Nhà báo làm gì để tự bảo vệ mình khi tác nghiệp?

Dù pháp luật đã có những quy định nhằm bảo vệ nhà báo tác nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí nhưng thời gian qua vẫn có không ít vụ việc các đối tượng hành hung, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi họ hoạt động tác nghiệp đúng quy định pháp luật. Vậy những PV cần phải làm gì để bảo vệ an toàn cho bản thân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

Nhiều vụ việc phóng viên bị cản trở và hành hung

Thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy, nhiều PV, nhà báo đã và đang bị cản trở, gây khó khăn khi xuống một số cơ sở, địa bàn liên hệ làm việc, nhất là liên quan đến sai phạm, tiêu cực… Có PV, nhà báo còn bị hành hung dẫn tới thương tích nặng, một số khác thì bị nhắn tin đe dọa tính mạng.

Mới đây, báo Nông thôn Ngày nay đưa tin, sáng 1-6, nhà báo Vũ Thị Hải, Trưởng đại diện báo Nông thôn Ngày nay tại Hải Phòng, đã có đơn gửi CA quận Hải An, CA TP Hải Phòng và các cơ quan báo chí, phản ánh việc bị kẻ xấu đổ chất bẩn vào nhà để “khủng bố”, đe dọa.

Theo đó, rạng sáng 31-5, tại nhà số 66 Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng (từng là nhà ở của nhà báo Hải, vừa mới được chuyển nhượng cho người khác vào tháng 5) đã bị một người lạ mặt đổ dầu luyn pha mắm tôm vào cửa. Ngoài số chất bẩn trên, kẻ xấu còn để lại nhiều mảnh giấy trước cửa căn nhà, với nội dung đe dọa, nhục mạ PV…

Trước sự việc nhà báo Vũ Thị Hải bị “khủng bố”, Ban Biên tập báo Nông thôn Ngày nay đã có công văn gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, CA TP Hải Phòng và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đề nghị các cơ quan này có biện pháp bảo vệ nhà báo, đồng thời điều tra kẻ chủ mưu.

Trong công văn ký ngày 1-6 gửi các cơ quan chức năng, Ban Biên tập báo Nông thôn Ngày nay đánh giá, việc nhà báo Vũ Thị Hải, Trưởng đại diện báo tại Hải Phòng bị kẻ xấu khủng bố tinh thần bằng “bom bẩn” không chỉ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự nhà báo của cá nhân chị Hải mà còn ảnh hưởng tới tâm lý, gây bất ổn cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình chị, cần được pháp luật bảo vệ.

Do vậy, đề nghị UBND TP Hải Phòng có ý kiến chỉ đạo cơ quan CA tiến hành điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, chà đạp danh dự, nhân phẩm, đe dọa, cản trở hoạt động của nhà báo để xử lý nghiêm kẻ chủ mưu trước pháp luật; Có phương án phù hợp để bảo vệ an toàn cho cá nhân và gia đình chị Hải.

Không riêng trường hợp nhà báo Vũ Thị Hải bị đe dọa, khủng bố bằng “bom bẩn” mà còn nhiều trường hợp khác bị nhắn tin dọa giết cả nhà như trường hợp PV của VTV sau khi làm loạt phóng sự điều tra chợ Long Biên (Hà Nội)…

Nhà số 66 Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng (từng là nhà ở của nhà báo Vũ Thị Hải, báo Dân Việt, vừa được chuyển nhượng cho người khác vào tháng 5-2020) đã bị một người lạ mặt đổ dầu luyn pha mắm tôm vào cửa.

Nhà số 66 Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng (từng là nhà ở của nhà báo Vũ Thị Hải, báo Dân Việt, vừa được chuyển nhượng cho người khác vào tháng 5-2020) đã bị một người lạ mặt đổ dầu luyn pha mắm tôm vào cửa.

Làm gì để bảo đảm an toàn cho bản thân?

Chia sẻ kinh nghiệm làm báo nhiều năm, qua nhiều vị trí, đặc biệt là trong quá trình điều tra các vụ việc tiêu cực, nhà báo Trần Quang Khởi, tạp chí Đời sống và Pháp luật cho rằng: “Người ta hay nói nghề báo cũng là một nghề nguy hiểm, có lẽ chỉ sau PV chiến trường, PV điều tra là những người hay phải đối mặt với hiểm nguy nhiều nhất. Từ những hiểm nguy trong khi tác nghiệp cho đến cả sau khi tác nghiệp”.

Cũng theo nhà báo Quang Khởi, để đảm bảo an toàn cho bản thân khi làm điều tra, các PV, đặc biệt là những PV trẻ trước hết cần trau dồi bản lĩnh vững vàng; Nắm chắc các quy định của pháp luật để tác nghiệp đúng luật và phòng, chống đối tượng có hành vi cản trở, đe dọa, hành hung trái pháp luật.

Khi tiến hành điều tra, PV cần xây dựng kế hoạch tác nghiệp cụ thể, lường trước các tình huống, báo cáo Ban Biên tập để có phương án hỗ trợ khi cần thiết. Khi đi tác nghiệp, trừ trường hợp cần giữ bí mật thì PV nên liên hệ với CA, chính quyền địa phương nơi tác nghiệp; Mang theo đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật để hành nghề; Chuẩn bị kỹ các phương tiện, máy móc tác nghiệp và cả các trang thiết bị bảo hộ tác nghiệp.

Quá trình tác nghiệp, PV cần năng động, linh hoạt, giữ liên lạc với tòa soạn thường xuyên. Sau tác nghiệp, khi thể hiện bài viết cần chau chuốt câu chữ vì nhiều khi, chỉ cần sai một ý, nhầm một từ là đối tượng vin vào đó khiếu nại, kiện cáo khiến bao công sức điều tra đổ sông đổ bể, thậm chí bị xử phạt.

Khi có dấu hiệu bị đe dọa, hành hung, người làm báo cần bình tĩnh xử trí đúng pháp luật, đồng thời báo cáo ngay với tòa soạn và cơ quan chức năng để được bảo vệ. Ngoài ra, PV trẻ cũng cần thường xuyên rèn luyện sức khỏe, kỹ năng tự vệ để tự bảo vệ mình, khi cần có thể vượt qua những hiểm nguy cấp bách…

Nói về các quy định pháp luật bảo vệ PV, nhà báo khi tác nghiệp, thạc sĩ, luật sư Phạm Quang Xá, Cty Luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Luật Báo chí đã quy định về quyền của nhà báo là được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… theo quy định tại Điều 25, Luật Báo chí. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để PV, nhà báo tác nghiệp, đưa tin, phản ánh kịp thời.

Cũng theo luật sư Phạm Quang Xá, Luật Báo chí nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, PV; Phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, PV hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Do đó, bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, PV khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản… Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-bao-lam-gi-de-tu-bao-ve-minh-khi-tac-nghiep-198262.html