Nguyễn Việt Anh - Một tiếng thơ khát khao miền sáng

Trong buổi giới thiệu tập thơ MẬT NGỮ N. V. A. của nhà thơ Nguyễn Việt Anh ngày 11-12-2020 tại Cafe Tổ chim xanh 19 Đặng Dung do Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Hồ Gươm tổ chức, Nhà thơ Quang Hoài có bài phát biểu 'NGUYỄN VIỆT ANH - MỘT TIẾNG THƠ KHÁT KHAO MIỀN SÁNG'. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Việt Anh (bên trái) học chữ nổi với giáo viên nước ngoài. Nguồn: Internet.

Từ năm 2014 đến năm 2019, nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh đã cho ra mắt bạn đọc 9 tác phẩm. Ngoài tác phẩm sưu tầm và biên soạn “Phạm Đức - Một tâm hồn nhân hậu và tinh tế” khá công phu và dày dặn, còn lại là 8 tập thơ được xuất bản tại các nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thanh niên và Phụ nữ: “Thức cùng bóng tối”, “Bầu trời nhỏ”, “Em là đôi mắt”, “Nhân đôi bầu trời”, “Mắt chiều khép ánh hoàng hôn”, “Biển nhìn”, “Thanh Châu” và “Mật ngữ N.V.A.”. Trong vòng 6 năm, với sức sáng tạo như vậy quả là Nguyễn Việt Anh đang dồi dào bút lực và hứa hẹn nhiều triển vọng.

Tôi có may mắn được làm “bà đỡ” cho 5 tập thơ của Nguyễn Việt Anh ra đời với sự tin cậy sâu sắc của tác giả. Từ tập thơ đầu tiên “Thức cùng bóng tối” xuất bản tháng 10 năm 2014, tái bản có bổ sung lần thứ nhất cuối năm 2015, đến tập thơ thứ 8 “Mật ngữ N.V.A.” xuất bản tháng 10 năm 2019, xuyên suốt 8 tập thơ của Nguyễn Việt Anh lắng đọng lại trong tôi là một tiếng thơ khát khao miền sáng - một miền sáng của một trái tim yêu đời, yêu cuộc sống và một tấm lòng rộng mở vượt qua số phận, đón đợi tương lai.

Trên hành trình sáng tạo thi ca của mình, thành công đầu tiên mà Nguyễn Việt Anh đạt được, theo tôi, chính là ở thể loại lục bát đoản thi, chủ yếu là lục bát bốn câu. Các tập thơ “Thức cùng bóng tối”, “Em là đôi mắt”, “Bầu trời nhỏ”, “Mắt chiều khép ánh hoàng hôn” đã khẳng định sự thành công đó với sự sẻ chia chân thành và nồng đượm của nhiều bạn đọc.

Đây là sự khát khao ánh sáng, ẩn chứa sâu đậm “nỗi người” “thức cùng bóng tối”, mục sở thị ánh ngày cuộc sống bừng sôi:

“Thức cùng bóng tối thẳm sâuMới hay đêm cũng thầm đau nỗi ngườiMuốn làm ngày một lần thôiĐược mang sắc áo non tươi nắng hồng”.

Còn với tình yêu, thì sự khao khát ấy lại là khao khát một miền sáng được tích chứa thành một niềm “tâm tư” không giấy nào có thể chứa nổi:

“Suốt đêm thức với mưa rơiThức hoài chẳng biết trả lời sao đâyTâm tư thật khó giãi bàyGửi em trang giấy viết đầy trắng tinh”.

Đó là sự vi diệu của tiếng thơ được cất lên từ tâm hồn một người khiếm thị.

Với thơ lục bát, Nguyễn Việt Anh đã tạo được một giọng điệu cho riêng mình: giọng điệu tâm cảm thay cho nhãn cảm, với không ít câu thơ có sức ám ảnh:

“Yêu đi cho tóc bền màuLo gì cỏ mọc trên đầu một mai…Ngàn sao nhấp nhánh giữa trờiCó hay bóng tối một đời hy sinh…Ngại gì hun hút màn đêmKhi ta có một trái tim biết buồn…Trăng gian díu với dòng sôngBỏ tôi khuyết với mênh mông đất trời…Dây phơi chẳng chiếc áo nàoMà khi gió động vẫn chao hai tà…”.

