Nhà báo Lê Đình nhớ về một thời 'Hương Sắc'

Đầu xuân, tôi có vinh dự được nhà báo Lê Đình trên đường đi dự hội thơ xuân Mậu Tuất tiện ghé thăm và được ông 'mừng tuổi' bằng câu chuyện thân mật về một thời 'oanh liệt' làm báo không thể nào quên ở cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam: Tạp chí Việt Nam Hương Sắc.

Nhà báo Lê Đình, Nguyên Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Việt Nam Hương Sắc phong độ U90

Ông năm nay đã ở tuổi U90 nhưng thần thái nhanh nhẹn, vui tươi và rất yêu đời. Chất nghệ sĩ ở ông toát lên từ cách ăn mặc đến phong thái, cách nói chuyện rất nhẹ nhàng với nụ cười rất tươi. Đúng là một tâm hồn an lạc. Từ lúc ông xin nghỉ đảm nhiệm tờ Hương Sắc từ đầu năm 2015, nhìn ông lại có phần phong độ hơn. Lớp những người trẻ giúp việc như chúng tôi ở cơ quan Trung ương Hội vẫn cứ quen gọi ông thân mật bằng "Chú" để cho phù hợp với sự trẻ trung của ông.

"Trải qua những năm tháng làm giảng viên trường Mỹ thuật Việt Nam, rồi làm đạo diễn phim truyền hình Đài Truyền Hình Việt Nam và tình yêu Sinh Vật Cảnh từ nhỏ...Những vốn sống ấy là chất liệu để mình xây dựng tờ báo Hội từ lúc khó khăn thua lỗ không ai dám nhận đến ổn định, phát triển trở thành một trong những tờ báo in bốn màu bán chạy nhất Việt Nam lên tới 10.000 bản mỗi số. Rồi trong cuộc cạnh tranh với người khổng lồ "Báo điện tử và mạng xã hội", tờ Hương Sắc vẫn giữ được cả hương và sắc trong lòng bạn đọc với số lượng ổn định từ 6.000 - 8.000 bản. Trước khi bàn giao vẫn giữ được số lượng phát hành ổn định trong 4 năm cuối gần 6.000 bản. Đây cũng là một con số quá lý tưởng với những người làm báo giấy chuyên ngành. Có được thành công đó, điều mấu chốt là mình và BBT đã xác định đúng hướng, đưa lại những thứ mà độc giả cần. Tự tìm cho mình một lối đi riêng, một văn hóa làm báo chuyên ngành, chuyên nghiệp riêng. Người ta có thể học theo cách thức làm báo chứ không bao giờ người ta học được văn hóa riêng của mỗi cơ quan ngôn luận. Vả lại nếu mình bắt chước cách làm của những cơ quan báo chí khác sẽ không tạo được bản sắc riêng cũng chính là cách đánh mất mình, đưa mình vào thế bị động. Đó là sức sống thực sự của một tờ báo chuyên ngành. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Cố Nhà báo Trần Lâm, Cố Nhà báo Đỗ Phượng là những Tổng Biên tập của Tạp chí Việt Nam Hương Sắc về việc tránh viết: "Nhàm, Nhạt, Nhảm, Nhăng" trong báo chí. Là một tờ chuyên ngành mình chỉ nên nói thật sâu về chuyên ngành chứ không nên sa đà vào tin tức hay những thông tin "vô thưởng vô phạt" làm gì. Những thông tin hoạt động Hội, về sau có cổng thông tin của Văn phòng Hội do hai cán bộ của Hội là Xuân Nguyên và Văn Sửu phụ trách", Nhà báo Lê Đình chia sẻ.

Đọc vài trang Tạp chí Việt Nam Hương Sắc những số gần đây nhất do Tổng Biên tập Nguyễn Thắng mới chuyển từ Báo Kiểm toán cùng với sếp cũ của mình vốn là Tổng Kiểm toán Nhà nước nay sang làm Chủ tịch Hội, ông nói tiếp: "Tổng Biên tập mới là người cầu thị. Bản thân tôi cũng muốn cộng tác đóng góp cho "đứa con tinh thần" mình bao năm gắn bó ngày càng phát triển. Nhưng quả thật làm báo bây giờ rất khó khăn và tuổi mình đã cao đành "lực bất tòng tâm". Tờ báo đang từ 6.000 bản chỉ sau một vài số thay đổi theo kiểu "bản tin" là đọc giả người ta quay lưng lại hết giảm xuống còn 1.800 bản. Tôi vào miền Nam công tác gặp những vị Chủ tịch Hội SVC các địa phương người ta phàn nàn dữ lắm. Cả một tỉnh Hội vài ngàn hội viên mà người ta chẳng mua một tờ nào nữa. Nếu chỉ biết trông cậy vào các vị chủ tịch Hội để tăng phát hành là không khả thi. Mà phải thay đổi tư duy làm báo chuyên ngành. Phải am hiểu lĩnh vực này thì mới dám viết về văn hóa, khoa học, kỹ mỹ thuật để viết ra những điều dạy người chưa biết, luyện người chưa thông. Chứ đưa tin vừa chậm vừa đưa những thứ người ta biết rồi thì ai mua ai đọc. Hồi tôi mới phụ trách cũng khổ sở vì phải đấu tranh trong nội bộ mãi về vấn đề này. Người ta nhầm lẫn tờ báo là "cơ quan ngôn luận của Hội" thì phải nói những thông tin mang tính "tiếng nói" của Hội. Tôi rất đồng tình với những lời trần tình về cách làm báo trong giai đoạn mới mà cố nhà báo Đỗ Phượng đã trả lời phỏng vấn trên số Tạp chí Việt Nam Hương Sắc số tháng 6 năm 2017. Đó là Tạp chí phải lấy hội viên và cơ sở hội làm trung tâm; chú trọng nội dung chuyên ngành; mở rộng cộng tác viên chính là các lãnh đạo hội thành viên các cấp; tăng cường liên kết với các cơ quan truyền thông khác; cung cấp các dịch vụ SVC khác và phối hợp làm các sự kiện..."

Là lớp hậu sinh, bữa nay tôi chẳng dám tranh luận hay nói gì mà chỉ biết ngồi im nghe "thụ giáo" của bậc làm cha làm chú đầu xuân "mừng tuổi" bằng những câu chuyện buồn vui trăn trở về một thời ông và cộng sự tâm huyết trọn vẹn nghĩa tình với tờ báo Hội. Trước khi ra về, ông bỗng nhiên vui hẳn lên về những tín hiệu khởi sắc và niềm tin mới của Hội và Tạp chí trước thềm Hội nghị BCH Hội SVC Việt Nam lần thứ 2 khóa VI: "Tôi và nhiều người vẫn rất tin tưởng vào khả năng của Tổng Biên tập Nguyễn Thắng là người trẻ, khỏe, năng động và Chủ tịch Hội Nguyễn Hữu Vạn có nhiều mối quan hệ qua kênh Kiểm toán Nhà nước sẽ đưa tờ báo và Hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bước đột phá đầu tiên là có được trụ sở Hội và Tạp chí rất khang trang nằm ngay trong cơ quan của Tổng Kiểm toán Nhà nước số 111 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Nếu không có quan hệ mà bỏ tiền đi thuê bên ngoài một cách sòng phẳng thì rất tốn kém. Thế nên từ trước tới nay chưa có vị Chủ tịch Hội tiền nhiệm nào làm được điều đó".

Quyết Tuấn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-bao-le-dinh-nghi-ve-mot-thoi-huong-sac-60180