Nhà báo, nhân văn tầm cỡ qua tác phẩm viết về Bác Hồ

Với cách viết và cảm nhận của Phan Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên thật giản dị trong phong cách sống, gần gũi với dân. Giản dị nhưng không hề đơn giản, bởi bên trong con người ấy là trí tuệ của một thiên tài, là hiện thân tiêu biểu cho một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực.

3 tác phẩm về Bác Hồ và báo chí nhân Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3 tác phẩm về Bác Hồ và báo chí nhân Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phan Quang - với tư cách là một công dân đã từng trải qua và chứng kiến nỗi đau, khổ nhục khôn cùng của kiếp đời nô lệ; đã từng chứng kiến và được hưởng niềm vui bất tận khi cách mạng tháng Tám thành công - Bác Hồ đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam độc lập, nền dân chủ cộng hòa ra đời. Phan Quang cũng từng chứng kiến và hưởng niềm hạnh phúc vô biên khi quân ta tiến về giải phóng Thủ đô giữa rừng cờ đỏ sao vàng vẫy gọi “Tôi bỗng gặp trời thu Hà Nội”. Những bài viết của ông qua tác phẩm “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” thấm đẫm tính lý luận và thực tiễn nền báo chí cách mạng, lòng cảm phục và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phan Quang thật tinh tế, rất có lý và vô cùng sâu sắc khi ông lược dịch lời dẫn của Jean Lacouture (nhà báo Pháp) mở đầu cuốn “Hồ Chí Minh” thay lời tựa, để khẳng định một cách khách quan nhất hình tượng, vai trò to lớn của Bác Hồ giữa muôn trùng bủa vây của thù trong, giặc ngoài, thế nước ngàn cân treo sợi tóc, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua cơn hiểm nghèo, bảo vệ chính quyền cách mạng. “Nửa thế kỷ đấu tranh qua một trận chiến chưa từng có tiền lệ về tính đa dạng trong chiến thuật và sự rối rắm do thời cuộc, với phong độ lúc nào cũng mềm mại trong cuộc chơi, bất chấp bao hiểm nguy phải đối mặt, bao hy sinh đành chấp nhận, vượt lên sự chênh lệch kỳ cục về vũ khí so với đối thủ của mình, một con người mảnh dẻ với da mặt màu nước chè, chòm râu lơ phơ tựa khóm lúa, đôi mắt rực lửa dưới vòm trán cao phất phơ mái tóc bạc, người bó chặt trong chiếc kaki cài kín cổ…” Trải qua những chặng đường đầy gian lao thử thách, đất nước ta vẫn trường tồn và phát triển, nó gắn liền với một triết lý nhân sinh mang tính nhân văn sâu sắc của Bác, trong đó ý chí, nghị lực mà trên hết là lòng yêu nước - bậc thang cao nhất, yếu tố cốt lõi chi phối đời sống tinh thần của dân tộc. “Nhà hoạt động tài ba dựa trên những trải nghiệm của chính mình, người kiến tạo lịch sử, đã làm hồi sinh một dân tộc, sáng lập một nhà nước, dẫn dắt hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm về thực chất là cuộc chiến đấu của những người bị áp bức chống lại những kẻ áp bức”. (Trích: Cụ Hồ thức tỉnh khi mọi người ngủ say). Có gì đúng và hay hơn với lời đánh giá, khẳng định khái quát đó!