Không tự thỏa mãn với thành công bước đầu ở thể loại thơ ngắn lục bát, Nguyễn Việt Anh mạnh dạn mở rộng biên độ sáng tạo ở thể loại thơ tự do, ngõ hầu thực hiện niềm đam mê thi ca của mình. Và anh cũng đã đạt được những thành công nhất định. Sự ra đời của hai tập thơ “Thanh Châu” và “Mật ngữ N.V.A.” đã khẳng định thành công đó. Đặc biệt, với “Mật ngữ N.V.A.”, thơ Nguyễn Việt Anh đã có sự phát triển mới về thể loại và giọng điệu, không đơn thanh mà đa thanh hơn, không đơn điệu mà đa điệu hơn. Ở “Mật ngữ N.V.A.”, cảm xúc khát khao miền sáng từ trái tim yêu đời, yêu cuộc sống mở ra khoáng hoạt hơn, đằm đậm hơn, bộc lộ khá đầy đủ một Nguyễn Việt Anh chân thành với khát vọng vươn lên trong thi ca, mong muốn tiếng thơ mình có chút gì đó giúp ích cho đời, vun trồng cho người. Tôi cho rằng, đó là một thành ý tốt đẹp, rất đáng được cổ lệ, đáng được đồng cảm và chia sẻ.

“Mật ngữ N.V.A.” có tất cả 65 bài thơ, được chia thành 3 phần với một kết cấu chặt chẽ, hàm chứa một ý tứ sâu kín: Phần I: N. gồm 21 bài; phần II: V. gồm 23 bài; phần III: A. gồm 21 bài. Ba phần đó cấu thành một Nguyễn Việt Anh với những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng thầm kín mong muốn được đồng cảm, đồng vọng. Theo tôi, “mật ngữ” là ở cáí dụng ý đó, chứ không có gì là bí mật theo nghĩa trinh thám ly kỳ và cũng không có ý cố tình tạo nên sự hấp dẫn người đọc ngay ở tiêu đề tập thơ. Nó chỉ là tâm ý, ý nguyện thầm kín, chưa tiện bộc bạch, chưa tiện trực tiếp nói ra, nghĩa là ở đây nó chỉ là thơ mà thôi.

Như vậy, với một kết cấu tăng tiến logic tuyến tính, bằng giọng điệu tự sự trữ tình, niềm khát khao miền sáng trong “Mật ngữ N.V.A.” được mở ra ở chiều kích khát khao được làm một người thơ có ích cho đời, không khuất phục hoàn cảnh, không cam chịu sự rủi ro của số phận. Đó vừa là tình cảm vừa là ý chí tạo nên hồn cốt một tiếng thơ.

Mở đầu tập thơ, bài đầu tiên của phần I là bài “Trong nhà tắm” nói về sự hiện diện của một người thơ - tác giả. Đó là sự hiện diện của một trái tim - một “Trái tim vẫn đập”, khi “Lấy bàn chải đánh răng” thì ngỡ “mình không còn răng” và khi “Quay sang vò khăn rửa mặt” thì ngỡ “mình không còn mặt”. Đây là một tưởng tượng lý thú, khẳng định giá trị của tâm hồn, dầu thể xác có thể khiếm khuyết, không hoàn chỉnh, bởi chỉ có trái tim, chỉ có tâm hồn mới có khát vọng vươn tới miền sáng, vươn tới chân thiện mỹ, thực hiện những giấc mơ của cuộc đời mình. Có thể khẳng định đây là trái tim thi ca, tâm hồn thi ca Nguyễn Việt Anh tự hứa với lòng mình, tự động viên mình và cũng là để nhắn gửi tới bạn đọc tâm nguyện của mình.

Theo cảm quan của Nguyễn Việt Anh, thì trái tim ấy sẽ giúp người thơ vượt thoát khỏi “Những hòm áo quan chật ních tư tưởng / Lơ lửng đầu ngòi bút” và “Những chiếc tiểu sành nhồi đầy luận lý / Lặc lè trên bàn viết”, khả dĩ tìm ra một chất gì “uống cho đỡ nhạt mình”, để dù có “Cách tân” thế nào, “Ảo thuật” hay “Hào quang” ra sao, thì vẫn không lạc khỏi ta, ta vẫn “đích thực là ta”.

Nếu phần I là “mật ngữ” về một “trái tim vẫn đập”, thì phần II là “mật ngữ” về tình yêu được khởi phát và dung dưỡng từ trái tim đó như một “kết nối” kỳ diệu: “Trái tim em đổ chuông”, để “Nơi sâu thẳm tâm hồn tôi… / Không ngừng réo rắt”. Chỉ có tình yêu như thế thì mới có “Bổng trầm giai điệu hoan ca” và “Miên man điệp khúc bất tuyệt”, tạo nên sự hòa thanh và đồng điệu giữa “lứa đôi” và “bản nhạc”. Cũng với tình yêu như thế, “Em” trở thành biểu tượng trong sáng và cao đẹp, thanh khiết và ngọt ngào như một “Thanh Chocolate tóc dài”, “thơm, ngọt và đắng”, “tan dần trên đầu lưỡi”, khi “Em trong miệng”, để “Tôi nuốt em ngon lành” và “Luôn bị tan chảy / Trước khi đến được tận cùng”. Kết thúc phần II, trước vẻ đẹp huyền diệu của tình yêu đích thực, Nguyễn Việt Anh không ngần ngại khẳng định dứt khoát: “Tôi muốn được ký vào lá đơn xin tử vì đẹp”. Phần II chính là cái gạch nối dẫn tới phần III để có một Nguyễn Việt Anh với một “Trái tim vẫn đập” luôn luôn khao khát yêu thương và vươn lên.

