vàng đang thu hoạch cũng là mùa “hốt bạc” của các tay “thợ săn” chuột đồng ở miền Tây. Không khí săn chuột đồng tạo nên bức tranh đồng quê mang nét dân dã của cư dân đồng bằng.

Dương Út còn bày tỏ sự ưu tư khi mùa nước nổi không còn tràn đồng, về dòng chảy ly hương vẫn âm thầm trong những gia đình khó khăn... Nặng lòng và nặng tình, Dương Út viết bằng sự đau đáu và cả khát khao về tương lai tốt đẹp. Không khoa trương, không bóng bẩy trong câu từ, Dương Út kể chuyện “Dung dị miền Tây” chính từ chất dung dị vốn có, mộc mạc mà lay động người đọc.

Đọc bản thảo “Dung dị miền Tây”, điều làm nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ấn tượng ở nhà báo sinh năm 1987 đang công tác tại Báo Đồng Tháp chính là sự “say nghề”. Ông chia sẻ rằng: “Với cách vào cuộc làm nghề đầy đam mê như thế, tôi tin rằng anh sẽ trở thành một cây bút cứng cáp và nổi bật...”.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nha-bao-tre-ke-chuyen-dung-di-mien-tay--a128516.html