Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Công khai khuyết điểm là sự cảnh tỉnh

Viết về xây dựng Đảng là một nghệ thuật. Cấp ủy, cơ quan báo chí và nhà báo phải là những người đồng hành, chia sẻ thông tin, phản ánh trung thực sự việc, cùng hướng tới một mục đích là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Đó là những chia sẻ của nhà báo Nguyễn Bắc Văn - phóng viên cao cấp Báo Nhân dân với Báo Nghệ An khi đề cập đến vai trò của báo chí đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

P.V: Theo ông, vai trò của báo chí đối với công tác tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Báo chí như nhịp cầu kết nối giữa ý Đảng với lòng dân để biến ý chí của Đảng thành sức mạnh trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đối với công tác xây dựng Đảng, báo chí lại càng quan trọng, bởi đây là nhiệm vụ liên quan đến tổ chức, đến cán bộ, đảng viên - những vấn đề lớn, khó và nhiều khi rất nhạy cảm. Nếu đồng hành cùng cấp ủy, phản ánh, khích lệ cái mới, tạo sức lan tỏa trong cuộc sống; hoặc trăn trở tìm hướng giải quyết những vấn đề đặt ra, thì báo chí sẽ là nhân tố góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.

Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên

Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên

Tuy còn những bất cập nhất định, nhưng hầu hết các loại hình báo chí đã làm được điều ấy. Có thể kể ra một vài vụ việc mà báo chí như người lính tiên phong. Điển hình là vụ Trịnh Xuân Thanh. Từ bài báo “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó chủ tịch Hậu Giang” đăng trên Báo Thanh niên ngày 3/6/2016, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu 9 cơ quan vào cuộc điều tra, đã kết luận làm rõ nhiều sai phạm rất nghiêm trọng, trong đó, có cả cơ quan tham mưu cấp chiến lược về công tác tổ chức xây dựng Đảng và hơn chục cán bộ, bao gồm cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Sau khi báo Nhân Dân có bài “Chuyện như đùa ở Hải Dương”, đăng ngày 16/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ xác minh làm rõ. Thì đúng là chuyện như đùa đã xảy ra ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh này. Cơ quan có 46 người trong biên chế thì 44 người giữ các chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên. Ngoài cơ quan này ra, chắc không ai dám “đùa” như vậy.

Có thể nói, việc phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng có đóng góp đáng kể của báo chí, nhờ đó mà các cơ quan chức năng có thêm thông tin trong quá trình điều tra, kết luận. Báo chí đã cổ vũ các cấp ủy làm tốt hơn trọng trách của mình và chính kết quả trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hiện thực sinh động nhất, hấp dẫn nhất đối với nhà báo. Các hiện tượng “cả nhà làm quan”; “bổ nhiệm thần tốc”; “nâng đỡ không trong sáng”,… được báo chí mổ xẻ, phân tích sâu sắc. Không có báo chí phản ánh, chắc chắn rất khó cho các đơn vị khác thấy rõ hơn những vấn đề đang xảy ra để giáo dục và quản lý, phòng ngừa vi phạm đối với cán bộ, đảng viên ở đơn vị mình.

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn - Vụ trưởng, phóng viên cao cấp Báo Nhân dân truyền đạt các nội dung về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cho đội ngũ báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

P.V: Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quá trình khi tiếp cận đề tài này, nhất là đối với những mặt trái, hạn chế, khuyết điểm. Vậy theo ông, các cơ quan báo chí, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần làm gì để công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng đạt hiệu quả tốt nhất?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Chưa bao giờ, hoạt động báo chí có nhiều thuận lợi như hiện nay, là kênh thông tin không thể thiếu truyền đi quyết tâm chính trị của Đảng. Các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều công khai mức xử lý kỷ luật, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Rồi Giải báo chí Quốc gia về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” đã khích lệ và tạo động lực mạnh mẽ cho người cầm bút. Hằng năm, Ban Tổ chức Trung ương đều có công văn đề nghị thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tạo điều kiện cho giải tổ chức thành công; nhiều cấp ủy, cơ quan báo chí tổ chức giải ở cấp mình và gửi bài dự thi toàn quốc, góp phần nâng số lượng bài dự thi hàng năm lên gần 2.000 bài.

