Nhà báo nên hạn chế tuyệt đối tham gia các hội nhóm kín và sự kiện mang tính chất bè phái

Góp ý dự thảo bản 'Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam'- Nhà báo Phan Bá Mạnh – Tổng thư ký Chuyên trang An ninh Tiền tệ - Báo điện tử Người đưa tin; Báo Đời sống và Pháp luật cho biết:

Có thể nói rằng, mạng xã hội như Facebook, twiter, zalo hay instagram… là một sân chơi bình đẳng. Với mỗi nhà báo, việc thể hiện cái tôi hay quan điểm cá nhân trên mạng xã hội đều phải gắn với vị trí cơ quan công tác, nghĩa là bạn sẽ phải chịu trách nhiệm và hiệu chỉnh bởi các quy chế, nội quy trong tòa soạn cũng như các quy định pháp luật hiện hành. Bạn sẽ không thể biện minh cho rằng đó là “thế giới ảo” riêng của cá nhân nên bạn muốn làm gì thì làm. Chính vì thế, theo tôi, để cụ thể hóa điều 5 “chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” có thể ban hành những chế tài bắt buộc áp dụng đối với các cơ quan báo chí, nhà báo sao cho phù hợp, hài hòa với thực tế.

Nhà báo Phan Bá Mạnh.

Cụ thể như, đối với mỗi cơ quan báo chí, phải tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở phóng viên để thấm nhuần được nhận thức, mỗi bài viết, mỗi status mình đăng trên mạng xã hội là một tin tức, một bài báo thể hiện quan điểm của chính tờ báo đó vì thế các cán bộ phóng viên, nhà báo không được bày tỏ quan điểm mang tính chất bè phái và đi ngược với quan điểm lợi ích của tòa soạn, không ảnh hưởng đến tờ báo mà họ đang công tác.

Đặc biệt, phóng viên, nhà báo cũng nên hạn chế tuyệt đối tham gia các hội nhóm kín trên mạng xã hội và hạn chế tham gia các sự kiện mang tính chất bè phái. Ngoài ra, phóng viên, nhà báo phải luôn minh bạch với thông tin của mình đưa lên trên mạng xã hội, nếu có bất cứ thông tin nào sai lệch bạn cần phải hiệu chỉnh, đính chính nó như một bản tin đính chính trên tờ báo của mình. Mỗi trang cá nhân của phóng viên, nhà báo phải được xem như là một trang báo, và phóng viên hay quản lý trang báo đó phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về mặt nội dung lẫn hình thức. Nếu sai anh sẽ phải chịu chế tài xử phạt hành chính và thậm chí là đối mặt với các điều luật theo quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ, cơ quan quản lý nên “lợi dụng” mạng xã hội để quy tụ những nhà báo có sức ảnh hưởng thông tin tác động, chi phối đến một bộ phận không nhỏ các “bạn bè” của họ và ngoài xã hội. Thay vì kiểm soát, ngăn chặn, ngăn cấm hành vi thì cơ quan quản lý nên tính đến việc sử dụng mạng xã hội của mỗi cá nhân nhà báo để làm công cụ cho mình trong các đối sách, chiến lược về truyền thông xã hội và thông tin. Bất cứ sản phẩm nào khi sử dụng đều có 2 mặt của nó, tốt và xấu vậy tại sao chúng ta không phát huy cái tốt, hạn chế cái xấu của nó. Trong vấn đề này, cơ quan quản lý báo chí nên tạo ra các chủ đề, diễn đàn thông tin công khai, tổ chức nhanh, rộng, sâu và nhiều hơn trên mạng xã hội khi xảy ra “sự cố thông tin” bởi đó mới chính là cách xử lý khủng hoảng thông tin và định hướng được thông tin tốt nhất cũng như nâng cao được trách nhiệm của mỗi cá nhân nhà báo trong việc ứng xử với thông tin khi họ cần.

H.V (Ghi)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/chan-dung-nha-bao/nha-bao-nen-han-che-tuyet-doi-tham-gia-cac-hoi-nhom-kin-va-su-kien-mang-tinh-chat-be-phai-48853