Có trái tim như thế, có tình yêu như thế, thì dù số phận có rủi ro đến đâu, cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu, cũng không thể cam chịu. Vượt lên hoàn cảnh, tiến về phía trước, làm chút gì có ích cho cuộc đời, dù nhỏ nhoi, với lòng ham mê thi ca, trước những tấm gương sáng chói về văn học nghệ thuật, chính là tâm nguyện chân thành rất đáng trân trọng của nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh. Đó là ý tứ sâu kín của “mật ngữ” ở phần III, phần bộc lộ niềm khát khao vươn tới miền sáng tâm hồn, miền sáng của văn chương.

Ở phần này, Nguyễn Việt Anh đã chọn 20 ngọn đại sơn sừng sững của văn chương nghệ thuật nhân loại làm tấm gương cho mình học hỏi và vươn lên. Đó là những văn hào, thi hào, danh họa mà anh khâm phục và trân trọng. Anh đã đọc họ khá kỹ càng và thâu nhận được nhiều điều lý thú bổ ích. Họ đã soi chiếu và dẫn dụ anh, thắp lên trong anh ngọn lửa của ý chí và niềm tin rằng, mình không thể và không bao giờ là một phế nhân.

Với Heinrich Heine - thi sĩ Đức, Nguyễn Việt Anh bày tỏ: “Tinh thần Đức đã ít nhiều thấm vào tôi / Tôi yêu thơ anh từ hồi còn đi học / Và thuộc thơ anh hơn thuộc bài trong sách”. Với Tagore - thi hào Ấn Độ, một hồn thơ lớn “làm lành những tâm hồn thương tích” và “xoa dịu những trái tim chảy máu”, Nguyễn Việt Anh mơ ước: “Nếu có cách nào làm anh sống lại / Tôi sẽ thu nhỏ mình / Đánh đu trên chòm râu triết học / Để cùng anh đi khắp thế gian tìm kiếm những phận người”. Với Nazim Hikmet - thi sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được mệnh danh là “Người khổng lồ mắt xanh”, con người “uy nghi và gần gũi / Trên quảng trường xứ sở thảm bay”, Nguyễn Việt Anh ước ao: “Tôi muốn mời anh ngồi xuống đây / Cùng tôi uống cạn chai rượu này”, để cùng nhau “giao lưu” và “cảm nhận”. Với Aragon - thi sĩ ái tình đồ sộ của nước Pháp đã từng viết đến “Ba tập thơ về nàng Elsa” với tình yêu mãnh liệt “Elsa… Elsa… Elsa / Vang trong vũ trụ, chói lòa thời gian”, Nguyễn Việt Anh giãi tỏ trái tim mình: “Bên cạnh Elsa - Anh thật là cao lớn / Bên cạnh người yêu - Tôi luôn ngẩng cao đầu”...

Như vậy, với “mật ngữ” của cả 3 phần N.-V.-A., ta đã phần nào cảm thấu được “Trái tim vẫn đập” của nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh. Đó là một tiếng thơ khát khao miền sáng tâm hồn rất đáng được ưu ái và khuyến lệ. Tuy nhiên, ở tập thơ với giọng điệu mới mẻ này, một giọng điệu tự sự trữ tình khá tung tẩy và phóng bút, nếu Nguyễn Việt Anh lựa chọn được những hình tượng thơ công phu hơn, có sức gợi hơn, cảm xúc mạnh hơn luận lý, tăng tính nhạc và điệu thức tâm hồn, tránh khô cứng và đôi chỗ có vẻ lên gân, thì sự khơi gợi và tính thuyết phục chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn.

Xin chúc mừng Nguyễn Việt Anh và mong anh thực hiện được “lý tưởng và khát vọng” như anh đã nguyện hứa với lòng mình thông qua đối thoại giữa con người tâm hồn và con người thân xác:

“Chúng ta cần phải sốngĐể cùng nhau khám phá cuộc sốngVà cùng nhau sáng tạo sự sáng tạo”.

Phố Vương Thừa Vũ, Hà Nội

Q-H
Ngày 6-7-2020

Nhà thơ Quang Hoài

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nguyen-viet-anh--mot-tieng-tho-khat-khao-mien-sang-81151