Nhà báo Trần Thiên Nhiên - 'thương hiệu' của chương trình Thời sự

Trần Thiên Nhiên - Một cái tên, đã trở thành thương hiệu của Chương trình Thời sự nói riêng và Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung vừa ra đi ở tuổi 86.

Ngày 19/12/1946, khi mới 12 tuổi, ông đã trở thành liên lạc viên cho tự vệ thành Hà Nội, tham gia chiến đấu trên các chiến lũy của Thủ đô. Sau khi bộ đội ta hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tại Hà Nội rút lên chiến khu, từ tháng 1/1947, ông làm liên lạc viên, nhân viên văn thư tại văn phòng Huyện ủy huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và từ tháng 7/1947 đến tháng 5/1952 tại văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình. Tuy tuổi còn nhỏ, sống xa gia đình nhưng ông đã hoàn thành tốt các phần việc được giao.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn mới, ông xin tòng quân, từ tháng 5/1952 đến tháng 6/1953 là trinh sát viên thuộc tỉnh đội Ninh Bình. Từ tháng 7/1953 đến tháng 10/1954, ông được điều trở lại làm việc tại Văn phòng Ủy ban hành chính - kháng chiến tỉnh Ninh Bình.

Nhà báo Trần Thiên Nhiên (áo xanh) phát biểu trong buổi giao lưu nhân chứng lịch sử "Đài TNVN và mùa Xuân Đại thắng" (tháng 4/2005).

Nhà báo Trần Thiên Nhiên (áo xanh) phát biểu trong buổi giao lưu nhân chứng lịch sử "Đài TNVN và mùa Xuân Đại thắng" (tháng 4/2005).

Hòa bình lập lại trên niền Bắc nước ta, từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1956, ông được cử đi học lớp phiên dịch tiếng Trung tại Nha học xá Trung ương Hà Nội. Ra trường, từ tháng 2/1956 đến tháng 19/1964, ông làm phiên dịch tiếng Trung tại Bộ Công nghiệp và công trường xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, rồi chuyển sang làm phiên dịch tiếng Trung tại Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.

Do thành tích công tác và năng lực làm việc, tháng 8/1964 ông được cơ quan cử đi học tại Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1968, tốt nghiệp Đại học, ông được phân về công tác tại tạp chí Tuyên huấn (thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương). Năm 1972, ông được điều về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành một trong những cây bút thuộc “thế hệ Vàng” của phòng Thời sự, Ban biên tập Đối nội (nay là Ban biên tập Thời sự - VOV1)

Với tài chữ nghĩa, với vốn kiến thức thực tế và lăn lộn cơ sở những bài báo của nhà báo Trần Thiên Nhiên không chỉ có báo mà còn nặng chất văn chương nên rất phù hợp với làn sóng phát thanh vừa có thông tin lại phải hay để lọt tai thính giả, đi vào lòng người...Ông không chỉ nổi tiếng với nhiều bài phóng sự, bình luận mà còn là tay viết bút ký, ký sự truyền thanh mà mỗi lần tết đến xuân về phát trên sóng Thời sự đều trở thành những bài viết để đời, mẫu mực.

Nhà báo Trương Cộng Hòa kể: “Tên tuổi của nhà báo Trần Thiên Nhiên còn gắn với nhiều sự kiện chính trị trọng đại của Việt Nam và thế giới. Ông là phóng viên Đài TNVN có mặt tại Liên Xô để phản ánh chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng các lực lượng vũ trang Việt Nam Phạm Tuân. Ông có mặt tại thủ đô Havana (Cuba) để phản ánh về Liên hoan thanh niên thế giới. Ông là một trong những phóng viên của Đài TNVN theo sát bước chân thần tốc của bộ đội ta trong cuộc Tổng tiến công vào mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng là một trong những phóng viên chiến trường chứng kiến và đưa tin về việc thành lập Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia tại một cánh rừng ở miền Đông Nam Bộ, một sự kiện lịch sử dẫn tới việc lật đổ bè lũ Pol Pot Ieng Sary, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng”.

Tôi về Đài khi ông đã gần 60, vừa xin thôi chức lãnh đạo để rộng đường làm phóng viên. Được ông cho đi theo học việc mấy chuyến vùng cao, vùng thấp...thấy ông làm việc hăng hái mà ngưỡng mộ vô cùng. Sau mỗi lần đi học được cả bồ kinh nghiệm từ lão nhà báo Trần Thiên Nhiên...

Giờ đây, ông đã đi xa... nhưng chắc chắn thương hiệu “Trần Thiên Nhiên” sẽ còn mãi trong công chúng phát thanh một thời và các đồng nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam! Vĩnh biệt Ông - Người Chú, người Thầy, Nhà báo Trần Thiên Nhiên!/.

Đồng Mạnh Hùng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nha-bao-tran-thien-nhien-thuong-hieu-cua-chuong-trinh-thoi-su-971598.vov