Với cách viết và cảm nhận của Phan Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên thật giản dị trong phong cách sống, gần gũi với dân. Giản dị nhưng không hề đơn giản, bởi bên trong con người ấy là trí tuệ của một thiên tài, là hiện thân tiêu biểu cho một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực. Phong cách sống giản dị, gần gũi đó đã làm kinh ngạc bao chính khách, nhà văn hóa, nhà báo quốc tế khi được gặp, tiếp xúc, làm việc với Hồ Chí Minh. “Phần lớn các nhà văn hóa nước ngoài có cơ hội gặp Bác Hồ, làm việc với Bác, được nghe Bác nói chuyện, nhìn Bác tiếp khách, hay là nhà báo được Bác đồng ý trả lời phỏng vấn, trong số đó có người tìm cách “cật vấn” Bác bằng những câu hỏi trớ trêu, hóc búa nhất, hay là cố tình “giăng bẫy” hy vọng Bác lỡ lời, cuối cùng ra về mỗi người đều có lưu lại cho đời ít nhất một tác phẩm suất sắc trong cuộc đời sáng tạo của mình…” (Trích: “Có Bác Hồ trong mọi ngày vui”). Bác Hồ một con người giản dị, nhưng toát lên linh hồn của cả một dân tộc! Nói đến Việt Nam, bạn bè quốc tế nghĩ ngay đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và nói về Người bằng cả tình cảm tôn trọng khâm phục Việt Nam. Từ lâu hình ảnh của Bác trong mắt họ đã thành hình ảnh Việt Nam thu nhỏ.

Bác Hồ qua những trang viết của Phan Quang: lúc bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, lúc vào sinh ra tử, lúc xông pha hiểm nghèo… bằng ý chí nghị lực phi thường không ngoài một mục đích cao cả. “Một con người suốt đời không có ham muốn nào ngoài “ham muốn tột bậc” là giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Một con người không bao giờ nghĩ đến quyền uy, bởi Người luôn tin tưởng “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, và bản thân cho dù là lãnh đạo cao nhất nước cũng chỉ là một trong những “người đầy tớ của nhân dân”. Một con người không màng vinh hoa phú quý, mà chỉ ước mong lúc về già, khi việc lớn đã thành, được trút bỏ mọi trọng trách, lui về một nơi có suối có đồi, không khí trong lành như nhiều làng quê nước ta, “để được sống trong nếp nhà đơn sơ, sáng sáng xuống suối câu cá, chiều chiều lên đồi chơi với các cháu nhỏ con cái các nhà hàng xóm” (trích “Có Bác Hồ trong mọi ngày vui”).

Bác Hồ dấn thân vào cuộc đấu tranh để mưu cầu cho dân tộc Việt Nam và nhân loại sự tự do hạnh phúc. Bác đã giành trọn tình yêu thương của mình cho đồng loại, cho dân tộc Việt Nam. Tình cảm đó được thể hiện bằng chính những cử chỉ nhỏ nhất đến những hy sinh cao cả nhất.

Bác không kêu gọi suông mà chính bản thân mình nhường cơm xẻ áo, bớt từng hạt gạo giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn. Bác hy sinh cả tình cảm riêng tư của mình cho cách mạng, cho dân tộc, sự hy sinh đó tự nhiên như thành tố cố hữu tạo nên nhân cách của Người.

“Bác Hồ đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời Người vì sự giàu mạnh và tỏa sáng của Tổ quốc. Bác Hồ tuyệt nhiên không bao giờ màng đến công danh phú quý. Cả đời Bác Hồ chỉ có mấy bộ quần áo, đôi dép đơn giản, cái mũ cát đội trên đầu khi trời nắng hoặc mưa và những cuốn sách cùng cái đài nghe tin” (trích “Hòa quyện vào tinh hoa văn hóa nhân loại”). Chính sự giản dị trong bộ quần áo nâu, đôi dép cao su… đã làm nên một Anh hùng Dân tộc, một Danh nhân Văn hóa thế giới, một nhà tư tưởng kiệt xuất! Lão Tử thật sâu sắc khi nói: “Trời đất có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh”.

Nhà báo Phan Quang tặng sách cho đại diện các đơn vị.

Các bài viết của Phan Quang: “Có Bác Hồ trong mọi ngày vui”, “Hòa quyện vào tinh hoa văn hóa nhân loại”, “Làm việc nước bây giờ”, “Dĩ hòa vi quý”, “Tình trước lý sau”… đã phần nào nói lên tầm vóc văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà lớn nhất là lòng yêu nước nồng nàn, lấy dân làm gốc. Lòng yêu nước chân chính, thương dân bao giờ cũng được Bác đặt ở vị trí trung tâm, nền tảng cho mọi hoạt động tinh thần, trong mọi thời kỳ, và là điểm tựa cho sự trường tồn của đất nước.

