Nhà báo lão thành Văn Trường trong tôi

Anh tâm sự: Nghề báo không tên, với chúng ta chỉ có một danh hiệu VNTTX mà thôi. 'Công không thành thì danh không toại', hãy là viên gạch góp phần xây lâu Đài VNTTX bền vững...!

Tôi rất tâm đắc với phóng viên chiến trường, nhà thơ Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, khi anh đánh giá về nhà báo lão thành Văn Trường: “Ông thuộc thế hệ vàng những người đã đóng góp và hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của cơ quan Thông tấn Quốc gia suốt những năm tháng thử thách cam go nhất, trong chiến tranh và hòa bình trên con đường phát triển. Ông tâm sự: mình không phải là một nhà báo giỏi nhưng yêu nghề, tận tụy với nghề, với TTX; đã cùng các đồng chí lãnh đạo và anh chị em vươn lên giúp nhau hoàn thành công việc ... Rất trân trọng sự khiêm nhường ấy của ông! Ông thực sự là một nhà báo giỏi, một cây bút xông xáo, say mê với nghề, thích tìm tòi, đổi mới. Ông còn là một nhà quản lý nhiều kinh nghiệm, nhanh nhạy và quan tâm sâu sát không chỉ công việc, mà cả con người. Ông rất chú ý đào tạo anh em trẻ phát triển nghề nghiệp. Chúng tôi đều bị cuốn hút khi ông nói chuyện về nghề nghiệp, về kinh nghiệm từ thực tiễn của mình”.

