Nhà báo Bùi Thị Lan Anh- Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam: Khi gặp một đề tài hay, tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài

“Nhiều niềm vui, niềm yêu thích của tôi đều do nghề báo mang lại. Tôi vẫn nhớ chuyến công tác đầu tiên trong cuộc đời làm báo. Tôi đi Cao Bằng. Đến đây, tôi cũng chọn đến một huyện xa nhất. Đường đi lại khó khăn nhưng khi đặt chân đến, gặp gỡ người dân, ngắm nhìn khung cảnh xung quanh tôi thấy mình thay đổi hẳn suy nghĩ. Tôi lao vào làm việc hết mình, sống tích cực và biết quan tâm đến những người có mảnh đời khó khăn. Tôi thấy mình may mắn và tôi trân trọng cuộc sống của tôi đang có”. Nhà báo Bùi Thị Lan Anh, Hệ phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN đã chia sẻ như vậy về nghề nghiệp chị đang đeo đuổi.

Làm nghề lãi nhất là được đi

+ Đi nhiều, làm nhiều, dành nhiều thời gian cho công việc, với đủ các thể loại của mảng văn hóa, du lịch và dân tộc vùng miền… là góc mà mọi người nhận diện chị rõ nhất. Tôi có cảm giác chị lúc nào cũng sẵn sàng lên đường?

– Lãnh đạo, công việc yêu cầu là tôi sẵn sàng lên đường thôi, không quản ngại xa hay gần, vất vả hay gian khó. Với tôi, càng đến những nơi ít người đến được, tôi càng thấy thú vị bởi ở đó mới cho mình nhiều đề tài hay, đặc biệt là được đến một vùng đất mới, con người mới.

Được làm một nghề, chúng tôi vẫn thường hay trêu đùa nhau là lãi nhất là được đi. Đi đến những nơi mà ít người muốn đến. Mỗi lần đi là một lần bản thân được trải nghiệm, được biết thêm về văn hóa vùng miền, hiểu thêm về cuộc sống của người dân ở nơi đó. Với tôi đó là tài sản cực kỳ lớn lao và ý nghĩa. Điều đó không chỉ phục vụ tốt cho công việc tôi đang làm mà nó còn giúp tôi thỏa niềm đam mê muốn được tìm tòi, khám phá và nghiên cứu.

Nhà báo Bùi Lan Anh

Cố gắng truyền tải những thông tin có ích nhất

+ Thông tin được chọn phát trên Hệ phát thanh Đối ngoại chắc hẳn có những “tiêu chí” riêng?

– Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia là một kênh thông tin đối ngoại của Việt Nam. Chúng tôi là cầu nối chuyển tải một Việt Nam ra thế giới. Chính vì vậy, dù viết ở lĩnh vực nào thì chúng tôi luôn phải đứng ở tư thế mình là người Việt. Mình tự hào về những điều mình đang giới thiệu tới công chúng biết về Việt Nam. Vì vậy, dù là giới thiệu về một góc nào đó của Việt Nam, chúng tôi cũng đưa thông tin một cách chân thực và chính xác nhất tới thính giả.

Đối tượng chúng tôi hướng tới là người Việt sống ở nước ngoài và người nước ngoài. Chính vì vậy, thông tin đưa ra phải hết sức cụ thể, logic, có tính chuyên đề, hệ thống. Mỗi một vấn đề khi đưa ra, chúng tôi cũng phải chọn một góc tiếp cận phù hợp với đối tượng nghe Đài. Điều quan trọng là chúng tôi phải hiểu về đối tượng mà mình đang hướng tới, mình phục vụ họ, cung cấp cho họ những thông tin họ cần, chứ không phải đưa những thông tin mình có. Với thính giả là người nước ngoài thì những thông tin về văn hóa, du lịch, đời sống của người Việt rất được quan tâm. Giờ Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, môi trường đầu tư thuận lợi đối với nước ngoài, chính vì vậy chúng tôi cố gắng truyền tải những thông tin có ích nhất đến cho họ.

Làm báo là chấp nhận sự đổi mới liên tục và sáng tạo

+ Chị có mất thời gian nghĩ ra những chuyên mục mới, những góc nhìn lạ để tạo nhiều ấn tượng hơn với bạn nghe đài, làm mới cách làm báo của bản thân cũng như cách tiếp nhận thông tin của thính giả?

– Chuyên mục bên tôi thường duy trì trong một thời gian dài. Chúng tôi thường là người chủ động để làm mới nội dung của bài viết. Có thể vấn đề đưa ra vẫn vậy, nhưng cách tiếp cận, cách sử dụng âm nhạc hay ngôn từ thay đổi đi cũng là cách làm mới. Và điều đó, chúng tôi phải chủ động để làm.

+ Với một bài báo phát thanh, cách chọn tin bài, cách sản xuất tin bài hẳn có những đặc trưng riêng?