Theo Phan Quang, lòng yêu nước, thương dân ở Bác Hồ là nét văn hóa hiện hữu, trở thành giá trị hàng đầu của mọi giá trị. “Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ những nét tinh anh không chỉ của người Việt Nam ta mà của con người mọi phương trời, mọi thời đại: Quên mình vì nghĩa cả, tận tụy với cộng đồng, yêu nước đậm đà, anh hùng cách mạng, nhân nghĩa cao sâu, kính già yêu trẻ, quan tâm đến những kẻ yếu hèn, đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng…” (trích: “Hòa quyện vào tinh hoa văn hóa nhân loại”). Đối với Bác Hồ, giá trị cốt lõi của lòng yêu nước là chủ quyền quốc gia và tinh thần độc lập dân tộc. Giá trị tốt đẹp đó đã trở thành một trong những di sản văn hóa cao quý nhất, bền vững nhất, chuẩn mực nhất ở Hồ Chí Minh!

“Dị hòa vi quý”, tít bài có vẻ giản đơn nhưng nội dung thật sâu xa và tràn đầy lòng nhân văn ở Bác. Phan Quang kể rằng: Tết Đinh Dậu 1957, ông là phóng viên được đi với Bác đến chúc tết nhân dân xóm 6 thôn Phú Gia, “là một căn cứ của Đảng ta ở Hà Nội thời tiền khởi nghĩa”. Bác chúc tết bà con, hỏi tình hình làm ăn của tổ đổi công, “rồi Bác hỏi về kết quả của việc sửa sai” trong cải cách ruộng đất. Sau đó Bác nói: “Các cụ cao tuổi, các cụ có nhiều kinh nghiệm sống trên đời, nên dị hòa vi quý, hãy đoàn kết với nhau, làm gương cho con cháu, cái gì không đúng thì nay kiên quyết sửa, chớ nên để bụng giận hờn nhau”.

Bác đã dựa vào nếp sống, cách nghĩ, một nét văn hóa rất đẹp trong quan hệ đối xử hàng ngày của người Việt Nam là luôn coi trọng chữ Tình, luôn đặt chữ Nghĩa lên trên hết để thuyết phục nhân dân. Trong gia đình có tình cảm cha mẹ, vợ chồng, anh em, rộng ra là làng xã “sớm khuya tắt lửa tối đèn có nhau”, “bán anh em xa lấy láng giềng gần”. Chính vì coi trọng chữ Tình mà trong xung đột, người Việt Nam thường cố gắng giải quyết theo phương châm “có lý có tình”, “chín bỏ làm mười”, “một mặt người hơn mười mặt của”, “người sống đống vàng”.

Phan Quang tinh tế, nhạy cảm trong quan sát, tài tình nắm bắt được những nét rất điển hình trong muôn vàn chi tiết, sự kiện diễn ra trong cuộc sống. Ông đã “tóm được” câu nói mộc mạc, chân tình, sâu xa của Bác trùng với nếp sống, cách nghĩ của người Việt ta nên có sức lan tỏa lớn. Chi tiết nhỏ nhưng tạo nên tình cảm lớn thẳm sâu biết nhường nào!

Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh cụ thể hóa tư tưởng của Người về văn hóa và báo chí, “văn hóa là mặt trận cơ bản của xã hội”, “văn hóa mới kết hợp hài hòa, đúng đắn truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế”. Báo chí là bộ phận cấu thành văn hóa, đồng thời là phương tiện có hiệu lực góp phần xây dựng, truyền bá, thực thi văn hóa, đưa văn hóa vào cuộc sống hàng ngày.

Người làm báo lãnh trọng trách đi đầu trong công tác chính trị tư tưởng, với chức năng ban đầu là tuyên truyền cổ động, tổ chức hướng dẫn quần chúng đấu tranh giành lại chính quyền, vì tự do, dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”…” (trích: “Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh”).

