'Nguyện vọng của người dân là các đại biểu Quốc hội sát dân, gần dân hơn nữa'

Chúng tôi tìm về phường Yên Thọ (TX Đông Triều) tìm gặp bà Đặng Thị Càng , nguyên là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa III, nhiệm kỳ 1964-1971. Nay bà Càng đã 82 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, từ vóc dáng bà đã toát lên sự khỏe mạnh khiến chúng tôi dễ dàng liên tưởng tới hình ảnh một kiện tướng làm thủy lợi và bèo hoa dâu của Đông Triều những năm 60 của thế kỷ trước.

(ảnh)

Bà Đặng Thị Càng, nguyên ĐBQH khóa III, nhiệm kỳ 1964-1971.

Bà Đặng Thị Càng, nguyên ĐBQH khóa III, nhiệm kỳ 1964-1971.

Nhớ lại một thời thanh niên sôi nổi, bà bảo: Khi được bầu là ĐBQH, tôi là đội trưởng thủy lợi và phân bón - làm bèo hoa dâu của xã, huyện. Lúc ấy tôi 25 tuổi và cũng chưa phải là đảng viên, đến năm 1966 mới được kết nạp Đảng. Sở dĩ được phong là “kiện tướng thủy lợi” của huyện (cười) vì tham gia đắp đê ở Yên Đức, một mình tôi “bốc máng bảy mai”, tức là 7 thanh niên dùng mai xắn đất thì một mình tôi có thể vác cả tảng đất lớn đó đưa lên cầu cho người ta đưa đi.

Khi ấy thanh niên có sức khỏe lại rất nhiệt tình, ai cũng vậy cứ nghe tiếng trống gọi đi đắp đê cái là trên giường rơi xuống đất, mờ sáng đã đi rồi, chưa ăn cơm cũng đi. Cơm nấu từ tối hôm trước, ai kịp mang cơm theo lại gọi nhau tới ăn, ăn của nhau tự nhiên chứ không câu nệ gì cả.

Có anh Nhương ăn xong còn hát tếu rằng: Trùng trùng ăn nhanh như chớp/ Lớp lớp một mo hết rồi/ Chúng ta đi xem sao/ Nếu còn thì làm hòn nữa/ Hết rồi thì thôi… làm trò vui cho mọi người cùng cười. Chúng tôi hồi ấy làm ngày không đủ còn tranh thủ làm đêm, 3h sáng mấy chị em đã xuống đầm vớt rong, gánh bùn về cải tạo đồng ruộng…

- Là ĐBQH trẻ nhất trong đoàn của Quảng Ninh, ký ức về các kỳ họp Quốc hội giai đoạn 1964-1971 hẳn là bà còn nhớ rõ?

+ Khi ấy, đất nước vẫn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đẩy mạnh đấu tranh giải phóng nên giặc Mỹ vẫn mang máy bay ra bắn phá miền Bắc. Vì vậy, lúc bấy giờ tôi nhớ là chỉ có kỳ họp đầu tiên, kỳ họp thứ 2 là họp ở hội trường Ba Đình vào ban ngày thôi. Còn lại họp Quốc hội chủ yếu là từ 3h đến 8h sáng là các đại biểu lại về nhà khách, nhà nghỉ để nghiên cứu tài liệu, báo cáo của Chính phủ, có máy bay giặc đến thì xuống hầm trú ẩn, chứ hiếm khi họp ban ngày. ĐBQH chủ yếu tham gia thảo luận ở tổ là chính. Chúng tôi đăng ký phát biểu nhưng hiếm khi được phát biểu, có ý kiến thì có văn bản gửi về tổ thư ký để soạn thảo thôi, vì thời gian không có.

Sau các kỳ họp ĐBQH về, tôi lại đi báo cáo trước cử tri, HĐND huyện, HĐND tỉnh. Những năm chiến tranh ấy thì tỉnh không họp được ở Hòn Gai mà họp ở hang đá nơi sơ tán tại Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long – PV), cũng họp vào buổi đêm ở đấy…

Kỳ họp Quốc hội vào ngày 13/9/1969 do Bác Hồ mất nên hoãn họp. Tới kỳ họp sau vào cuối tháng 9, các đại biểu chúng tôi đều đeo khăn tang làm lễ truy điệu, mặc niệm Bác.

Bác Hồ chụp ảnh với các thanh niên là ĐBQH khóa III. Bà Đặng Thị Càng đứng thứ 3 hàng thứ 2 từ trái qua. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.

