Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha: 'Ngay khi biên giới vang tiếng súng, phóng viên chúng tôi lên đường'

'Như những người lính, tôi là nhà báo xung trận cũng nhẹ nhàng, thanh thản như chân lý 'Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh'...' - Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha, từng là phóng viên ảnh của Báo Quảng Ninh, chia sẻ với chúng tôi như vậy khi mở đầu câu chuyện về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha.

- Ông hẳn còn nhớ không khí của những ngày sau khi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”?

+ Ngày 17/2/1979, ngay sau khi tiếng súng nổ ra ở biên giới, chúng tôi, những phóng viên trực chiến đã lên đường chia ra nhóm đến Bình Liêu, nhóm ra Móng Cái. Phóng viên Huy Thắng ở Móng Cái đã gần như chạy bộ 15km mới tìm được xe để gửi tin chiến sự đầu tiên về tòa soạn. Mặt trận Bình Liêu, phóng viên Hải Chinh vừa hoàn thành tin, bài, còn tham gia khiêng tải thương binh về tuyến sau...

Tôi và phóng viên Huy Phú được phân công ra sở chỉ huy tiền phương ở Hà Cối. Hai anh em đeo ba lô đi bộ hướng thẳng dãy Trúc Bài Sơn, Hà Cối, sau khi xe khách dừng ngoài quốc lộ. Những tiếng nổ của pháo cối ngoài biên giới vọng về.

Sau khi làm việc với Sở Chỉ huy tiền phương, tôi và Huy Phú chung một nhận định: Khó có thể phản ánh được không khí nóng bỏng của chiến trường, bởi không chỉ ở đây xa trận địa, mà thông tin còn hết sức ít ỏi... Tôi bàn với Phú để cậu ấy ở lại nắm tình hình chung và liên hệ với cơ quan, tôi tìm cách ra ngoài mặt trận... Ngay sáng hôm sau, tôi nhờ một chiếc xe tải chở lên mặt trận Bình Liêu.

- Mặt trận Bình Liêu những ngày đó thế nào, thưa ông?

+ Xe ngược trở lại Tiên Yên để lên Bình Liêu. Càng gần biên giới, tiếng súng vọng lại càng to hơn, rõ hơn... Đến Bình Liêu, tôi hỏi tìm vào nơi Huyện ủy sơ tán ở lối vào xã Húc Động. Lúc đó, trung tâm huyện Bình Liêu vắng vẻ, dân cũng đã tản vào các góc rừng hẻo lánh tránh đạn pháo. Tôi đi bộ tìm đường vào Sở chỉ huy Trung đoàn 41. Sau khi nắm tình hình, tôi đề nghị được ra đơn vị đang chiến đấu là Tiểu đoàn 6 trên điểm cao 600. Trung đoàn cử hai chiến sĩ trinh sát đưa tôi đi.

Chúng tôi vừa trèo lên một đoạn dốc ngược thì gặp anh Vũ Tiến Thức, phóng viên Ban Kinh tế, được trưng dụng vào tổ trực chiến biên giới, quần áo bộ đội, tay cầm một chiếc mũ chống vũ khí hóa học, đi xuống. Anh bảo anh về viết bài cho kịp.

Cao điểm 600 là quần thể mấy quả núi nằm chạy dài ra biên giới; mà gần biên giới nhất là đỉnh một trái núi nhô cao, nằm ngang như hình nét trên của chữ T. Địch đã tạo thế bất ngờ tập kích, áp sát đánh chiếm cứ điểm, sau khi đã pháo kích ngăn chặn đường chi viện của tiểu đoàn... Cuộc chiến ở đây diễn ra ác liệt suốt mấy ngày đêm giữa Tiểu đoàn 6 với đội quân biển người của địch. Sau nhiều giờ pháo kích, địch vượt qua suối biên giới, cướp trâu cày của dân lùa lên núi đi trước hứng đạn, đánh chiếm điểm cao. Đêm xuống, bộ đội ta lên chiếm lại, bị vướng nồi niêu, xoong chảo địch ném xuống từ lâu. Thấy động, địch bắn xuống như vãi đạn... Cứ thế, ta và địch giành đi giật lại điểm cao mấy lần... Khắp trận địa, xác địch, xác trâu nằm la liệt. Nhiều con phơi nắng gió mấy ngày đã trương phềnh. Tôi lia máy ảnh ghi những cảnh ấy dưới những bước chân chiến sĩ xung kích...

