Nhà báo dấn thân và ý tưởng đổi lá cờ từ A Pa Chải đến đảo Tiên Nữ

Giải Báo chí Quốc gia năm nay, nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân đoạt giải B thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (không có A) với loạt bài 'Kiểm soát quyền lực, chống 'chạy chức, chạy quyền'- vấn đề cấp bách hiện nay'. Thượng tá Nguyễn Văn Minh tiếp tục được xướng tên.

Nhà Báo Nguyễn Văn Minh trong chuyến công tác trở lại điểm nóng Huổi Khon, Mường Nhé, Điện Biên.

Nhà Báo Nguyễn Văn Minh trong chuyến công tác trở lại điểm nóng Huổi Khon, Mường Nhé, Điện Biên.

Tôi có cơ duyên được về “đầu quân” cho Báo Quân đội nhân dân cùng thời điểm với nhà báo Nguyễn Văn Minh năm 2007. Khi ấy Đại úy Nguyễn Văn Minh được Bộ Quốc phòng điều chuyển công tác từ Học viện Chính trị - Quân sự về. Nhiều bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân biết đến nhà báo Nguyễn Văn Minh là một cây bút chính luận sắc sảo, một người chiến sĩ cầm bút dám “vào sinh ra tử” cùng một loại đề tài rất khó – chống diễn biến hòa bình. Nhưng với tôi, đằng sau những lập luận gai góc, những câu chữ bén ngọt chống lại các thế lực thù địch trên không gian mạng thì nhà báo Nguyễn Văn Minh lại là một con người đầy nhân văn, trách nhiệm với mỗi số phận con người, mỗi oan trái mà anh gặp trên hành trình làm báo.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh cùng già làng thượng Cờ Tổ quốc tại cực Tây Sín Thầu.

Tháng 7-2013, tôi đi công tác cùng nhà báo Nguyễn Văn Minh lần đầu tiên vào Đông Hà, Quảng Trị để tìm hiểu về “kỳ án gỗ trắc”, vụ án từ năm 2011 mà đến ngày 31-5-2019 vừa qua, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao mới khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Một vụ án không chỉ làm thất thoát số tiền hàng trăm tỷ đồng mà còn khiến một doanh nghiệp phá sản, một gia đình lụi bại, người đi tù oan, người treo cổ tự vẫn... Tôi và nhà báo Nguyễn Văn Minh đã đi gặp các cơ quan chức năng ở Quảng Trị, Đà Nẵng, gặp người thân trong gia đình có người vướng vòng lao lý. Thậm chí anh Minh còn đề nghị tôi cùng đến thắp nén hương cho chàng trai trẻ đã tự tử vì không chịu nổi áp lực điều tra... Những ngày hè miền Trung nắng như như đổ lửa, nhà báo Nguyễn Văn Minh lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để tim hiểu về tình tiết vụ án, anh viết hàng chục bài để “kêu oan” cho gia đình nạn nhân. Những tưởng câu chuyện sẽ sớm được làm sáng tỏ nhưng phải tới tận 6 năm sau mới có một quyết định của Viện KSNND Tối cao. Hơn 2.000 ngày sau đó không chỉ dài đằng đẵng với gia đình người vướng lao lý mà còn đầy trăn dở, day dứt với tôi và nhà báo Nguyễn Văn Minh.

Mùa hè năm 2014, tôi và nhà báo Nguyễn Văn Minh lại có duyên đồng hành ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Trước chuyến đi đó, tôi và anh đi công tác tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Anh nói với tôi, bọn mình hãy xin lá Quốc kỳ từ Đồn Biên phòng A Pa Chải (nơi mặt trời lặn sau cùng) để mang ra đổi với lá Quốc kỳ ở đảo Tiên Nữ (nơi đón ánh nắng đầu tiên của Việt Nam). Tôi thật sự bất ngờ về ý tưởng của anh, ngay sau đó các đồng chí cán bộ chiến sĩ biên phòng đã rất đồng tình ủng hộ.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh nhận lá Quốc kỳ từ đảo Trường Sa do Chính trị viên Lương Xuân Giáp trao tặng.

Từ bên Lai Châu, Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng huyện Mường Tè cũng gửi tôi và anh Minh lá Quốc kỳ nhờ mang ra Trường Sa. Trên lá Quốc kỳ có viết:“ Các đồng chí thân mến!Chúng tôi và các đồng chí được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dù vất vả, khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập nhưng với bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chúng ta luôn chắc tay súng, yêu đời, khắc phục khó khăn, sát cánh bên nhau bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Cuộc hành trình đổi Quốc kỳ của chúng tôi đã được VTV1 làm thành phóng sự đầy ý nghĩa.

Cũng trong chuyến đi Trường Sa năm ấy, chúng tôi gặp anh Phan Đức Phượng, người thợ lặn có 8 năm công tác tại Hải đoàn 129 làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa nhưng vẫn chỉ là lao động hợp đồng. Anh Phượng có hoàn cảnh rất khó khăn, vợ và 3 con trai anh sống ở thị xã Bà Rịa, trong đó một người con út bị dị tật hội chứng down. Chứng kiến hoàn cảnh đó, sau chuyến đi về, nhà báo Nguyễn Văn Minh đã liên tục viết nhiều bài báo nói về hoàn cảnh cùng như tâm nguyện của anh Phan Đức Phượng là trở thành công nhân viên chức quốc phòng. Không chỉ vậy, anh Minh còn chủ động liên lạc với thủ trưởng Quân chủng Hải quân, thủ trưởng Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) để trình bày, để xuất giúp đỡ anh Phan Đức Phượng. Sau gần 1 năm trời không mệt mỏi lên tiếng, đầu năm 2015 anh Phượng đã được tuyển dụng chính thức vào biên chế hải quân. Chưa dừng lại ở đó, Tết năm ấy, nhà báo Nguyễn Văn Minh còn vào TP Hồ Chí Minh rồi trực tiếp cùng các đồng nghiệp xuống Bà Rịa thăm, tặng quà gia đình anh Phượng.

Thu Hạ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nha-bao-dan-than-va-y-tuong-doi-la-co-tu-a-pa-chai-den-dao-tien-nu-post303412.info