Đối với tôi, trong đời làm báo ở cơ quan có các anh lãnh đạo tôi rất kính trọng, ngưỡng mộ, dễ gần như anh Vũ Đảo và những người rất giỏi nghiệp vụ, nhưng đã “đi xa” như các anh Trần Hữu Năng, Lam Thanh, Đình Khuyến, chỉ còn anh Văn Trường - người duy nhất vẫn khỏe mạnh, minh mẫn (so với lứa tuổi U90 của anh) và vẫn say mê nghiệp vụ. Anh là một thủ trưởng toàn diện, người gắn bó với tôi nhiều nhất, tôi luôn ngưỡng mộ, kính trọng anh. Trong nghiệp vụ, anh có tính quyết đoán khi chỉ đạo đưa tin (như lần bám trụ chụp ảnh tàu tàu King Ford, quốc tịch Anh ở cảng Hải Phòng và sau đó, là tính kiên quyết bảo vệ phim để phục vụ tuyên truyền của cơ quan). Anh nhanh nhạy (trong tổ chức hai mũi đi chụp, ảnh lấy tin máy bay B52 ném bom ở hai nới Mê Linh và Uy nỗ, và không cầu toàn, kiên quyết vượt qua bom đạn, nhanh chóng về cơ quan viết tin, phát ảnh kịp thời). Anh nhạy bén cả trong quan sát và lắng nghe ý kiến chỉ đạo (dù chỉ qua lời nói chuyện, tâm sự) của các cán bộ lãnh đạo cấp cao như TBT, Thủ tướng, Đại Tướng v.v…và sự chỉ đạo của cán bộ lãnh đạo cơ quan. Anh là cây viết tài năng! Có thể nói, anh là một nhà báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như nhà báo hàng đầu Việt Nam, Hữu Thọ, thường nói về nghề báo. Anh còn là người thầy của tôi, không phải dạy trên bục giảng lý luận báo chí, mà là trên thực tế hoạt động nghiệp vụ trong những năm đầu tôi bước vào nghề. Sau khi vượt Trường Sơn vào R (1973) cho đến ngày giải phóng, có đến non nửa thời gian, tôi được phân công làm rẫy (nhiều nhất so với anh em cùng khóa) với lý do: cơ quan “ưu tiên” tôi bị thương ở Trường Sơn, cần ra rẫy làm để hít không khí trong lành! Mới về biên tập một thời gian, thì tôi được đi chiến trường Tây Ninh và 3 tháng sau, Sài Gòn giải phóng - nghĩa là, thời gian tôi biên tập và đi viết tin rất ít. Đã vậy, sau giải phóng, tôi không được về SG ngay, mà phải ở lại Tây Ninh để giúp Phân xã quản lý, ổn định nơi ăn ở và làm nghiệp vụ tuyên truyền, vì Phân xã lúc đó có 3 người, thì một là học sinh Trung học vào tham gia kháng chiến (Hoàng Dững), một là cán bộ bị tù ở Côn Đảo, mới được trao trả năm 1973 (ông Ba Tỷ) và tôi được cơ quan cử xuống. Trước đó, tôi thường được thay mặt Phân xã đi dự các cuộc giao ban của Ban Tuyên giáo tỉnh… Tháng 9/75, tôi mới được về Sài Gòn. Trong khi các bạn về ngay ngày đầu giải phóng, đã quen công việc, nghiệp vụ và đường đi, lối lại, thì tôi về Tp muộn hơn, nên gặp nhiều bỡ ngỡ, nhất là trong nghiệp vụ viết tin. Một kỷ niệm buồn đã xảy ra với tôi là: trong một lần được cử đi dự cuộc họp giao ban về An ninh trật tự Tp, do đồng chí Năm Xuân (tức Mai Chí Thọ), Giám đốc Công an chủ trì, tôi đã không ghi đầy đủ họ, tên ông, đến khi về viết tin, tôi chỉ nhớ người ta gọi ông là Năm Xuân. Bí quá, tôi hỏi mọi người về họ, tên thực của ông, thì một người bạn nói: “Ông ấy tên là Trần Thanh Xuân”. Tôi nói: “Sao giống như tên Thủ trưởng của chúng mình vậy”? (vì Thủ trưởng chúng tôi, ông Trần Thanh Xuân cũng được gọi theo thứ là Năm Xuân)! Tôi hỏi tiếp: “Có đúng họ tên của ông ấy như vậy không, để mình còn viết tin”, thì người bạn đó mặt tỉnh bơ, khẳng định là đúng, ông ấy cùng họ tên như vậy! Sau khi tôi viết tin nộp lên anh Khuyến, Trưởng phân xã, thì hôm sau, người bạn đó nêu chuyện hôm trước, tôi viết tin sai ra để bôi bác tôi trước mọi người! Tôi rất xấu hổ và bực tức, thì anh Khuyến đã đến bên tôi từ lúc nào, gãi nhẹ vào cạnh sườn tôi, tôi nhìn anh, anh mỉm cười, nháy mắt! Chỉ hành động đó của anh đã làm tôi dịu liền, tin tưởng và nhớ mãi cách cư xử tinh tế đó của anh!

Chính trong lúc tôi còn non nớt về nghiệp vụ như vậy, thì anh Văn Trường được Tổng xã điều vào phụ trách đưa tin cải tạo công thương nghiệp Tp, đó cũng là mảng tin tôi được phân xã giao viết. Do nắm được sự chỉ đạo của cấp trên nên anh đã giúp tôi hiểu quan điểm, nhận thức về công tác cải tạo, những hướng tuyên truyền và nhiều khi, tôi nhờ anh sửa trực tiếp tin, bài viết cho tôi. Anh thường động viên, khen ngợi tôi, làm cho tôi tự tin hơn. Qua sự giúp đỡ bằng thực tế của anh, trình độ viết của tôi được nâng lên rõ rệt. Không bao lâu sau, tôi đã có những bài được cho là tốt như các bài về HTX Tiêu thụ phường Một (quận 1), phường Tám (quận , Công ty Lương thực của bà Ba Thi; bài “Từ dưới lòng Tp” (viết về công nhân vệ sinh cống rãnh Tp); các bài viết về nhà máy sản xuất công nghiệp và nhất là những bài viết về TNXP: cải tạo, giúp đỡ thanh niên đi lên trong cuộc sống mới. Cũng từ sự giúp đỡ về nghiệp vụ đó, sau này, tôi đã viết được một số bài đoạt giải thưởng của cơ quan!

