Nhà báo quân đội và những kỷ niệm không quên với Thủ trưởng Lê Khả Phiêu

Nghe đài báo đưa tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, những người lính chúng tôi và đông đảo nhân dân đau buồn, xót xa bởi ông đã để lại sự tôn kính, những kỷ niệm đầy ắp trong ký ức, không thể nào quên...

Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Khả Phiêu thăm các chiến sĩ ở đảo Đá Lát, Trường Sa năm 1993.

Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Khả Phiêu thăm các chiến sĩ ở đảo Đá Lát, Trường Sa năm 1993.

Qua nhiều năm tháng công tác trong quân đội, với cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, xuống với cán bộ, chiến sĩ toàn quân, lúc nào tướng Lê Khả Phiêu cũng như một người chú, người anh ân cần, động viên, thăm hỏi. Từ các tỉnh ở địa đầu phía bắc đến các tuyến đảo Trường Sa, Côn Đảo... đâu đâu cũng có bước chân của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến với đồng bào, chiến sĩ.

Dù đi đâu, tới đơn vị nào, ông cũng yêu cầu cán bộ sắp xếp thời gian để ông gặp các chiến sĩ; thăm nơi ăn, ở và sinh hoạt của anh em. Tranh thủ ngày nghỉ, ông đến thăm Tổng trạm Thông tin 40. Sau khi xem phòng máy, nơi ăn, chỗ ở, ông nói: “Đơn vị có nền nếp quy củ, máy móc sạch sẽ, nhưng da dẻ anh chị em còn xanh xao lắm. Cần chăm sóc sức khỏe cho bộ đội”.

Chấp hành chỉ thị của ông, đơn vị đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi cải thiện bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Năm 1991, tổ làm phim Truyền hình Quân đội chúng tôi được theo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ra thăm quần đảo Trường Sa, ông xúc động khi thấy các chiến sĩ đang căng mắt giữ biển, canh thềm lục địa trong mọi hoàn cảnh và thời tiết khắc nghiệt. Trò chuyện với anh em, giọng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nghẹn lại:

“Chẳng biết tự bao giờ, khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển là quê hương” được khắc ghi trên từng vách đá, được khắc vào tâm trí mỗi chiến sĩ ở đây. Vì quê hương, chúng tôi biết anh em, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cột mốc, chủ quyền. Vì quê hương, mọi người từng chịu đựng gian khổ, ăn đói rau xanh, nhịn khát nước uống, thiếu thốn tình cảm người thân gia đình...”

Sự chia sẻ, tình thương yêu tin tưởng rất mực đối với những người đồng chí, đồng đội của ông đã truyền lan tình cảm tới chúng tôi, những người làm phim Truyền hình Quân đội.

Thực hiện chỉ thị của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, tổ làm phim chia làm hai kíp. Kíp ba người tới 11 đảo phía bắc quần đảo Trường Sa; kíp hai người xuống 9 đảo phía nam của quần đảo. Ban ngày, dưới nắng hè gay gắt lên tới 39-400C, anh em xoay trần để thực hiện những thước phim phản ánh đời sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của người lính đảo. Nhờ có những giờ phút tác nghiệp đặc biệt ấy, chúng tôi mới hiểu đồng đội mình còn vất vả, gian khổ, thiếu thốn hơn nhiều so với báo chí đã viết.

Về đất liền làm hậu kỳ phim, đích thân Thủ trưởng Lê Khả Phiêu xuống thăm hỏi, động viên và nhắc các phóng viên: Phải thể hiện trung thực; ít mà tinh. Anh em cặm cụi chọn từ mấy chục cuộn băng, dài hơn 15 giờ đồng hồ để chắt lọc thành tác phẩm “Trường Sa trong ta” dài 20 phút.

