Nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa: Những nỗ lực kỳ diệu

Bảo tàng Báo chí Việt Nam (BTBCVN) ra đời tháng 7/2017 và chính thức đón khách tham quan vào dịp 21/6 năm nay tại Hội Nhà báo Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội). Sự kiện đáng nhớ và ý nghĩa này gắn liền với một nơi chốn trang trọng linh nghiêm nhằm lưu dấu những thời đoạn lịch sử vàng son của báo chí Việt Nam, trong đó báo chí cách mạng là dòng báo chí chủ lưu.

Văn nghệ Công an đã có cuộc trao đổi thú vị với nhà báo, nhà thơ, Giám đốc Trần Kim Hoa về hành trình “từ không đến có” đó.

Hình tượng Bút Sen kết bằng tên các cơ quan và ấn phẩm báo chí Việt Nam các thời kỳ tại Gian khánh tiết.

Hình tượng Bút Sen kết bằng tên các cơ quan và ấn phẩm báo chí Việt Nam các thời kỳ tại Gian khánh tiết.

- Thưa nhà báo Trần Kim Hoa, xuất phát từ tâm huyết muốn giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, việc triển khai và hoàn tất Đề án xây dựng BTBCVN đã diễn ra như thế nào?

+ Sau khi ra đời, BTBCVN đã có hơn 1.000 ngày để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao và thực hiện mơ ước về một Ngôi nhà Di sản của những người làm báo Việt Nam. Đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Một công việc chưa từng kinh qua, phải vừa học, vừa làm…

Khó khăn rất nhiều, áp lực rất lớn, song chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ to lớn, nhiệt tình của nhiều cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, của cơ quan chủ quản, của đội ngũ cố vấn, chuyên gia, các nhà báo lão thành, các gia đình nhà báo và đông đảo cộng tác viên, đồng nghiệp làm báo, làm bảo tàng, thư viện trong và ngoài nước…

Thực tế là những khó khăn trong suốt hành trình nếu ví như những “hòn đá to, hòn đá nặng”, cuối cùng chúng tôi đã được rất nhiều người chung sức chung lòng giúp “nhấc lên đặng”!

Chúng tôi rất thấm thía rằng, gia tài vô giá mà các thế hệ làm báo để lại cho hậu thế đã và đang bị mai một từng ngày, cần rất nhiều sự nỗ lực và tâm huyết từ nhiều phía mà không dễ một cá nhân hay một nhóm người có thể cáng đáng nổi.

- Ra đời muộn màng so với các bảo tàng khác, song hiện nay, BTBCVN đã có hơn 20 ngàn hiện vật, trong đó có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử Báo chí Việt Nam. Chị có thể kể một chút về hành trình bếp núc của việc sưu tầm, và cách để có được những hiện vật quý, tư liệu quý đó?

Ông Hồ Quang Lợi trao quyết định Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho bà Trần Thị Kim Hoa - Ảnh: DANH TRỌNG

+ Bài học đầu tiên của cá nhân tôi khi từ một nhà báo được giao sang làm bảo tàng là: “Nói đến bảo tàng là nói đến hiện vật” nên ngay từ đầu chúng tôi đã xác định nếu sưu tầm tản mạn, tùy hứng, dựa vào may rủi sẽ không hiệu quả.

Vì vậy, những cuộc vận động hiến tặng đầu tiên đã bắt đầu do chính các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội các thời kỳ, các nhà báo lão thành và các nhà báo nổi tiếng ở các cơ quan báo chí Trung ương tiếp sức.

Tiếp đó là các chương trình khai thác, vận động hiến tặng, những “chiến dịch sưu tầm”ở các vùng miền, từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, qua miền Trung và Tây Nguyên, đến TP Hồ Chí Minh.

Mỗi ngày, chúng tôi lại thấy mình “giàu có”, tự tin hơn ngày hôm qua khi được tiếp cận và sở hữu thêm một tờ báo cũ, một bức ảnh quý, một hiện vật độc đáo gắn với nghề báo.

Sau ba năm, cái “tổ kiến” nhỏ đã lớn dần lên và giờ đây chúng tôi thấy mình đã có ít nhiều “của ăn của để”, dù chưa phải là “nhà giàu” như nhiều bảo tàng đi trước!

- Mỗi một hiện vật trưng bày trong bảo tàng đều chứa đựng những câu chuyện, những số phận và là một phần lịch sử. Chắc chắn chúng cũng để lại trong chị và các cộng sự nhiều những kỷ niệm thú vị?

+ Tôi không thể nhớ hết những câu chuyện gắn liền với các tài liệu, hiện vật mà đằng sau là những cuộc đời, số phận, là nghề và người, là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Có những câu chuyện, khi tiếp cận hiện vật, chỉ mới biết được một phần. Đến một lúc nào đó, mới hé mở phần tiếp theo hoặc toàn bộ, cùng những lớp lang.

Tôi từng chứng kiến ánh nhìn rưng rưng của một nhà báo lớn tuổi, không con cái, cả cuộc đời dành để viết báo, viết sách và sưu tầm, lưu giữ báo chí, khi trao một phần gia tài của mình cho chúng tôi, đã thốt lên: “Lỡ ra ngoài đó người ta mỗi người mượn một cuốn rồi không trả lại cho Bảo tàng thì sao?”. Tôi đã hứa với ông không thể xảy ra chuyện.