- Quá trình tham gia các kỳ họp có kỷ niệm nào đặc biệt bà còn nhớ tới giờ không?

+ Quãng thời gian ấy, tôi thấy không gì xúc động, sung sướng bằng là được gặp Bác, được chụp ảnh chung với Bác. Tôi là ĐBQH đại diện cho thanh niên, phụ nữ Quảng Ninh, vì vậy, tôi được gặp Bác và được chụp ảnh với Bác hai lần, trong đoàn của các nữ ĐBQH và trong đoàn thanh niên là ĐBQH.

Lần gặp Bác trong đoàn thanh niên là ĐBQH, đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khi ấy bảo: "Hôm nay mời các đồng chí ở các đoàn, đồng chí nào là thanh niên thì tập trung lên xe". Chỉ nói vậy thôi chứ chúng tôi cũng không biết đi đâu, đến rồi mới biết được gặp Bác Hồ.

Ngồi ngoài vườn cây thoáng mát, Bác gọi tên từng người đứng lên rồi hỏi thăm. Tôi nhớ nhất một câu Bác nói đại ý như này: Các cô, các chú muốn trở thành một anh hùng hay là một đảng viên, hay là một thanh niên tốt thì Bác xin dặn các cô, chú rằng muốn phát biểu gì thì phát biểu nhưng khi lên phát biểu là phải có một trang giấy, một quyển sách. Đó là một cái gậy để các cô, chú biết rằng mình có giỏi thì vẫn phải có sách. Các cô, chú làm được mà nói không có giấy thì làm được cũng bằng không.

Đó, tôi nhớ nhất câu nói đó. Điều Bác nói đến giờ tôi suy nghĩ vẫn thấy đúng như vậy. Muốn làm gì thì làm nhưng nói mồm thì cũng bằng không. Có gạch đầu dòng, có tờ giấy như là cái gậy của mình, chỗ dựa của mình để mình nói chững chạc, vững vàng hơn. Nếu như mà người ta có thắc mắc thì mình giải thích cũng dễ dàng hơn, chứ không thì người ta cho là mình nói không có mục đích. Tôi nhớ đến bây giờ, nhớ theo lời Bác, cán bộ, đảng viên hay ai cũng thế phải làm, phải có trách nhiệm với lời nói của mình.

Bà Đặng Thị Càng tuy tuổi đã cao nhưng vẫn luôn quan tâm đến các kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.

- Nhiều cán bộ phường Yên Thọ nay vẫn nhắc về sự gương mẫu của bà trong quá trình công tác trước đây, phải chăng cũng từ những lời dặn dò của Bác năm xưa?

+ Tôi nhớ và làm theo tất cả những lời dạy của Bác. Lần gặp Bác, Bác gọi đến ai thì người đó đứng lên, ai cũng xúc động, run nữa nên khó trả lời lưu loát lắm. Bác gọi đến tôi: "Cô Đặng Thị Càng ở Quảng Ninh". Tôi nhớ lời dặn của anh Vũ Quang đứng thẳng lên và thưa với Bác là: "Dạ, cháu có".

Rồi Bác hỏi về việc làm của tôi. Nghe tôi nói xong, Bác bảo: Được rồi, vậy là cô có sức khỏe, khỏe để bảo vệ Tổ quốc và tất cả vì miền Nam ruột thịt thân yêu của chúng ta. Chúng ta muốn giải phóng miền Nam thì các cô, chú phải nhìn, phải gương mẫu trên mọi mặt công tác, sản xuất. Các cô chú làm ruộng, làm nông nghiệp thì cố gắng làm sao động viên để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nghĩa là làm nghĩa vụ cho nhà nước, hợp tác xã cần đầy đủ. Nhiệm vụ của các cô, chú dù là gái hay trai thì đều phải hoàn thành.

Tôi thưa với Bác rằng: Cháu hứa là cháu sẽ về truyền đạt Nghị quyết của Quốc hội tới toàn tỉnh Quảng Ninh, thực hiện đúng theo lời Bác dạy là “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chiến tranh như này thì chúng cháu sẽ cố gắng động viên nhân dân sản xuất, động viên đoàn viên, thanh niên của tỉnh tham gia nhập ngũ để chiến đấu giải phóng đất nước. Cháu hứa sẽ làm tròn trách nhiệm của người ĐBQH.