Năm 1992, Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc tổ chức ở thành phố Đà Lạt, phim “Trường Sa trong ta” đoạt Huy chương Vàng với số điểm rất cao, đứng thứ nhất trong tổng số 16 Huy chương Vàng.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu thường xuyên quan tâm đến các phương tiện thông tin đại chúng trong quân đội như báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình. Đã có cuộc hội thảo lớn tổ chức tại Thư viện Quân đội, 183 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Ông nhắc nhở các cơ quan tuyên truyền hãy giữ đúng định hướng, phản ánh xác thực, hấp dẫn độc giả. Thủ trưởng lắng nghe các đơn vị nêu khó khăn và góp hướng giải quyết. Riêng với Truyền hình Quân đội, hiện chưa có địa điểm, phải tạm nhờ căn nhà ngang chật chội của Phát hành phim để làm việc.

Ông ghi nhận và giúp hướng giải quyết. Ông quyết định bố trí khu đất số 2 phố Lý Nam Đế, rộng hơn 1.000m2 của Tổng cục Chính trị cho Truyền hình Quân đội.

Thủ trưởng Lê Khả Phiêu còn liên hệ với Ủy ban kế hoạch Nhà nước, xin kinh phí cho Truyền hình Quân đội xây Trung tâm Truyền hình - Phát thanh và mua máy móc thiết bị. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng ông trực tiếp hoặc qua các đồng chí trợ lý, vẫn theo dõi quá trình thiết kế, thi công công trình này.

Ngày 26/12/1997, sau gần cả cuộc đời phục vụ cách mạng và quân đội, ông được Đảng tin tưởng chọn làm Tổng Bí thư. Có dịp được gặp và làm việc với ông tại nhà riêng, chúng tôi vẫn chào: “Kính chào Thủ trưởng!” như những ngày còn trong quân ngũ.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Năm 2013, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản tác phẩm ký sự chân dung “Chuyện thường ngày của Võ Đại tướng” gồm những tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do tôi biên soạn. Trước khi tác phẩm được ấn hành, tôi gửi bản thảo tới nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mong ông góp ý để hoàn chỉnh tác.

Sau gần một tuần hồi hộp chờ đợi, thật bất ngờ, không chỉ có bản nhận xét tác phẩm mà ông còn gọi tôi đến gặp gỡ, trao đổi. Với tác phong gần gũi, thân tình, nguyên Tổng Bí thư nói: “Đã có nhiều tác phẩm viết về anh Văn, nhưng chưa đủ, chưa hết đâu. Ta còn phải viết nữa. Tuy nhiên, nhân dịp mừng thọ anh Văn bước sang tuổi 103 thì có được một tác phẩm như thế này là rất tốt. Qua ký sự chân dung “Chuyện thường ngày của Võ Đại tướng”, đồng bào, đồng chí hiểu thêm về cuộc đời anh Văn để tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức tốt đẹp hơn”.

Tiếp đó, ông đưa tờ giấy ghi những lời nhận xét về tác phẩm có chữ ký còn tươi màu mực cho tôi. Tôi xin ghi lại những lời của ông về tác phẩm này: “Cuốn sách “Chuyện thường ngày của Võ Đại tướng” đã phác họa chân dung sống động, chân thực về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp - Vị tướng tài ba, văn võ song toàn, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được nhân dân trong nước yêu mến kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ...

Tôi mong rằng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đọc cuốn sách này, sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau. Từ đó, đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Chia tay, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thân mật dặn thêm: “Nhà xuất bản Quân đội phải in đẹp, in nhanh tác phẩm này nhé!”

Chúng tôi nhanh chóng hoàn thành tác phẩm, phát hành lần đầu 5.000 cuốn vào ngày 2/10/2013. Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Tác phẩm còn được tái bản hai lần nữa, mỗi lần 5.000 cuốn như nén tâm hương tưởng nhớ hương hồn Đại tướng...

Chi Phan

nguyên Trưởng ban Truyền hình Quân đội

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/nha-bao-quan-doi-va-nhung-ky-niem-khong-quen-voi-thu-truong-le-kha-phieu/404188.vgp