– Là nhà báo phát thanh nên tôi chú trọng tới âm thanh. Một vấn đề, một câu chuyện vừa được hình thành trong đầu thì ngay lập tức tôi phải nghĩ tới tìm những âm thanh, tiếng động sao cho phù hợp với nội dung đó. Tôi thu âm thanh của cuộc sống một cách tự nhiên nhưng tuy nhiên nhiều lúc muốn bài viết được hay thì chúng tôi cũng phải sắp đặt, dàn dựng như thật. Với những nhà báo phát thanh thì âm thanh của tiếng còi xe, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng cười nói, thậm chí cả tiếng bước chân đi cũng đem lại nhiều thú vị.

+ Chuyên mục của chị có những đặc thù riêng, chị có phải học cách đưa tin bài của các hãng thông tấn nước ngoài để có những cách tiếp nhận tương thích không hay vẫn cần theo một “gu” chung của đài?

– Làm báo là chấp nhận sự đổi mới liên tục và sáng tạo. Chúng tôi may mắn được làm việc trong một cơ quan báo chí lớn nên thường xuyên được đào tạo, tập huấn chuyên môn. Những lớp học của các nhà báo nước ngoài, các hãng thông tấn lớn, các chuyên gia quốc tế, là dịp để chúng tôi được tích lũy thêm kiến thức làm nghề. Mỗi lần học như thế, chúng tôi lại được thử nghiệm và rất phấn chấn với những cách làm mới.

Phát thanh càng ngày càng hiện đại vì vậy buộc những người làm báo như chúng tôi phải chủ động vận động, thay đổi tư duy, trau dồi chuyên môn, bồi đắp ngôn ngữ, nền tảng kiến thức… có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của công việc mỗi ngày một cao.

Nhà báo Bùi Lan Anh trong một lần tác nghiệp.

+ Sau rất nhiều năm “chung thân” với Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, chị có thấy “nhàm” và muốn làm mới mình không? Hay theo kiểu làm quá lâu nó ngấm sâu trong mình, không muốn rời xa hay thay đổi?

– Chị nói chung thân cũng đúng quá. Tôi gắn bó với nơi này như một cái duyên. Từ ngày ra trường về làm ở Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, tôi học được rất nhiều kiến thức. Nghề báo là nghề học mãi, học nữa, học không bao giờ là đủ. Tôi thấy nhiều người cũng nhảy việc, nhưng tôi lại có một quan niệm khác. Không phải tôi sợ thay đổi môi trường, thay đổi cách làm. Tôi nghĩ mình cũng là người thích ứng với công việc rất là nhanh nhưng cái tôi muốn gắn bó với nơi này chính là môi trường làm việc chuyên nghiệp. Ở đây tôi được làm nghề một cách sáng tạo và chủ động. Tôi cũng chưa bao giờ thấy công việc của mình là nhàm chán. Nhàm chán hay không là do suy nghĩ của từng người. Công việc quanh năm ngày tháng là viết và viết. Không viết thấy mình như ì ạch. Tuy nhiên để tránh nhàm chán thì mình phải tự tìm tòi những điều thú vị trong mỗi đề tài, mỗi lần đặt bút. Tôi thấy thích công việc này vì với tôi mỗi ngày là một điều mới, không bao giờ lặp lại. Đến giờ, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình cần phải thay đổi chỗ làm.

Tôi nghĩ, mình là người được liệt kê vào danh sách nghiện công việc. Đi đâu làm gì nhìn thấy bất cứ cái gì hay đang diễn ra là tôi lại nghĩ đến việc triển khai nó như thế nào. Đầu lúc nào cũng nghĩ. Nhiều lúc tôi chỉ ước thi thoảng mình quên công việc đi một chút.

Tôi hay bị tình cảm chi phối vào công việc. Nghĩa là khi gặp một đề tài hay, tôi đến gặp nhân vật để phỏng vấn, nhiều lúc tôi đã bị nhân vật đó ám ảnh suốt một thời gian dài. Nhất là với những số phận không may mắn, tôi hay nghĩ về họ. Nhưng bù lại chính họ lại là động lực cho tôi sống tốt hơn. Mỗi lần tôi gặp khó khăn, nhớ và nghĩ tới họ tôi lại xốc lại tinh thần.

+ Nếu muốn nghe một câu đồng nghiệp, lãnh đạo hay bạn đọc nhận xét gì về mình, chị muốn nghe một câu như thế nào?

– Mỗi lần được nghe đồng nghiệp khen bài viết của mình, tôi cảm thấy họ trân trọng tôi. Mọi người trong cơ quan cư xử rất tốt với tôi. Chính điều đó khiến tôi không thể cẩu thả với nghề được. Càng trân trọng và cố gắng hơn nữa. Tôi là người cầu thị nên tôi muốn nghe từ mọi người những góp ý chân thành trong chuyên môn cũng như cách sống. Điều đó giúp tôi tiến bộ rất nhiều.

Hằng Nga (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/khi-gap-mot-de-tai-hay-toi-bi-am-anh-suot-mot-thoi-gian-dai/