Nhà báo Diễm Quỳnh: Mất một năm để 'xây' Đại lộ di sản

Nhà báo Diễm Quỳnh, chỉ đạo sản xuất chương trình 'Đại lộ di sản', đã chia sẻ với phóng viên xung quanh việc chương trình được tổ chức trùng với ngày khai mạc Đại lễ Phật Đản (Vesak) 2019 tại chùa Tam Chúc.

 Nhà báo Diễm Quỳnh.

Nhà báo Diễm Quỳnh.

Quá trình từ lên ý tưởng cho tới thực hiện chương trình "Đại lộ di sản" có mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn không, thưa chị?

- Cả ekip mất tầm 1 năm từ lúc lên ý tưởng cho tới kế hoạch và thực hiện. Phải nói là quá khó khăn, bởi làm một chương trình về di sản nghệ thuật sẽ đứng trước rất nhiều thách thức. Một di sản nghệ thuật thường được biểu diễn ở những mô hình sân khấu, không gian khác biệt.

Để thực hiện chương trình, chúng tôi cũng cần một mô hình sân khấu đủ linh hoạt, để thể hiện hết được không gian nghệ thuật chuyên nghiệp và rộng mở. Cùng với đó là việc lựa chọn các tiết mục, việc chọn một vùng văn hóa Châu Á với gốc đạo Phật đã giảm bớt những xung đột, nhưng nếu không lựa chọn khéo thì sẽ có sự trùng lặp.

Ngay từ đầu, chương trình đã lên kế hoạch sẽ làm ở chùa Tam Chúc trùng đúng dịp Đại lễ Phật Đản Vesak 2019?

- Từ tháng 1.2019, chương trình đã xác định sẽ làm ở Tam Chúc, cho đến bây giờ đã là 5 tháng và vẫn liên tục có những cuộc thảo luận. Vì không gian rộng sẽ cho nhiều đất, nhưng cũng tạo cho mình nhiều thứ không được chủ động. Đã có những lúc, chúng tôi nghĩ sẽ không kịp chạy chương trình đúng thời điểm. Để lên sóng đúng dịp Đại lễ Phật Đản Vesak là một may mắn.

Bản thân tôi là người làm các chương trình lớn ví dụ như giao thừa thì thấy, để thu hút được sự chú ý, chương trình sẽ cần tới những thời điểm nhất định. Đối với "Đại lộ di sản" cũng có những may mắn bởi sự chuẩn bị rầm rộ của Đại lễ Phật Đản Vesak, mấy nghìn đại biểu tới tham dự tại Tam Chúc. Đó là cơ hội cho chúng tôi để thực hiện một chương trình đã nuôi nấng cả một năm.

Với việc tổ chức trùng ngày Đại lễ Phật Đản Vesak có mang ý nghĩa "Đại lộ di sản", đây sẽ là một trong những chương trình để phục vụ Vesak?

- Cũng khá nhiều câu hỏi tại sao chương trình lại tổ chức vào dịp "nhạy cảm" như thế này. Tôi dùng đúng từ nhạy cảm vì rất nhiều sự chú ý đang đổ dồn về Đại lễ Vesak. Tôi cũng phải nói luôn là "Đại lộ di sản" là một ý tưởng nghệ thuật đã có từ rất sớm và để ra được chương trình rất gian nan. Năm nay, khi chúng tôi quyết định làm chương trình vào tháng 5, đó là một chương trình khai mạc cho một dự án của VTV còn việc lựa chọn Tam Chúc làm địa điểm cũng có nhiều yếu tố.

Đại lễ Vesak là một hoạt động quốc tế nên nhìn một cách cởi mở, đây là một cơ hội rất lớn cho "Đại lộ di sản", vì nếu tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long vào một thời điểm vắng vẻ thì rất khó để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Bởi vậy, các bạn có thể coi đây là cơ hội để giới thiệu di sản Việt Nam tới với bạn bè thế giới. Về việc "Đại lộ di sản" có nằm trong lịch trình cứng của Đại lễ Vesak hay không, tôi xin trả lời rằng chúng tôi đã được sự chấp nhận của Ban tổ chức. Nên nhìn rộng ra, "Đại lộ di sản" là một chương trình giao lưu nghệ thuật quốc tế và nằm trong một hoạt động quốc tế tại Việt Nam thì sẽ tốt hơn.

Vậy điểm nhấn lớn nhất trong 95 phút chương trình là gì?

- Có thể là hình ảnh và âm thanh. Nhưng đó là một thách thức bởi nhạc Ấn Độ và SriLanka lại giống nhau, Thái Lan và Indonesia cũng vậy nên sẽ phải tách ra và làm thật khác. Tôi không áp lực về chương trình có hấp dẫn không, chỉ sợ thời gian có đủ và có thể làm được thật tốt hay không.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

L.C

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/nha-bao-diem-quynh-mat-mot-nam-de-xay-dai-lo-di-san-732168.ldo