Cuối năm 2015, khi chúng tôi lần đầu vào Sài Gòn triển khai sưu tầm, ngày thì tỏa đi các hướng, tối muộn mới về đến khách sạn. Hiện vật ở cùng chúng tôi trước khi được đóng gói chuyển ra Hà Nội, bao gồm cả những kỷ vật của các nhà báo đã mất, có bác mất chưa đầy 3 tháng…

Năm 2018, từ một bài viết trên báo, chúng tôi đi tìm một nhà báo nguyên là Tổng Biên tập tờ báo Trường Sơn nổi tiếng những năm chống Mỹ, đến nhà mới biết ông vừa mất; mấy hôm sau, con gái ông đã gọi đến báo tin đã bất ngờ tìm được tập báo Trường Sơn mà cha mình cất giữ rất kỹ bấy lâu nay...

Chúng tôi làm sưu tầm với sự thôi thúc, làm sao để Ngôi nhà Di sản này sẽ thực sự là nơi ngự trị của những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất về nghề báo; không ai, không điều gì được phép quên lãng…

- Ra đời sau có phải là lợi thế ? Và đâu là những khác biệt về quy mô, phương tiện, công nghệ, cách tra cứu thông tin thời kỹ thuật số của BTBCVN ?

+ Ra đời sau thì áp lực lớn hơn! BTBCVN không có “xe to, súng lớn, cổ vật đắt tiền”, hiện vật tư liệu hầu hết là những bản thảo viết tay hay những tờ báo cũ rách, không có tòa nhà kiến trúc dành riêng cho bảo tàng, không được ở vị trí trung tâm thuận lợi dễ dàng tiếp cận công chúng tham quan.

Đặc biệt hơn, Bảo tàng có nhiệm vụ kể câu chuyện làm báo của các thế hệ, mà không thể “bỏ qua” câu chuyện công nghệ làm báo gắn với các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước.

Cái rất khó là, thiết bị, đồ nghề làm báo thời kỳ đầu hầu như không còn, hoặc đã “có chủ” (ví dụ máy in đưa từ Pháp sang năm 1861, các thiết bị in đầu thế kỷ XX của Nhà in Viễn Đông, hay những bàn in bằng gỗ, đá những năm 1925-1945…) mà thiết bị mới nhất, hiện đại nhất thì ngân sách khiêm tốn không cho phép! Phải phục chế những chỗ cần thiết, nhưng không quá 5%!

Khu vực khám phá phải ưu tiên giới thiệu tập trung về thiết bị làm báo; toàn bộ tuyến tham quan phải lắp đặt hệ thống màn hình tra cứu giúp tải lượng nội dung cần thiết để phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng tham quan…

- Bảo tàng không chỉ là nơi đơn thuần cất giữ và trưng bày kí ức. Chị suy nghĩ thế nào về địa chỉ giáo dục truyền thống báo chí, đồng thời là nơi chia sẻ, hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ báo chí trong tương lai?

+ Từ sưu tầm đến thiết kế ý tưởng và thi công trưng bày đều phải lưu tâm đến việc phát triển lâu dài và phải hướng đến công chúng trẻ, đứng về họ và thấy được những thông điệp từ quá khứ toát lên ở mỗi hiện vật, tư liệu có ý nghĩa như thế nào với tương lai.

Với tinh thần ấy, chúng tôi đứng về “cũ” để nhờ các nhà báo lão thành, các chuyên gia có kinh nghiệm cùng xây đắp nội dung, nhưng lại tìm chọn “mới” và kết hợp với người trẻ để thiết kế ý tưởng, làm đồ họa, thi công… để có một diện mạo như hôm nay. Lắng nghe người trẻ trong quá trình thực thi đã giúp chúng tôi “căn chỉnh” được nội dung và hình thức trưng bày. Nhiều bận chúng tôi phải “đối đầu” trong phạm vi hẹp khi tranh luận về chuyên môn để đi đến những quyết định phù hợp.

Hai cơ sở đào tạo báo chí lớn nhất cả nước đã cùng chúng tôi ký kết Ghi nhớ hợp tác chiến lược với phương châm “đưa bảo tàng đến với trường học và đưa trường học về với bảo tàng”. Chúng tôi vẫn nói với nhau: Hãy coi mỗi sinh viên trẻ như một công chúng khó tính để thực hiện tốt nhiệm vụ “giảng đường thứ hai” nhằm giới thiệu tốt nhất di sản và quảng bá bảo tàng!

- BTBCVN chắc chắn có những mục tiêu gần và xa cho tương lai. Có thể hình dung hành trình nhiều vất vả nhưng thú vị đó như thế nào ạ?

+ Mở cửa đón khách, BTBCVN bước vào một thời kỳ mới với tâm trạng vừa mừng, vừa lo. Những điều đã làm được còn rất nhỏ. Phía trước là những đỉnh núi cần vượt. Làm sao để tiếp cận rộng rãi công chúng, trở thành điểm đến hấp dẫn, được du khách trong vào ngoài nước ghi nhận; làm sao chỉ với một lực lượng cán bộ ít ỏi, có thể hoạt động có chiều sâu, tổ chức được nhiều sự kiện, trưng bày được nhiều chuyên đề tốt, giới thiệu được hiệu quả di sản và thành tựu của báo chí Việt Nam từ xưa đến nay, theo kịp dòng chảy báo chí đương đại... Rất nhiều công việc ở phía trước sẽ tiếp tục phải trăn trở và nỗ lực!

- Xin chân thành cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

Như Bình (thực hiện)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-bao-nha-tho-tran-kim-hoa-nhung-no-luc-ky-dieu-603060/