Nhà báo Trần Công Mân: Cây bút chính luận mẫu mực của làng báo Việt Nam thế kỷ XX

Ngày 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với báo Quân đội nhân dân tổ chức buổi tọa đàm 'Nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam'.

Đây là dịp để tưởng nhớ về một nhà báo tài năng, đức độ trong làng báo Việt Nam, một cây bút chính luận mẫu mực.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân sinh năm 1925 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tháng 11/1945, ông được phân công phụ trách chính trị trong lực lượng Giải phóng quân Hà Tĩnh khi mới tròn 20 tuổi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyển sang làm báo, Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân từng giữ các chức vụ Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo đánh giá của các đồng nghiệp, tác phẩm của ông thường ngắn gọn, sắc sảo, không hoa hòe, hoa sói, lượng thông tin cao và đầy trí tuệ. Ông thường lựa chọn những chủ đề trung tâm của thời cuộc; mạnh dạn đề cập những vấn đề mới, thẳng thắn phân tích những khía cạnh mà người khác có khi né tránh. Cách lập luận cũng như suy nghĩ của ông nhiều khi gây nên sự bất ngờ thú vị.
Theo Đại tá Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, nhà báo Trần Công Mân dám dấn thân để tìm tòi những cái mới. Những tác phẩm của đồng chí viết cách đây hơn 20 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Ví dụ như vấn đề chỉnh đốn đảng, đấu tranh chống diễn biến hòa bình, đấu tranh với những quan điểm sai trái, bảo vệ quan điểm và đường lối của Đảng.
Là người rất kiệm lời, không thích hô hào, ghét thói khoa trương, ông lặng lẽ hiến mình cho công việc làm báo, từng ngày, từng ngày một, từng bài báo, từng số báo một. Và một phong cách làm báo Trần Công Mân đã lặng lẽ hình thành trong lòng bạn đọc.
Thiếu tướng Trần Công Mân rất ít viết bài ký tên thật của mình. Thể tài sở trường của ông là ngôn luận, vậy nhưng loại bài này trên báo QĐND thường ký một tên chung mang tính biểu tượng: “Chiến binh”, “Chiến thắng”, “Người bình luận”... Những bài ký “Tuấn Minh” hay “Trần Công” thường lại là những tiểu phẩm nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, như: Phê phán thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền; vấn đề "chạy" chức, "chạy" quyền; vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa...
Là chiến sĩ Quân đội nhân dân, chủ đề quen thuộc của nhà báo Trần Công Mân trước hết là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vạch trần âm mưu diễn biến hòa bình, phê phán các luận điệu về nhân quyền, dân chủ, tự do, nhân đạo mà các giới thù địch thường rêu rao hoặc mượn cớ để xuyên tạc sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta và đường lối đồi mới của Đảng và Nhà nước ta. Cũng vẫn những vấn đề trên, nhưng lại được ông đề cập chính diện, đặt vào thực tiễn nước ta và với tư duy đổi mới soi rọi, phân tích, lý giải, đề xuất ý kiến của mình. Bài báo "Mở cửa và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa" ông viết vào cuối thập niên 80, khi đường lối đổi mới đang định hình, đã xuất hiện đúng thời điểm, đặt trúng vấn đề, nhằm đúng đối tượng, góp phần nâng cao sự nhất trí về nhận thức và quan điểm trong cán bộ, đảng viên.
Nhà báo Trần Công Mân xuất thân là chiến sĩ Giải phóng quân năm 1945 và khi qua đời năm 1998, lễ tang ông được tiến hành trọng thể với nghi thức dành cho cấp tướng tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, dưới sự chủ trì của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Tấm gương của nhà báo Trần Công Mân là tài sản vô giá, là cuốn cẩm nang nghề nghiệp quý báu để lại nhiều bài học có giá trị về tư tưởng, nghề nghiệp cho các thế hệ làm báo nước nhà. Bằng tài năng, bằng bản lĩnh ông đã trở thành một trong số cây bút chính luận xuất sắc, một Tổng Biên tập đầy khí phách trong làng báo Việt Nam thế kỷ XX.

Việt An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nha-bao-tran-cong-man-cay-but-chinh-luan-mau-muc-cua-lang-bao-viet-nam-the-ky-xx-312140.html