Nhà báo điều tra 'chợ Long Biên':Tôi chỉ là người làm nghề tử tế

'Ám ảnh nhất, day dứt nhất với tôi, chính là hình ảnh gương mặt của những tiểu thương ở chợ Long Biên...'

Nhà báo Thu Trang, Trưởng đại diện Báo Phụ nữ TP HCM tại Hà Nội

Nhà báo Thu Trang, Trưởng đại diện Báo Phụ nữ TP HCM tại Hà Nội

Trống rỗng khi nhận những tin nhắn dọa “giết cả gia đình”

Trở lại với đề tài điều tra hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên - là nguyên nhân khiến mới đây chị tiếp tục nhận những tin nhắn dọa giết, vì sao chị lại quyết định thực hiện đề tài này?

Cuối mùa đông năm 2017, tôi nhận được đơn kêu cứu của các tiểu thương chợ Long Biên. Tôi đã báo cáo đề tài và được phê duyệt phương án triển khai ngay sau khi nhận được đơn. Suốt khoảng thời gian đó, tôi một mình loay hoay tiếp cận đề tài để hiểu được bản chất sâu xa trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động của các nhóm bảo kê tại chợ Long Biên.

Khi thấy đề tài quá phức tạp, lớp lang bảo kê quá dày, quá lớn, quá sâu..., tôi quyết định đề nghị nhà báo Liên Liên của Đài Truyền hình Việt Nam cùng tham gia. Tôi khi ấy đã bỏ qua tính độc quyền - điều mà bất cứ nhà báo, tờ báo nào cũng buộc phải đặt lên vị trí hàng đầu vì tôi cho rằng nếu có đồng nghiệp cùng vào cuộc sẽ tạo sức mạnh đấu tranh, vạch trần thủ đoạn của các băng nhóm tội phạm hoạt động tại chợ Long Biên. Còn nếu chỉ có một mình tôi thực hiện đề tài này, sức lan tỏa không đủ và sẽ khiến các đối tượng ngày càng nguy hiểm hơn, tiểu thương vốn đã bị o ép đủ đường sẽ lại càng khốn đốn...

Và lúc ấy, tôi thấy mình may mắn khi tìm được những người đồng nghiệp đầy nhiệt huyết, yêu nghề, không quản ngại hiểm nguy, vất vả.

Tôi sẽ không thể quên khoảnh khắc mình cùng các đồng nghiệp trong ekip của VTV vì mệt quá mà ngủ quên trên xe, nhưng khi tỉnh dậy thì thấy cậu quay phim đã mang về khoe “tư liệu quý” vừa quay được về hành vi thu tiền bảo kêcủa các đối tượng ở chợ Long Biên.

Vậy khi nhận những tin nhắn đe dọa “giết cả gia đình”, chị suy nghĩ gì?

Khi quyết định làm loạt phóng sự về chợ Long Biên, tôi và nữ đồng nghiệp Liên Liên của VTV đều xác định chuẩn bị tâm lý cho những uy hiếp đe dọa của nhóm lợi ích này.

Cho đến khi chuyện đó xảy ra, với những tin nhắn “rùng rợn” dọa giết cả gia đình, không hiểu sao tôi chẳng cảm thấy sợ, cũng chẳng thấy hoang mang tột cùng như cách đây 2 năm nhận tin nhắn “đã mua quan tài cho cả nhà chưa?”.

2 năm trước khi nhận tin nhắn đe dọa, tôi lao về nhà để nhìn mẹ tôi, rồi tìm con gái đang đi học chỉ để được nhìn thấy con, tôi lao đến bên chồng, cả hai nhìn nhau rồi chẳng biết nói gì. Chân tôi khuỵu xuống, tim như ngừng đập. Tôi ước ngay lúc đó tôi có thể chết ngay được để giải thoát khỏi nỗi sợ phải chịu đựng cảnh người thân khổ vì mình.

Nhưng lần này, tôi cảm thấy một cảm giác trống rỗng.