Chẳng những thế, anh Văn Trường còn sống gần gũi, gắn bó với tôi và anh chị em đồng nghiệp. Chúng tôi thường ăn cơm tập thể với nhau. Một kỷ niệm tuy nhỏ nhưng là tình cảm, làm chúng tôi nhớ mãi, đó là lần tôi được phân phối mua một chai bia, tôi đã để tủ lạnh cho mát dự tính chiều hai anh em sẽ uống. Chiều hôm đó, khi tôi lai anh từ cơ quan về khu tập thể, thì chai bia để trên khung xe đạp rớt xuống đường, vỡ! Anh tiếc chai bia vỡ thì ít, mà tỏ ý thương tôi thì nhiều! Đầu năm nay, khi tôi ra HN thăm anh, anh vẫn nhắc lại chuyện chai bia bị vỡ hơn 40 năm trước. Anh thật là một con người tình nghĩa! Với những bài “Thư cuối cùng chị viết cho em” (viết về bà Trình), “Chuyện trò với cháu Lan Phương” (con bà Trình), tâm sự với các bạn Công Khuyến, Minh Đạo, Hùng Đào… đều thể hiện tình cảm yêu mến dạt dào. Anh nói trôi chảy như viết. Sức thể hiện trên giấy rất thoáng, phảng phất đâu đó, tính văn nghệ. Anh nhớ và viết cả những bài thơ tình của các cán bộ, bạn bè từng hoạt động cùng anh trước đây… Anh tâm sụ: Nghề báo không tên, với chúng ta chỉ có một danh hiệu VNTTX mà thôi. "Công không thành thì danh không toại”, hãy là viên gạch góp phần xây lâu đài VNTTX bền vững ...!

Qua tìm hiểu, đọc những bài viết của anh về những chuyến đi công tác ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, tôi mới thấu hiểu, môi trường hoạt động của anh hồi đó gian khổ, ác liệt chẳng kém gì chúng tôi ở chiến trường miền Nam trước ngày giải phóng....Tôi nghĩ, không phải ai đi chiến trường cũng đều gian khổ hơn ở hậu phương, mà ngược lại, trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhiều người ở hậu phương còn hy sinh, gian khổ hơn gấp nhiều lần so với một số người đi chiến trường! Không chỉ riêng tôi, mà nhiều bạn của tôi cũng nhắc những kỷ niệm đẹp về anh, bày tỏ tình cảm trân quý rất nhiều về anh - một lãnh đạo của Ban Biên tập tin Trong nước, tài năng và khiêm nhường. Anh đã nhận được nhiều Huân, Huy chương khen thưởng của Nhà nước và cơ quan ./.

Vũng Tàu, 18-6-2021

THĂM NHÀ BÁO LÃO THÀNH VĂN TRƯỜNG

Hà Nội, 03 Tháng 01

Theo lịch trình, sau khi nghỉ ở quê, lên HN, người đầu tiên tôi đến thăm là nhà báo lão thành Văn Trường, nguyên Trưởng Ban biên tập tin Trong nước TTXVN. Anh đã cho địa chỉ, điện thoại và dặn đến đầu hẻm thì điện thoại để anh ra đón. Anh vẫn chu đáo như vậy đấy, nhưng tôi quyết định tim vào tận nơi, không để nhà báo hơn mình cả chục tuổi phải ra đon minh! Và thật bất ngờ, khi tôi đến cổng, cũng là lúc anh ra mở cổng cho con gái của anh vào. Chúng tôi đều mừng vì chẳng những anh em gặp nhau mà cả chú cháu tôi, khoảng 36 năm nay, mới gặp lại nhau,, khi đó, cháu chưa lập gia đình, nay, đã về hưu, con cái trưởng thành.