Như vậy, theo Phan Quang phong cách tư duy báo chí của Bác là kết tinh từ văn hóa dân tộc và nhân loại; là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân ta, nó mang tính lan tỏa sâu rộng. Phong cách tư duy báo chí ở Bác được hình thành từ con Người có đức dày, tâm trong, trí sáng, tầm cao trí tuệ, nhân cách, ý chí lớn lao, hoạt động phong phú trên một không gian rộng lớn, đó là biểu hiện đặc sắc của độc lập, tự chủ, sáng tạo, không lệ thuộc vào bất cứ ai.

Phan Quang kể rằng: Nhằm đưa phong trào Đại Phong từ chiều rộng vào chiều sâu “dự kiến sẽ khởi đầu cuộc vận động này vào đầu tháng 3 năm 1963”, để cho cuộc ra quân rôm rả, theo anh Thao (Nguyễn Chí Thanh) xin Bác Hồ cho mấy lời kêu gọi mở đầu. Được Bác chấp nhận, “anh Thao đề xuất nội dung, tôi chấp bút ”. “Tôi lục tục cày, anh Thao mấy lần góp ý. Hoàn tất công việc, anh cầm bản vừa đánh máy lên xe sang luôn chỗ Bác. Sáng hôm sau, tôi lại qua nhà anh, xem bài viết ấy được Bác Hồ chỉnh sửa ra sao. Anh Thao gí vào mặt tôi một bản đánh máy hoàn toàn khác: “Này Quang xem chúng mình chuẩn bị công phu thế mà Bác sổ toẹt, Bác viết lại thế này. Cậu đọc cho kỹ để học cách viết của Bác, sau này còn nhiều dịp cần.”

“Ôi thôi, một bài nói, hay đúng hơn một bản đề cương, khác hẳn cái chúng tôi chuẩn bị chiều qua. Tuyệt nhiên không hô hào, kêu gọi mà gin đơn, cụ thể…”. Rõ ràng Bác không bị lệ thuộc vào ý kiến nào, mà độc lập tư duy một cách giản dị, cô đọng, trong sáng, cụ thể: có sự việc, có con người, có địa điểm… “Hồ Chủ tịch dẫn mấy trường hợp vừa diễn ra tại các tỉnh Nghệ An và Hà Nam. Sau khi biểu dương Thường vụ Huyện ủy Duy Tiên đã đi sâu đi sát, chia nhau về các xã giải quyết tại chỗ tình trạng dân kêu “thiếu nước, thiếu trâu, thiếu người làm” (lời Bác Hồ) “nhờ cách chỉ đạo thiết thực đó (Bác Hồ gạch dưới) chỉ trong ba ngày, mười xã huyện ấy đã có đủ nước cấy 2.200 mẫu bị hạn…” giản dị, mà rõ ràng, nội hàm của nó rất sâu, biên độ của nó rất rộng, nên sức lan tỏa, thuyết phục lớn. Đó là bài học để đời cho những người cầm bút! Và mấy ai cầm bút được sống, được học, được trải nghiệm, được học ở Bác như Phan Quang? Hẳn đây là có thể là lý do tạo nên một Phan Quang không thể trộn lẫn!

Phan Quang lao động sáng tạo không ngưng nghỉ, như một kho tri thức lớn về lý luận và thực tiễn cuộc đời! Về tri thức ông là người trác việt, nhưng ông lại sống giản dị, tình cảm, thứ tình cảm thâm trầm mà rất sâu lắng! Đúng hơn, ông là một nhà văn hóa, nhà báo nhân văn tầm cỡ. Ai đã từng giao tiếp dù chỉ một lần với Phan Quang cũng có thể nhận ra điều đó.

Với bề dày đóng góp đáng nể trong quản lý báo chí và 70 năm trong chuyên môn - đam mê gắn bó với nghề báo, nghiệp văn, Phan Quang xứng đáng nhận danh xưng: Giáo sư. Có lần, trong câu chuyện tôi hỏi ông điều đó, ông chỉ mỉm cười! Và tôi hiểu: Phan Quang - một “nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác” (Hà Minh Đức); một cây đại thụ trong làng báo chí - văn hóa cách mạng nước nhà (Hà Đăng) chẳng đủ lắm rồi sao?

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nha-bao-nhan-van-tam-co-qua-tac-pham-viet-ve-bac-ho-n13619.html