Chúng tôi đã trải qua những phút giây căng thẳng đến tột độ. Nhưng chúng tôi biết rằng vẫn có rất nhiều người tử tế đang bên cạnh mình nên chúng tôi không còn sợ hãi nữa.

Nhưng rồi khi nhận được tin nhắn đe dọa một lần nữa, tôi lại nghĩ đến mẹ, nghĩ về con gái, nghĩ đến chồng và nhớ đến cậu con trai bé bỏng mới 16 tháng tuổi của tôi.

Hình ảnh bà con tiểu thương chợ Long Biên khiến tôi day dứt

Nhưng qua những gì chị từng chia sẻ, tôi cảm giác chị còn một nỗi day dứt lớn khác, không phải khi nghĩ đến mình, hay gia đình mình, mà đối với những tiểu thương ở chợ Long Biên?

Đúng. Ám ảnh nhất, day dứt nhất với tôi, chính là hình ảnh gương mặt của những tiểu thương ở chợ Long Biên.

Tôi nhớ, khi chúng tôi bắt đầu vào cuộc tác nghiệp, khi bài báo điều tra đầu tiên đăng tải, những tiểu thương này thể hiện đầy sự tin tưởng, họ tin kỷ cương sẽ sớm được lập lại, bà con sẽ buôn bán trong một môi trường lành mạnh chứ không phải oằn mình lên đóng những khoản tiền bảo kê nữa.

Nhưng rồi, mọi thứ cứ như muốn chìm dần. Những tay bảo kê cũ vẫn ngang nhiên hoạt động, tuy có kín đáo hơn nhưng lại gây áp lực hơn trước nhiều hơn…

Bọn chúng bắt đầu có dấu hiệu trả thù những tiểu thương mà chúng nghi ngờ đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Rồi những tiểu thương ấy sợ hãi, họ dần xa lánh và tỏ ra như không quen biết chúng tôi.

Đau lòng lắm, cay đắng lắm!

Họ đã giúp đỡ chúng tôi nhưng giờ họ lại vẫn không thể được yên ổn làm ăn.

Với góc độ một nhà báo, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ loạt bài đã đăng tải, dư luận xã hội rất quan tâm, ủng hộ… Tôi còn được khen thưởng và nếu may mắn còn có thể được giải phóng sự cho đề tài gai góc này nữa.

Nhưng lòng tôi vẫn nặng trĩu vì tôi thấy có khi loạt bài của tôi đã làm khổ thêm bà con chợ Long Biên. Tôi thật lòng muốn xin lỗi bà con đã vì chúng tôi mà lại tiếp tục chịu đựng sự đè nén, trả thù. Tôi muốn xin lỗi những số phận đã oằn mình chịu đè nén của hệ thống bảo kê, nay vì loạt phóng sự của tôi lại thêm lần nữa cay cực.

Vậy nếu cho chị cơ hội lựa chọn lại, chị có từ bỏ đề tài này?

Có quá nhiều sự thật cay đắng sau câu chuyện này. Nếu chúng tôi cân lên, đặt xuống và lựa chọn sự an toàn cho bản thân thì có lẽ chợ Long Biên sẽ mãi mãi hoạt động dưới sự điều hành của thế giới ngầm. Những sự thật đen tối không bao giờ được đưa ra ánh sáng.

Đã có những đề nghị về lợi ích để chúng tôi dừng bước, nhưng không phải ai cũng dễ dàng đánh mất mình trước sức ép của đồng tiền. Không phải ai cũng sẵn sàng vì tiền mà bắt tay với kẻ xấu, hãm hại những người lương thiện.

Tôi không phải là “anh hùng”, hay dũng sĩ chuyên đi tiêu diệt cái xấu, cái ác. Tôi chỉ là một công dân, một người đàn bà viết báo rất bình thường, luôn cố gắng làm nghề tử tế, cẩn trọng nhất có thể.

