Nhà báo chứng khoán đánh chứng khoán

Nhà báo kinh tế, nhất là nhà báo chuyên mảng chứng khoán – vốn được nhìn nhận là người biết nhiều thông tin, tưởng rằng đó là lợi thế khi đầu tư chứng khoán nhưng thực tế lại 'không hẳn thế'.

1.Tôi có anh bạn làm ở một tờ báo kinh tế. Lĩnh vực chính của anh theo dõi và làm việc chuyên môn là “dán mắt” vào bảng điện tử. Hết phiên giao dịch sáng làm bản tin sáng, kết thúc công việc lúc 12g30.

Hết phiên giao dịch chiều làm bản tin chiều và kết thúc chuyên môn ngày lúc 17g30. Những lúc tranh thủ xả hơi cũng chỉ nghỉ tại chỗ, lôi sách ra đọc. Việc này cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng tháng, hàng năm như robot.

Ở góc độ chuyên môn báo anh là người yêu nghề, còn ở góc độ nhà đầu tư là người chuyên nghiệp. Nhuận bút đủ cho chi tiêu hàng ngày, còn kiếm sống chủ yếu từ chứng khoán. Tư duy mua bán chứng khoán như quỹ đầu tư, nhưng tiền của cá nhân nên tính linh hoạt rất cao. Thậm chí, nhiều người còn ủy thác cả tiền tỷ cho anh ta đánh chứng khoán. Xét về mặt đầu tư, đó là gương mặt nhà báo thành công và chuyên nghiệp nhất trong nghề đánh chứng khoán mà tôi biết.

Chứng khoán một thời huy hoàng "mua là thắng". Ảnh: VIỆT DŨNG

Chứng khoán một thời huy hoàng "mua là thắng". Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhà báo đánh chứng khoán cũng muôn hình muôn vẻ. Nhớ cái thời nhà nhà, người người mua chứng khoán cách đây 13 năm, nhiều nhà báo kinh tế có quan hệ tốt hay được doanh nghiệp, ngân hàng bán cho cổ phiếu giá ưu đãi thường bằng mệnh giá 10.000 đồng, thấp hơn với giá đang giao dịch trên thị trường, chỉ cần được mua, chuyển nhượng ngay là có một khoản.

Thời kỳ “điên cuồng” của TTCK Việt Nam, khi có mua là có lãi đã khiến nhiều người như lên đồng, chỉ mong mua được cổ phiếu để… “kiếm tý”. Dù có thể biết giá cổ phiếu đang bị đẩy lên quá giá trị thực, nhưng ai cũng nghĩ mình không phải người cầm hòn than cuối cùng.

Tôi có anh bạn làm ở một tờ báo điện tử, được một doanh nghiệp trên sàn bán ưu đãi cho một lô cổ phiếu. Khi thị trường “điên loạn”, được giá, anh bán tất cả cổ phiếu, gom được hơn 2 tỷ đồng và hiện thực hóa đám giấy đó bằng căn nhà dưới Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Hôm trước, nói chuyện chứng khoán, anh ta cười khà khà và bảo may hồi đó chưa có nhà nên không tham, chứ chờ thêm giá lên để kiếm thêm tiền chắc giờ không có nhà ở. “Đến giờ này không biết cái doanh nghiệp đó đang niêm yết, giao dịch ở đâu nữa” - cậu ta nói giọng đầy vẻ của một người thức thời.

2. Tuy nhiên, không phải nhà báo kinh tế, chứng khoán nào cũng kiếm được kết quả màu hồng khi đầu tư chứng khoán. Số “phơi xác” trên mặt trận này nhiều, thậm chí hơn nhiều so với những tên tuổi thành công được nhắc đến. Một đồng nghiệp làm mảng kinh tế ở tờ báo phía Nam cho biết, năm 2006, khi phong trào mua bán cổ phiếu với khẩu hiệu “mua được là thắng” lên cao, anh bỏ ra 150 triệu đồng mua quyền mua cổ phiếu của cán bộ nhân viên Tập đoàn Bảo Việt để sau này được mua 1.000 cổ phần bán ưu đãi (bán cho cán bộ nhân viên bằng 60% giá đấu) khi Bảo Việt IPO.

Trong bối cảnh TTCK khi đó, một “ngôi sao” như Bảo Việt chuẩn bị cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình tập đoàn trở thành tâm điểm để các nhà đầu tư săn lùng với kỳ vọng sau khi IPO, lên niêm yết, giá sẽ tăng cao.

Trong đợt IPO đầu tiên của Bảo Việt, giá đấu thành công 71.918 đồng/cổ phần, như vậy anh lại phải bỏ tiếp hơn 43.000 đồng/cổ phần, tương ứng với 43 triệu đồng nữa. Tổng số tiền bỏ ra hơn 190 triệu đồng để sở hữu 1.000 cổ phần Bảo Việt, tương đương với 190.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, khi những cơn sốt chứng khoán đi qua, nhường chỗ cho những u ám của kinh tế toàn cầu do cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008), ngày 25-6-2009, Bảo Việt chính thức lên niêm yết với mức giá tham chiếu 38.500 đồng/cổ phiếu. Vài năm sau đó, cổ phiếu Bảo Việt chỉ dao động ở mức 40.000-70.000 đồng/cổ phiếu, và từ đó đến nay, chưa bao giờ đạt được mức kỳ vọng như khi đầu tư.

Tôi cũng có vài người bạn làm mảng kinh tế, tài chính khác, thậm chí cả “sếp” báo cũng từng bị kẹt với những khoản mua ưu đãi hay đầu tư OTC nhưng giữ hàng do kỳ vọng lên cao và khi xuống thấp đã không cắt lỗ, giá càng xuống sâu, lại càng không muốn bán khiến lỗ càng chồng lỗ.

Có những khoản đầu tư mua ưu đãi hơn 1 chấm (tức 10.000 đồng/cổ phiếu), nhưng sau đó giá còn tụt xuống dưới 1 chấm, tức chỉ còn vài nghìn đồng/cổ phiếu do mã nắm giữ rơi vào kiểm soát đặc biệt. Thế là tự nhiên trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.

Lại nhớ đến một chuyên gia kinh tế của một viện nghiên cứu khá nổi tiếng, khi được công ty chứng khoán mời đến nói chuyện với các nhà đầu tư về kinh tế vĩ mô, sau một hồi “chém” rất hăng, ông nói nửa đùa, nửa thật: “Các nhà đầu tư đừng nghe tôi nhiều vì tôi đầu tư đâu là lỗ đấy”. Câu nói khiến cả hội trường không ai nhịn được cười về chia sẻ “rất vui và thật” đó.

Chuyện nhà báo đầu tư chứng khoán rất nhiều và cũng có nhiều giai thoại vui, cười chảy nước mắt. Chuyện lỗ - lãi của từng người cũng khó có thể tường tận, nhưng trong số rất nhiều người tôi biết, người đầu tư không hiệu quả nhiều hơn và chuyện bất đắc dĩ trở thành nhà đầu tư dài hạn khá phổ biến.

Một nhà báo có thâm niên chơi cổ phiếu 15 năm chia sẻ vui: “Mấy ông nhà báo chỉ chém gió là giỏi thôi, đi khuyên người khác thì tài mà túi tiền của mình khi vác đi đầu tư lại toàn hao hụt. Nguyên nhân? Cái thiếu là sự chuyên nghiệp. Nếu đã như vậy thì nên xác định mã tốt và đầu tư dài hạn và… quên bảng điện tử đi”.

Minh Đức

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/nha-bao-chung-khoan-danh-chung-khoan-69360.html