Từ lời dạy của Bác là động lực cho tôi càng phấn đấu nhiều hơn sau này, trở thành đảng viên, tham gia công tác của xã, của huyện tích cực hơn cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1989.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các nữ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa III, tháng 4/1966. Bà Đặng Thị Càng đứng hàng cuối, thứ hai từ trái sang. (Ảnh tư liệu).

- Từng là cán bộ, lãnh đạo xã Yên Thọ (nay là phường Yên Thọ) lại kiêm nhiệm nhiều việc ở nhiều cương vị khác nhau (Chủ tịch Hội LHPN xã, Trưởng công an xã, Chủ tịch UBND xã…), bà có gặp khó khăn gì không?

+ Khó khăn thì rất nhiều nhưng có gia đình đồng tình ủng hộ, luôn nhớ và làm theo lời Bác dạy, tôi đã vượt qua tất cả. Như có đợt tôi đấu tranh với đối tượng trộm cắp thóc gạo trong kho của HTX bị phá ruộng đến không còn gì mà ăn. Mẹ tôi rất lo, tôi bảo: Mẹ cứ yên tâm, chúng con ăn rau, ăn cháo có thế nào cũng không sợ.

Giai đoạn tôi làm ĐBQH, cuộc sống nói chung rất khó khăn, nhà tôi thì chồng đi bộ đội, mấy bà cháu, mẹ con ở nhà đói khổ nhưng không bao giờ tôi nhận vật gì cứu tế cả, có khi cán bộ cứu tế mang lương thực vào cứu tế, tôi đi họp không biết, khi về liền bảo họ vào thu lại để phát cho các hộ khác đói hơn…

Không chỉ việc ấy mà những thứ khác cũng vậy. Tôi luôn nhớ đến câu của các cụ “đói cho sạch, rách cho thơm”. Khi trò chuyện với thanh niên, Bác Hồ dạy: Các chú, các cô là ĐBQH từ đầu cho đến cuối là phải gương mẫu, mà phải chịu nhịn cho người ta lúc nóng, người ta nói cho hết đi rồi sau mình giải thích lại.

Thực tế đúng là thế, nhiều người khi chưa hiểu còn đến tận nhà nói tôi như tát nước vào mặt, vậy nhưng sau này tôi giải thích, hiểu ra lại đến xin lỗi, thì mình cũng lại cho qua, không chấp nhặt gì. Quá trình công tác gian truân lắm, nhưng mình đã nghe lời Bác thì phải khắc phục thôi. Tôi luôn nghĩ về những lời dạy của Bác, ngấm lời dạy của Bác, không bao giờ quên.

- Cho đến nay, bà đã trải qua nhiều kỳ bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp. Bà có thấy điểm gì khác biệt so với trước kia không?

+ Ngày xưa thì thường là phải đến từng nhà vận động người dân đi bầu cử. Lúc bấy giờ, trình độ dân trí còn hạn chế nên hiểu biết của người dân về bầu cử chưa cao. Có người là cứ đếm từ đầu hết số người cần bầu, còn những người cuối thì gạch chứ không đọc, tìm hiểu về lý lịch, thành tích từng người. Giờ thì rất khác rồi, dân trí nâng lên, trách nhiệm của cử tri cũng cao hơn. Người ta xem kỹ, nắm được người nào ở trung ương, người nào của địa phương, trình độ ra sao, trách nhiệm, nắm bắt công việc thế nào… Vậy nên, người ta không gạch như thế nữa mà coi trọng năng lực, kết quả làm việc, chọn những đại biểu làm được việc, xứng đáng để bầu làm đại biểu của cử tri.

Các kỳ họp của Quốc hội, tôi đều xem phiên khai mạc, bế mạc, xem các phiên thảo luận, chất vấn đầy đủ. Phải nói là, kỳ họp Quốc hội khóa XIV vừa rồi rành mạch, rõ ràng, việc chất vấn các đại biểu đến nơi đến chốn. Đấy mới là cái hay. Nguyện vọng của người dân chúng tôi bây giờ là các ĐBQH khóa XV này sát dân hơn, gần dân hơn để nghe được tiếng nói, tâm tư, tình cảm của dân phản ánh lên Quốc hội. Có như thế thì mới tháo gỡ hết được những khúc mắc, băn khoăn của người dân. Tôi mặc dù giờ đã không còn là ĐBQH nhưng tôi nghĩ trách nhiệm của mình vẫn phải tham gia như thế.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Phan Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/fff-2914751.html