Nhà báo Trần Mai Hưởng: Hồi ức về những ngày sự sống 'ngàn cân treo sợi tóc'

Những ngày đầu tháng 6, trời Hà Nội nắng như đổ lửa, nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN đón chúng tôi với nụ cười thân tình. Khuôn mặt cương nghị và chất giọng trầm ấm đậm chất Hà thành, ông Hưởng kể về một thời binh lửa chẳng thể nào quên…

Nhà báo Trần Mai Hưởng trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Bảo Loan

Nhà báo Trần Mai Hưởng trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Bảo Loan

Hành trình về nơi "bom rơi, đạn lạc"

Nhà báo Trần Mai Hưởng từng tham gia chiến trường với vai trò là phóng viên, tại chiến trường Trị Thiên Huế năm 1972, Đại thắng mùa Xuân năm 1975… với những tác phẩm báo chí như nổi tiếng như: "Bích La Đông giải phóng", "Trên vành đai điện tử", "Huế đỏ cờ bay", "Đà Nẵng ngày đầu giải phóng"... Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã theo bước chân thần tốc của các chiến sĩ từ Huế, Đà Nẵng… đi suốt dọc miền Trung, qua Nha Trang, Phan Rang, Xuân Lộc, rồi hành quân cùng mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử. Bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" (chụp chiếc xe tăng 846 trong đội hình mũi đột kích thọc sâu) đã trở thành một biểu tượng cho chiến thắng Mùa Xuân 1975 .

Năm 1968, nhà báo Trần Mai Hưởng tốt nghiệp lớp 10 (hệ 10/10- PV). Khi đang suy tư về hướng đi tương lai của bản thân thì Việt Nam Thông tấn xã (TTXVN ngày nay-PV) đã mở lớp đào tạo phóng viên (khóa 8). Khi ấy, anh trai ông là Trần Mai Hạnh đang là phóng viên Thông tấn xã tại mặt trận Quảng Đà, nên chàng trai Trần Mai Hưởng quyết định đăng ký tham gia để... học làm phóng viên.

Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng nhà nhiếp ảnh Xuân Lâm trên đường hành quân ở Quảng Trị (năm 1972). Ảnh: NVCC

Một sáng cuối tháng 1/1972, chuyến xe u oát xuất phát từ trụ sở Việt Nam Thông tấn (Hà Nội) ầm ì chạy về hướng mặt trận Trị Thiên Huế. Ngồi phía sau với chiếc ba lô người lính, nhà báo Trần Mai Hưởng khẽ rùng mình bởi cái lạnh tê tái theo gió lùa vào bên trong cabin. Đây là lần đầu tiên tham gia tác nghiệp chiến trường, nhà báo Trần Mai Hưởng chưa thể hình dung được mặt trận Trị Thiên Huế sẽ ra sao, súng đạn sẽ nổ thế nào...

Sau nhiều giờ di chuyển, Quảng Trị hiện lên trong mắt ông khi ấy là những ngôi nhà mái lá đơn sơ, ẩn mình dưới rặng cây, cùng những mảnh ruộng bị bom đạn xé nát. Từng đợt gió thốc về cuốn theo lớp đất bị xới tung bởi những trận bom rơi vang trời, bụi bay mù mịt. Cũng chính từ đây, chàng thanh niên Trần Mai Hưởng bắt đầu gắn chặt mình với cuộc chiến đấu của quân và dân Quảng Trị để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Nhấp ngụm trà đặc quánh, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những đêm hành quân cùng đội hình bộ đội, những chuyến đi vang rền tiếng bom rơi, súng nổ đì đùng xen lẫn cả tiếng rên rỉ của người bị trúng đạn...

Ông kể, chiến trường Quảng Trị năm 1972 khốc liệt nhất, bom đạn, phi pháo của giặc dày đặc, cả ngày lẫn đêm. Hai mũi giáp công của quân và dân ta là tiến công và nổi dậy. Tức là lực lượng chủ lực thì đánh ở các cứ điểm quan trọng. Nhân dân nổi dậy làm chủ và xây dựng chính quyền địa phương.

Nhà báo Trần Mai Hưởng trong chuyến đi về Bích La Đông giải phóng. Ảnh: NVCC

Ngày đó, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công ở Quảng Trị, TTXVN đã lập ra phân xã B - Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày nay), với nhiệm vụ viết về quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, bảo vệ và xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống sau giải phóng.

Phân xã và mặt trận nằm cách nhau bởi con sông Hiền Lương. Thế nhưng, từ khi cầu Hiền Lương bị đánh sập, tất cả mọi di chuyển đến tiền tuyến đều phải phụ thuộc vào đò.

"Mỗi lần sang ở bên kia sông, chúng tôi đi đò. Khi không có đò, thường là vào ban ngày, thì tôi cho hành trang vào bao nilong buộc chặt rồi bơi qua sông. Sang đến bờ bên kia thì mặc lại quần áo rồi tiếp tục hành quân. Sở dĩ chúng tôi bơi qua sông vì máy bay trinh sát lúc nào cũng quần thảo trên đầu. Ban ngày, nếu thấy nghi ngờ như có bóng đò là máy bay trinh sát OV-10 bắn pháo khói, ngay lập tức, nơi đó bị pháo từ biển bắn vào. Nguy cơ thương vong rất lớn. Vì vậy, việc chở quân diễn ra sôi nổi, cấp tập vào ban đêm nhưng ban ngày, thì tuyệt đối phải ẩn tất cả phương tiện dưới lòng sông. Vì yêu cầu công việc, không thể chờ được những chuyến đò đêm thì anh em phóng viên chúng tôi buộc phải bơi qua sông", nhà báo Trần Mai Hưởng kể.