"Biên giới gió mùa" - Một trong những bức ảnh đã đưa nhà báo Đỗ Kha vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Quanh tôi vẫn nóng bỏng không khí của những ngày dài chiến đấu. Mùi thuốc đạn, trâu chết, cây cháy... càng làm không khí hôi nồng. Tiểu đoàn trưởng Ngân chỉ huy chiến sĩ khẩn trương thu dọn, củng cố hầm hào, sẵn sàng đối phó với địch nếu chúng liều lĩnh tiến công lần nữa! Sau khi đã chụp ảnh, lấy đủ tài liệu, tôi bảo hai chiến sĩ đi cùng tôi tìm lối xuống con đường mòn ra sát biên giới. Đến gần vùng giáp biên, tôi đã bắt đầu thấy những nốt đạn pháo bắn trúng vào các tảng đá hoa cương nằm ven đường, vỡ tung tóe...

- Thời điểm đó nhiều mìn và cả kẻ thù bắn tỉa nữa. Điều đó có làm cho ông run sợ?

+ Tôi luôn vững tin vì có 2 chiến sĩ trinh sát đi cùng. Tôi cứ vừa đi vừa chụp ảnh... Bỗng nhiên tôi không thấy hai chiến sĩ trinh sát đâu. Tôi đang băn khoăn thì bỗng một tiếng nổ ầm ở một góc đồi khuất phía trước. Một chiến sĩ biên phòng chạy ngược lại phía tôi bảo rằng 2 anh đã đạp phải mìn, vừa được đưa đi cấp cứu. Tôi đành một mình đi ra phía trước. Trước mắt tôi là khu nhà của đội lâm nghiệp Hoành Mô bị pháo địch bắn, mái toang hoác. Mấy cây bạch đàn trước cửa bị mảnh pháo chém gãy, lá héo rũ. Tôi đi tiếp ra khu vực các cơ quan sát biên giới thường làm việc. Kho hàng xuất khẩu của huyện cửa mở toang hoang. Những bao hoa hồi bị rạch nát, hoa vung vãi đầy sân. Khu trung tâm cửa khẩu mọi khi sầm uất người xe qua lại, giao lưu buôn bán, giờ lặng ngắt như tờ. Trong trận đánh này, tôi tin một cách chắc chắn rằng chúng ta không có chiến sĩ nào ngã trên đất địch, dù chỉ giữa dòng suối biên giới.

- Chuyến công tác biên giới của ông khi đó đã dừng ở Bình Liêu?

+ Sau đó tôi nhờ được chuyến xe về Tiên Yên. Tiên Yên khi đó khác nhiều so với mọi ngày. Bến ô tô rầm rập người và xe. Toàn xe khách Ba Đình loại to chở đầy thanh niên, đủ cả nam, nữ, đeo ba lô, mũ cối, giày vải hoặc dép cao su, đi lại gọi nhau xếp vào đội ngũ... Họ là các đoàn viên, thanh niên từ các cơ quan, xí nghiệp xung phong ra biên giới xây dựng phòng tuyến. Không thấy có một chiếc xe nào có vẻ như đón khách về Hòn Gai như mọi ngày. Tôi tiến đến một xe đang nổ máy và xin đi nhờ về Hòn Gai.

- Sau đó thì sao thưa ông, bài báo phản ánh tình hình chiến đấu ở biên giới hẳn có nhiều điều đặc biệt?

+ Trở về cơ quan, Tổng Biên tập nói với tôi: “Tôi vừa họp bên Tỉnh ủy về. Các đồng chí phê phán công tác tuyên truyền còn chung chung, thiếu tài liệu, chứng cứ cụ thể tố cáo tội ác của giặc... Theo bên quân sự báo cáo với Tỉnh ủy, ta đánh mạnh trên toàn tuyến biên giới, địch đã rút. Anh ở biên giới về, nắm được tình hình, xem qua cho tôi”. Tôi trình bày nhanh, chủ yếu tình hình ở mặt trận Bình Liêu, Hải Ninh rồi đề nghị giữ nguyên những bài nào, cần sửa những bài nào, viết thêm cái gì; đặc biệt mảng ảnh mới về tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân, dân ta ở Bình Liêu và tội ác của giặc v.v..

