Nhà báo Hà Tĩnh 'dấn thân' trên hành trình nhân ái

Phần lớn cơ quan báo chí ở Hà Tĩnh đều xác định hoạt động từ thiện là trách nhiệm xã hội của báo chí. Thế nhưng, hoạt động đó có đạt hiệu quả cao hay không, một phần rất lớn nằm ở trách nhiệm và sự dấn thân của mỗi nhà báo trong quá trình phản ánh cũng như kết nối, kêu gọi cộng đồng.

Nhà báo Biện Nhung dẫu đã đi xa trong muôn ngàn niềm thương nhớ nhưng những hoạt động thiện nguyện của chị vẫn còn ghi đậm dấu ấn và đang được các đồng nghiệp mở rộng. Quỹ Chia sẻ - quỹ từ thiện của các bạn trẻ trong và ngoài nước, từ sợi dây kết nối của Nhung, hiện đang đồng hành với 10 cháu mồ côi đã được thông tin, kêu gọi hỗ trợ trên Báo Hà Tĩnh với số tiền đều đặn 500 ngàn đồng/em/tháng.

Bà Trịnh Thị Mùi trao số tiền hỗ trợ tháng 4 cho 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Hà Tĩnh. Từ đây, các em sẽ được tiếp sức học tập với số tiền 1 triệu đồng/tháng

Một doanh nhân Việt Nam thành đạt ở CHLB Đức cũng từ mối duyên gặp gỡ Nhung trong một chuyến làm từ thiện ở Hà Tĩnh, vừa về nước tiếp tục kết nối với các cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh để thực hiện chương trình đỡ đầu 5 cháu bé mồ côi với số tiền 1 triệu đồng/tháng. Sợi dây kết nối những tấm lòng hảo tâm đang tiếp tục được nối dài từ tình yêu thương, chia sẻ chân thành và sự trăn trở của nhà báo Biện Nhung đối với những hoàn cảnh khó khăn.

Sự tiếp sức, đồng hành của Quỹ Chia sẻ, Báo Hà Tĩnh đã giúp Việt Hoàng thêm lạc quan và không ngừng cố gắng để giành được suất học bổng 2,2 tỷ đồng của Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Em Trần Việt Hoàng - học sinh nghèo khiếm thị đã vượt qua khó khăn với thành tích học tập nổi bật và vừa được nhận học bổng của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, chia sẻ: Mỗi lần đón nhận món quà cùng tình cảm ấm áp của Quỹ Chia sẻ qua các anh chị Báo Hà Tĩnh, em cảm thấy mình có thêm động lực để luôn lạc quan và không ngừng cố gắng”.

Lãnh đạo, phóng viên Phòng Chuyên đề Đài PT &TH tỉnh khảo sát hiện trang để kết nối làm nhà

Ở Đài PT&TH Hà Tĩnh, từ điểm tựa là nguồn quỹ huy động mỗi năm hàng tỷ đồng cho hoạt động từ thiện xã hội, các phóng viên, biên tập viên đã có điều kiện để đồng hành khá trọn vẹn với những nhân vật trong chương trình “Vòng tay nhân ái”. Dẫu vậy, để có thể kể được những câu chuyện làm rơi nước mắt người xem và kết nối, kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, mỗi cá nhân phóng viên, biên tập viên và tập thể phòng chuyên môn của nhà đài phải thực sự trăn trở và tâm huyết trong mỗi chương trình.

Và sau mỗi câu chuyện về những cảnh đời, các cán bộ, phóng viên của Đài PT &TH lại tiếp tục hành trình kết nối, trao tận tay những suất quà cùng tình cảm sẻ chia của bạn đọc, hỗ trợ nhà ở, sinh kế giúp những hoàn cảnh khó khăn mở cánh cửa cuộc sống mới.

Lãnh đạo Đài PT&TH Hà Tĩnh cùng các nhà hảo tâm trao tiền hỗ trợ gia đình bà Phan Thị Nguyên, xã Nam Hương (Thạch Hà) có 2 con bị nhiễm chất độc da cam

Không chỉ các cơ quan báo chí của địa phương mà các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn, với trách nhiệm xã hội của các tòa soạn và vai trò cá nhân của nhiều nhà báo đã kêu gọi nguồn hỗ trợ khá lớn của bạn đọc khắp cả nước cho những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt trong số đó là Báo Dân trí với số tiền khoảng 4 tỷ đồng bạn đọc gửi trực tiếp qua tờ báo đến với các hoàn cảnh khó khăn ở Hà Tĩnh trong 1 năm.

Phóng viên Văn Dũng - Báo Dân trí chia sẻ: “Sự minh bạch, trách nhiệm, tận tình với hoàn cảnh và các mạnh thường quân đã giúp Dân trí có được niềm tin rất lớn từ bạn đọc. Đó là nền tảng để tôi đến với mối duyên hoạt động nhân ái, sẻ chia với người bất hạnh. Với tất cả trái tim dành cho người nghèo, tôi thực sự hạnh phúc trước những mảnh đời bất hạnh được bạn đọc Dân trí và không ít những người quan tâm, theo dõi hành trình làm báo của tôi sẻ chia, giúp đỡ”.

PV Văn Dũng trao quà của bạn đọc Báo Dân trí cho hộ gia đình anh Trần Văn Hải - chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Mỳ Lộc (Can Lộc) có con nhỏ bị bệnh nặng không có tiền chữa trị

Theo quan điểm của những nhà báo “có duyên” với lĩnh vực hoạt động nhân ái thì muốn làm tốt vai trò cầu nối, trước hết phải có niềm thương thực sự để đầu tư cho tác phẩm, lột tả được những khó khăn, bất hạnh của mỗi hoàn cảnh. Câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn phải chạm đến cảm xúc của bạn đọc, từ đó mới khơi dậy những tấm lòng sẻ chia. Bên cạnh đó, nhà báo với các mối quan hệ xã hội của mình chính là những người rất giỏi “kêu” doanh nghiệp, bạn bè, cộng đồng chung tay giúp đỡ những cuộc đời bất hạnh mà mình gặp gỡ. Chính những giọt nước mắt của những người có hoàn cảnh éo le khi nhận sự sẻ chia của cộng đồng đã thôi thúc người làm báo thêm trách nhiệm để nối tiếp hành trình nhân ái.

Vũ Dũng

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/nha-bao-ha-tinh-dan-than-tren-hanh-trinh-nhan-ai/174546.htm