Vẹn nguyên cảm giác "thoát khỏi cửa tử"

Nhà báo Trần Mai Hưởng (bên phải) đang viết bài ở căn cứ của phân xã B Vĩnh Linh (năm 1972). Ảnh: NVCC

Nhà báo Trần Mai Hưởng kể: "Lần ấy, chúng tôi hành quân từ huyện Gio Linh qua Cửa Việt (nay là Thị trấn Cửa Việt) để vào giải phóng Quảng Trị. Chúng tôi đi suốt đêm giữa những trận bom tọa độ, pháo biển dày đặc, cố gắng đến Cửa Việt trước khi trời sáng thì mới có thể an toàn. Hành quân trên cát rất vất vả, sức người thì có hạn nên khi trời bắt đầu tờ mờ sáng, dù chỉ cách rặng cây ven sông vài trăm mét thì máy bay trinh sát của địch sà xuống sát mặt đất, có thể nhìn thấy cả phi công trong khoang lái, động cơ gầm lên rất đinh tai nhức óc. Đây là loại máy bay có thể xuống rất thấp, vỏ thân máy rất dày và cũng do bảo đảm bí mật hành quân khi ấy nên không thể bắn hạ.

Tôi và mọi người nằm bất động trên cát, chờ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, nhưng may mắn là mọi người đã thoát được hiểm nguy. Cho đến bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác căng thẳng đó".

Nhà báo Trần Mai Hưởng trầm ngâm, sự đòi hỏi với người làm báo ở chiến trường cũng chẳng khác nào một bộ đội thực thụ. Đây là điều đương nhiên, bởi nếu không thì không thể ghi lại những hình ảnh chiến đấu của các chiến sĩ và tội ác của giặc, cũng không thể có chất liệu để viết bài.

Ông kể, có lần hành quân qua bãi bom bi nổ chậm nhưng vẫn phải bước qua. Bởi cũng chẳng biết đến lúc nào thì bom nổ hết để mà đi, rất căng thẳng nhưng vẫn phải bước tới.

Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" thì buộc phải chấp nhận những may rủi. Đi là để đến, nhưng với người làm báo, đến vẫn chưa đủ, mà đến nơi, phải nhanh chóng nắm được tình hình. Chiến sự diễn biến thế nào? Tình hình địa phương, cuộc sống người dân ra sao? Người viết phải có thông tin sinh động, phải gặp dân để tìm hiểu, trò chuyện. Điều ấy không hề dễ dàng...

Nhiều lần phải đi bộ hàng chục ki lô mét một mình qua vùng chiến sự ác liệt, mang thông tin về hậu cứ để từ đó, truyền được bài viết, hình ảnh kịp thời về Tổng xã.

Cho dòng tin chảy mãi

Làm báo ở thời nào cũng vậy, phải có tâm huyết, năng động và sáng tạo, tận tụy và sẵn sàng xả thân vì nghề nghiệp của mình.

Nhà báo Trần Mai Hưởng

"Bài viết chiến trường phải cô đọng, ngắn gọn và xúc tích nhất có thể, bởi điện báo viên gõ ma-níp từng chữ rất mất thời gian. Cực nhất là khi phát về Tổng xã, người viết phải kiêm luôn việc quay nguồn phát điện đài. Tức là quay máy bằng tay cho ra nguồn điện để điện bài về Hà Nội, chưa kể công đoạn tráng ảnh đen trắng từ phim. Hễ có trục trặc, mất liên lạc hay pháo bắn vào khu phân xã thì lại phải dừng tất cả", nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Thế nhưng, là người đầu tiên tiếp nhận thông tin từ chiến trường, nhà báo Trần Mai Hưởng luôn ý thức được trách nhiệm của mình và xác định phải chuyển tin về Tổng xã bằng mọi giá, nhanh nhất có thể.

Đồng thời, phải đảm bảo 3 yếu tố: Nhanh, nhạy và chính xác. Nó như một thứ kỷ luật vô hình với người làm báo nơi chiến trường. Nhà báo Trần Mai Hưởng cho rằng, làm báo ở thời nào cũng vậy, cũng phải có tâm huyết, năng động và sáng tạo, tận tụy và sẵn sàng xả thân vì nghề nghiệp của mình.

Với nhà báo Trần Mai Hưởng cũng như nhiều đồng nghiệp, những phóng viến chiến trường ngày ấy, những ký ức về một thời "hoa lửa" như vẫn còn vẹn nguyên. Cho tới bây giờ, gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, khi những cuộc chiến đã lùi xa, nhà báo Trần Mai Hưởng nói, ông cảm thấy kỷ niệm về một thời lửa đạn, về những năm tháng xa xanh ấy vẫn đang ở đâu đây...

Người làm báo ở chiến trường cũng chẳng khác nào một bộ đội thực thụ.

Nhà báo Trần Mai Hưởng

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nha-bao-tran-mai-huong-hoi-uc-ve-nhung-ngay-su-song-ngan-can-treo-soi-toc-20200620102441288.htm