Không phải nhà báo nào khi về già tôi cũng gọi là nhà báo lão thành đâu nếu như, khi còn là nhà báo, người đó chỉ là người viết làng nhàng, không để lại ấn tượng gì để cho mọi người không thể không nhắc đến cái tên nhà báo và khi nghỉ hưu, dù còn sức khỏe nhưng anh ta quên ngay nghiệp báo chí, quay sang nghề khác như sản xuất, kinh doanh. Đó là quyền tự do của mỗi người, nhưng người ta chỉ có thể gọi anh là nhà báo huu trí mà thôi. Riêng với anh Văn Trường, không những tôi gọi anh là nhà báo lão thành mà còn anh bằng Cụ - Cụ ở đây không phải tuổi già (mặc dù về tuổi tâc, năm nay anh 86 tuổi, xứng đáng là cụ từ lâu rồi), cụ ở đây là về mặt nghiệp vụ, trên cả Sư phụ!

Anh em lâu ngày mới gặp nhau, cứ tranh nhau hỏi, nói, nhiều khi không để "đổi tác" kịp trả lời. Ngoài chuyện gợi lại những kỉ niệm xưa gắn bó anh em, khi anh được phân công vào phụ trách công tác nghiệp vụ ở tp HCM sau ngày giải phóng, kể cả kỷ niệm nhỏ mà anh vẫn nhớ là chuyện tôi đánh rơi chai bia khi hai anh em lai nhau từ CQ về nhà tập thể Nguyễn Đình Chiểu, do vậy, anh không có chai bia hiếm hoi được phân phối để uống, thì chuyện nhiều nhất vẫn là về nghiệp vụ. Anh đã kể bao nhiêu chuyện từ những ngày đầu vào làm báo với bao cán bộ, bạn bè đổi với tôi, họ là những bậc tiền bối đáng kính, đến những người giỏi về chỉ đạo, nhạy bén phát hiện ra những vấn đề cần đưa tin trong thời khắc quyết định nhất và những lần đi viết về Bác và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác. Ở anh, là cả một "Pho" kinh nghiệm quý bằng vàng về báo chí, câ trong lý luận và thực tiễn mà theo tôi, nếu không khai thác được thì sau này sẽ rất tiếc, bởi vì, đây là kinh nghiệm xương máu của một người từng tham gia các chiến trường, nhiều địa bàn, cả trong chính trị, quân sự và kinh tế. Sau này, người ta có thế dễ dàng moi tư liệu từ trong google, facebook, nhưng sẽ khó cảm thấy thú vị, hấp dẫn như nghe lời kể lại trực tiếp của người trong cuộc. Tôi thực sự bị thu hút khi đọc những bài viết của anh trong chiến tranh chống Mỹ, thời kì cải tạo công thương nghiệp và cả những bài viết về kỷ niệm với những anh chị em đồng nghiệp như các chị Hường, chị Tuệ Oanh, chị Nhâm .... Mà không phải ai cũng có được.

Riêng với tôi, anh là người đã giúp đỡ tôi rất nhiều và tôi đã trưởng thành nhanh chóng chính là thời kỳ anh hướng dẫn, chỉ đạo tôi viết về cải tạo Công thương nghiệp và phong trào TNXP và Kinh tế mới ở tp HCM sau ngày GP.

Đó là những cái quý nhất tôi được hưởng trong đời làm báo của mình. Khi ra về, tôi nhớ mãi lời dặn của anh (vẫn về nghiệp vụ) là: "Cần tập hợp những bài viết về chuyến thăm quê hương mới đây (hay, nhưng chỉ mới vỡ vạc) cùng với những bài khác để in thành sách"!

Hóa ra người thủ trưởng cũ của tôi, một nhà báo lão thành vẫn theo sát, đọc bài của tôi và giúp đỡ tôi như vậy đó (viết từ 4 h 30 đến 6 h 30 ngày cuối năm, 29 - 12- 2017).

NB Đoàn Việt

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-bao-lao-thanh-van-truong-trong-toi-a3016.html