Song, cũng phải nói rằng, một số cấp ủy ngại cung cấp tình hình vi phạm kỷ luật của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cho báo chí, vì cho rằng, như thế khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, thậm chí che giấu khuyết điểm, yếu kém. Để phối hợp tuyên truyền tốt hơn nữa nhiệm vụ then chốt này, thiết nghĩ, phải thay đổi về nhận thức và việc làm của cả cấp ủy cũng như những người làm báo. Trước hết cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng... ". Che giấu khuyết điểm chỉ làm cho nó ngày càng trầm trọng thêm, như cái ung nhọt không được điều trị, cắt bỏ kịp thời. Mạnh dạn công khai khuyết điểm là sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe chung, như thế mới góp phần ngăn ngừa được vi phạm, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Để kịp thời thông tin đúng, trúng về công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy cần có quy chế cung cấp thông tin định kỳ; cử người phát ngôn, có thể định hướng thông tin trước những vụ việc còn ý kiến khác nhau, hoặc nhạy cảm. Đó là tinh thần cầu thị, thể hiện trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Mặt khác, những người làm báo phải thường xuyên học hỏi, am hiểu về xây dựng Đảng, nhất là những chủ trương, kiến thức mới. Viết về xây dựng Đảng là viết về con người, cái gì liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên phải hết sức thận trọng, thẩm tra, xác minh thật kỹ lưỡng. Tuyệt đối không nghe theo một chiều, không lợi dụng báo chí để chê người này, khen người kia, nhất là mỗi dịp bầu cử. Người viết phải có tâm, có dũng khí, có nghiệp vụ thì bài viết mới có sức thuyết phục.

P.V: Hiện nay, toàn Đảng đang tập trung chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vậy theo ông, đâu là những vấn đề cần tập trung tuyên truyền hiện nay?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Từ nay đến Đại hội, thời gian không còn nhiều. Theo tôi, có 3 giai đoạn cần tập trung tuyên truyền. Trước Đại hội, tập trung phản ánh làm nổi bật những thành tựu của đất nước trong nhiệm kỳ, như tổng kết các mô hình mới, cách làm hay, để tạo khí thế mới bước vào Đại hội; đúc rút những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cho nhiệm kỳ sau. Đối với các địa phương nên chú trọng tuyên truyền việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội của đảng bộ các cấp, lập thành tích chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Trong Đại hội, tuyên truyền sâu đậm toàn bộ hoạt động từ ngày khai mạc đến bế mạc, những chủ trương, quyết sách lớn Đại hội thông qua; kết quả bầu cử tại Đại hội,… Sau Đại hội, tuyên truyền thành công của Đại hội; phân tích làm sâu sắc thêm các quan điểm tư tưởng, nội dung cốt lõi, những điểm mới của các văn kiện Đại hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động để sớm hiện thực hóa Nghị quyết của Đại hội.

Toàn cảnh Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh tư liệu: Thành Duy

P.V: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm và đưa ra những định hướng hết sức sâu sắc. Theo ông, để thực hiện tốt nội dung này, báo chí cần tiếp tục có hướng tiếp cận như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Vấn đề này đã đề cập ở trên. Chỉ xin nói thêm một vài điểm lưu ý, trước hết là hướng tiếp cận phải từ nhiều phía; đó là tiếp cận thực tiễn của vấn đề, tiếp cận cấp ủy để biết chủ trương, phương thức chỉ đạo, đặc biệt là cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trước mỗi vụ việc, vấn đề phức tạp, cần nghe, thẩm định thông tin từ nhiều chiều. Từ đó, trên cơ sở Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế làm việc của cấp ủy và bản chất của sự việc để đưa ra kết luận thật trung thực, khách quan.

Phương châm là không chỉ cổ vũ cái hay mà phê phán cả cái tiêu cực; phê phán cái tiêu cực nhằm chỉ cho họ biết để khắc phục và làm việc tốt hơn, như Bác Hồ nói, phê bình là cốt giúp nhau cùng tiến bộ; phê bình việc chứ không phê bình người. Như thế, nhà báo phải có kiến thức mới nhìn ra cái mới mà cổ vũ, nhận rõ cái tiêu cực mà nhắc nhở; và phải có tâm thì lời phê bình mới đi vào lòng người. Tôi nghĩ, viết về xây dựng Đảng là một nghệ thuật. Cấp ủy, cơ quan báo chí và nhà báo phải là những người đồng hành, chia sẻ thông tin, phản ánh trung thực sự việc, cùng hướng tới một mục đích là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

P.V: Xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Bắc Văn!

Thành Duy

Thực hiện

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nha-bao-nguyen-bac-van-cong-khai-khuyet-diem-la-su-canh-tinh-280010.html