Nhà báo có quyền tác nghiệp tại phiên tòa công khai

Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Trong phiên xét xử sơ thẩm 10 nguyên cán bộ Navibank, các bị cáo đòi phóng viên xuất trình văn bản của chủ tọa đồng ý cho phép tác nghiệp tại tòa.

Bên cạnh đó, luật sư đề xuất cấm báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo được BLDS và BLTTDS 2015 quy định.

Chủ tọa Vũ Thanh Lâm (Phó chánh tòa hình sự TAND TP Hồ Chí Minh) trả lời với các luật sư, đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, báo chí được tác nghiệp theo đúng luật báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên tòa.

Nhà báo có quyền tác nghiệp tại phiên tòa công khai - Hình minh họa

Nhà báo có quyền tác nghiệp tại phiên tòa công khai - Hình minh họa

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Pháp luật TP HCM, hai LS Nguyễn Hữu Thế Trạch và Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP.HCM) đều dẫn điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ 1/1/2017) quy định, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa hình sự, việc tác nghiệp của nhà báo còn phải tuân thủ quy định của BLTTHS 2015 về nội quy phiên tòa và Thông tư 02/2017 của chánh án TAND Tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa. Điều 256 BLTTHS 2015 và Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa đều quy định mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

“Như vậy, theo các quy định trên thì nhà báo có quyền tác nghiệp, tức hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa hình sự xét xử công khai và phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Do đó, việc có LS đề nghị chủ tọa không cho báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo là không phù hợp với các quy định hiện hành” - LS Trạch nói.

Nhận định về vấn đề này trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Tuệ - phó chánh án TAND tối cao - cho rằng tại phiên tòa, báo chí tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Điều này được quy định trong các quy định của pháp luật và tòa án.

Theo ông Tuệ, nếu phóng viên đáp ứng đủ điều kiện để theo dõi phiên tòa thì được tác nghiệp bình thường, nghĩa là có thể chụp hình, ghi âm, ghi hình, đưa tin.

Còn theo ông Đỗ Đức Vĩnh - kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, trong phiên tòa xét xử công khai, mọi công dân đều có thể tham dự. Sự có mặt của báo chí là để tường thuật diễn biến phiên tòa nhưng cũng có phần thực hiện chức năng giám sát.

Cho nên các bị cáo trong phiên tòa có đề nghị báo chí không chụp hình nếu chưa có sự đồng ý của họ là chưa hiểu đúng về quyền nhân thân được quy định tại Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Bởi bản thân bị cáo khi bị khởi tố, truy tố và xét xử đã bị hạn chế một số quyền chứ không còn đầy đủ như những công dân khác.

Trước đó, cũng trao đổi trên báo chí, một nguyên lãnh đạo TAND TPHCM cho biết: theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và thông tư 02/2017 của Chánh án TAND Tối cao ban hành quy chế tổ chức phiên tòa, nêu “mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”, như vậy, khi được chủ tọa cho phép thì các nhà báo, phóng viên có quyền tác nghiệp.

Cự Giải (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/nha-bao-co-quyen-tac-nghiep-tai-phien-toa-cong-khai-a221435.html