Hôm sau báo ra. Trên trang nhất, một bức ảnh lớn hơn mọi ngày, cùng với các tít đậm đập vào mắt người xem gây ấn tượng: Bước chân các chiến sĩ ta trên đỉnh cao 600 sải dài bên xác giặc nằm la liệt... Trên các trang 2 và 3 chạy hàng tít với đặc điểm chiến đấu và chiến thắng riêng của từng mặt trận cùng các bài và phóng sự ảnh nói lên sự dũng cảm chiến đấu và chiến thắng của quân, dân hai huyện Bình Liêu và Hải Ninh. Đặc biệt, trang 4 có một số ảnh tố cáo tội ác của giặc, những đống hoa hồi vung vãi ngập sân như một cuộc chuyển chạy chưa hoàn thành v.v.. Tổng Biên tập mang ngay một tập báo sang Tỉnh ủy. Lúc về, ông khoe các đồng chí ở Tỉnh ủy khen báo ta làm kịp thời, chất lượng tốt.

Nhà báo Đỗ Kha (hàng ngồi, ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm với một đơn vị xe tăng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Những ngày sau đó, ông có còn tiếp tục ra tiền tuyến?

+ Vâng! Tôi tiếp tục đến mặt trận Hải Ninh, đến Khoảng Năm Châu, Cao Ba Lanh. Bí thư Huyện ủy Hải Ninh đưa cho tôi cặp lựu đạn chày có dây thắt quanh lưng bảo để phòng bất trắc. Lúc đó, Hải Sơn, Bảo Lâm, Bắc Phong Sinh cũng heo hút, xa lắc xa lơ. Tôi và anh thiếu úy bộ đội biên phòng của tiểu khu Móng Cái lúc đi qua đồi ngang, lúc luồn rừng ra điểm tựa, nơi Đồn Biên phòng Pò Hèn đang trấn giữ. Phía dưới là những ngôi nhà dân, những cửa hàng mậu dịch ăn uống, bách hóa đã bị vùi dập trong những đợt pháo cấp tập từ bên kia biên giới. Người ta tìm thấy thi hài một số chiến sĩ biên phòng lúc ấy còn mặc quần đùi, áo may ô…

Một lần khác tôi vượt đèo Long Tu để tìm sang Cao Ba Lanh - một điểm lửa thực sự dữ dội không kém điểm cao 600. Chiếc ô tô tải quân sự lắc lư bò hết sườn đồi này sang sườn đồi khác len lỏi mãi mới ra khỏi rừng, đến được vị trí đóng quân của trung đoàn ngay trung tâm xã Đồng Văn. Tôi được Trung đoàn trưởng Cao Nguyên cử người đưa lên Cao Ba Lanh... Chiến sĩ giặt quần áo phơi hàng tuần chưa khô. Chiếu nằm ẩm mốc dễ sinh bệnh...

Tôi theo các chiến sĩ ra vùng giáp biên. Hai chiến sĩ của ta mặc áo bông, đội mũ bông vai đeo súng AK, quấn quanh người băng đạn đứng cảnh giới bên một bụi lau trắng. Gió mùa đông bắc trên Cao Ba Lanh thổi ù ù làm những bông lau trên đầu ngả rạp, tạo nên một bức tranh hoành tráng trữ tình. Tôi bấm máy ghi lấy khoảnh khắc hiếm có trong cuộc hành trình độc đáo này! Đây gần như là tác phẩm đầu tiên trong số những tác phẩm ảnh nghệ thuật đưa tôi vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam...

- Cảm ơn nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha về cuộc trò chuyện này!

(Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201902/nha-bao-nghe-si-nhiep-anh-do-kha-ngay-khi-bien-gioi-vang-tieng-sung-phong-vien-chung-toi-len-duong-2423956/