Tôi cũng từng đắn đo rất nhiều trước câu hỏi, nên hay không nên, có nguy hiểm hay không, tôi phải làm thế nào… Nhưng nếu cứ mải sống với những câu hỏi, giằng xé và đắn đo quẩn quanh như thế, liệu tôi còn có thời gian để làm gì? Nghĩ thế, tôi hay lựa chọn rất nhanh, có thể hơi liều lĩnh, không khôn ngoan cho lắm, nhưng nhất định không được hèn nhát.

“Tôi may mắn vì nghề chưa bỏ tôi”

Bỏ tâm huyết, công sức và đánh đổi cả sự an toàn của bản thân để thực hiện một tuyến bài điều tra, nhưng áp lực, đe dọa vẫn liên tiếp đến với chị. Sau sự việc vừa xảy ra, chị mong muốn gì?

Mục đích duy nhất của tôi, của tờ báo nơi tôi làm việc cũng như của các đồng nghiệp cùng tôi vào cuộc trong loạt bài điều tra về hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên chính là giúp cuộc sống làm ăn của bà con, tiểu thương chợ Long Biên được trả về môi trường sạch sẽ, minh bạch. Bà con chợ đêm Long Biên đã chịu quá nhiều nhọc nhằn, lam lũ cho mưu sinh lắm rồi, không thể để họ bị chèn ép, thu những đồng tiền được họ đánh đổi bằng mồ hôi, tâm sức suốt những đêm trắng của cuộc đời họ.

Khi biết tin cơ quan chức năng đã khởi tố bắt 3 đối tượng đầu tiên theo tội danh cưỡng đoạt tài sản, tôi không vui mừng, vì bắt ai đó đâu phải là niềm vui. Nhưng tôi thấy đỡ trống rỗng hơn, thấy hy vọng nhen nhóm cho bà con chợ Long Biên. Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể hy vọng và sẽ không còn cảm giác có lỗi, bất lực trước những ánh nhìn của bà con, mỗi khi họ nhìn mình như dấu hỏi của giai đoạn trước đây.

Là một phóng viên điều tra nhiệt huyết, dấn thân với nghề, nhưng cạnh đó, chị cũng là một người vợ, người mẹ. Chị có cảm thấy quá khó khăn và áp lực khi phải cân đối hài hòa giữa hai vai trò này cùng một lúc?

Khó khăn, áp lực thì rất nhiều, nhưng có lẽ nó cũng giống như những khó khăn, áp lực của các đồng nghiệp khác khi tác nghiệp trong những đề tài tương tự.

Với tôi, khó khăn nhất chính là phải xa cậu bé con mười mấy tháng tuổi vào ban đêm suốt cả tháng trời. Vốn dĩ tôi và con trai rất bện hơi nhau, nên đêm nào không có con ngủ bên cạnh là “vật” lắm.

Còn áp lực nhất, như tôi đã nói, chính là hình ảnh của những người cần sự giúp đỡ của mình. Như đề tài ở chợ Long Biên, khi thấy những người tiểu thương ở đó hoang mang, sợ hãi, chờ đợi, hy vọng, thất vọng, rồi cả trách móc…, tôi thấy áp lực vô cùng. Có lúc tôi nghĩ, phải chăng cố gắng của tôi và các đồng nghiệp đều vô nghĩa…

Xin cảm ơn chị!

Nhà báo Thu Trang từng giành nhiều giải thưởng ở thể loại phóng sự điều tra. Cũng chính những vinh quang ấy đã đem lại cho chị không ít áp lực, bởi sau mỗi loạt bài điều tra chị thực hiện, không ít tin nhắn với lời lẽ đe dọa được liên tiếp gửi đến chị.

Mới đây nhất, sau khi điều tra về hoạt động bảo kê ở chợ Long Biên, chị tiếp tục nhận được những tin nhắn đe dọa: “Mày dừng lại đi, đừng cố tình quay bọn tao nữa, cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày”; “Mày nên nhớ cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao”.

Hoài Thu (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nha-bao-dieu-tra-cho-long-bientoi-chi-la-nguoi-lam-nghe-tu-te-d281383.html