Nguyễn Vĩnh Nguyên: Chuyện cành phượng tím

Chừng nào chính quyền vẫn dễ dãi trong cấp phép và buông lỏng giám sát các dự án làm tổn hại thiên nhiên, thậm chí còn hợp pháp hóa việc ứng xử tùy tiện với các mảng xanh trong thành phố… thì chừng ấy, việc xử phạt một du khách bẻ nhành phượng tím hay cành mai anh đào sẽ chỉ là biện pháp hành chính xoa dịu những phản ứng nhất thời của dư luận, không giải quyết được bản chất vấn đề.

Vừa qua, một du khách Đồng Nai trong khi tham quan khu vực hồ Tuyền Lâm, đã “tiện tay” bẻ một cành phượng tím. Hình ảnh đó được chia sẻ trên mạng xã hội, gây bất bình với nhiều người yêu Đà Lạt và cư dân thành phố này. Công an Đà Lạt đã vào cuộc truy tìm ra du khách trên và lập hồ sơ xử lý hành chính.

Sự việc gợi nhắc câu chuyện tương tự cách đây chưa lâu, xảy ra với một nữ du khách là cán bộ ở tỉnh Bình Thuận.

Người đàn ông bẻ hoa phượng tím Đà Lạt khiến cư dân mạng bức xúc. Ảnh: Đình Thi

Người đàn ông bẻ hoa phượng tím Đà Lạt khiến cư dân mạng bức xúc. Ảnh: Đình Thi

Đà Lạt là một thành phố du lịch đặc biệt. Ngoài yếu tố dịch vụ nghỉ dưỡng thì khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi đây đã nuôi dưỡng trong trái tim nhiều du khách một tình yêu có thể nói là thiêng liêng, một sự chăm chút khác thường. Vì thế, sự việc một cành cây bị bẻ, một chùm hoa nơi công cộng bị ngắt đi bởi vài du khách vô tình hay thiếu chín chắn rất dễ được dẫn dắt, phóng chiếu trở thành “chuyện lớn”.

Điều đó có mặt tích cực, là dần xây dựng những nguyên tắc ứng xử văn minh công cộng cần có đối với du khách đến Đà Lạt. Thậm chí, cần những xây dựng các quy định cụ thể, mức độ xử lý vi phạm xâm hại thiên nhiên cảnh quan, vệ sinh chung, những cư xử làm tổn hại đến văn hóa cộng đồng…

Nhưng để thuyết phục, có lẽ, Đà Lạt cần làm được một điều căn bản, đó là tạo ra không gian dịch vụ chuẩn mực, chuyên nghiệp. Bản chất hơn, là chính thành phố này phải cho thấy bản thân mình biết tôn trọng các giá trị tự nhiên và nhân văn đô thị – những gì làm nên hình ảnh, thương hiệu, giá trị Đà Lạt.

Việc xử phạt hành chính và nhắc nhở một du khách bẻ cành hoa trên đường tham quan là cần thiết để chấn chỉnh hành vi trong du lịch, nhưng nhìn lại, các vụ xâm hại đến thiên nhiên lớn lao gấp bội tại Đà Lạt vì sao lại có thể xảy ra, việc giám sát và xử lý đang quyết liệt đến đâu? Đã có hàng loạt dự án phá thông, bạt đồi ở vùng hồ Tuyền Lâm để xây khách sạn, resort nghỉ dưỡng… xâm hại nghiêm trọng đất lâm nghiệp và rừng non. Báo chí gần đây nhất có đề cập đến công trình Vườn thượng uyển bay với 4 khối công trình không giấy phép xây dựng với tổng diện tích vi phạm 3.547 m2 vẫn ngang nhiên mọc lên giữa ban ngày nhưng việc xử lý vi phạm thì đang bị trì hoãn khó hiểu…

Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Đà Lạt biến động mạnh, giá đất “bốc hỏa” hàng ngày hàng giờ. Việc kiểm soát xây dựng, quy hoạch thiếu nguyên tắc chặt chẽ và minh bạch dẫn đến sự phá hủy không gian sinh thái đô thị, tốc độ bêtông hóa gia tăng từ nội thành lan ra các vùng ven. Để mở rộng một con đường nhỏ ở trung tâm, chính thành phố Đà Lạt sẵn sàng cho xe đến cưa hàng chục cổ thụ gần trăm năm tuổi một cách dễ dàng… Đó chỉ là số ít các nguyên nhân kéo theo cuộc khủng hoảng vô phương cứu chữa đối với không gian xanh đặc hữu của Đà Lạt.

Chừng nào chính quyền vẫn dễ dãi trong cấp phép và buông lỏng giám sát các dự án làm tổn hại thiên nhiên, thậm chí còn hợp pháp hóa việc ứng xử tùy tiện với các mảng xanh trong thành phố… thì chừng ấy, việc xử phạt một du khách bẻ nhành phượng tím hay cành mai anh đào sẽ chỉ là biện pháp hành chính xoa dịu những phản ứng nhất thời của dư luận.

Điều chỉnh hành vi của du khách là cần thiết. Nhưng cần thuyết phục từ chính văn hóa và hệ thống nguyên tắc của một thành phố biết đặt thiên nhiên làm giá trị hàng đầu trong phát triển.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguyen-vinh-nguyen-chuyen-canh-phuong-tim-23696.html