Nguyễn Văn Trỗi – sáng mãi tên anh

Tháng 7, ngôi nhà của thân sinh Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi nghi ngút hương khói. Ngày giỗ năm nay, chị Phan Thị Quyên (vợ anh Nguyễn Văn Trỗi) không còn về thăm quê hương chồng, bởi chị vừa qua đời vào ngày 4-7.

Anh Trỗi và vợ là chị Phan Thị Quyên. Ảnh: Tư liệu

Anh Trỗi và vợ là chị Phan Thị Quyên. Ảnh: Tư liệu

Anh hùng Venezuela

Tháng 7, chúng tôi dừng chân tại làng Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thắp hương cho Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Ngôi nhà của cụ thân sinh ra anh nằm trong một con hẻm nhỏ. Trước nhà trồng một cây hoa ngọc lan, hai bên hiên trồng vài cây hoa thiết mộc lan đang trổ bông và tỏa hương thơm. Bà Nguyễn Thị Bê, người em của anh Trỗi đang lau bàn thờ và thắp nén hương trên bàn thờ cho 2 người anh trai đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Gia đình bà có 8 anh chị em.

Cách bài trí trong ngôi nhà của cụ thân sinh Nguyễn Văn Hóa của anh Trỗi như đã kể lại câu chuyện của một gia đình nông dân yêu nước trên vùng đất lửa. Bước vào ngôi nhà, chính giữa bố trí bàn thờ cha mẹ anh Trỗi với 3 tấm ảnh. Mẹ của anh Trỗi mất từ năm anh chưa đầy 10 tuổi. Cha anh Trỗi tham gia cách mạng từ thời kỳ chống Pháp, sau này là cơ sở nuôi giấu và tiếp tế cho cách mạng, đào 3 căn hầm bí mật ngay trong khuôn viên nhà.

Phía bên phải gian nhà bố trí bàn thờ ông bà nội, người luôn dành tình cảm cho người cháu trai Nguyễn Văn Trỗi. Còn phía bên trái là bàn thờ đặt 2 tấm di ảnh liệt sĩ, anh Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Văn Đức, giữa bàn thờ đặt bức tượng bán thân anh Trỗi. Thời còn sống, hai anh em quấn quýt bên nhau. Khi giặc Pháp quay trở lại, cả gia đình sơ tán chạy lên núi. Anh Trỗi và anh Đức được người mẹ đặt ở 2 đầu quang gánh chạy giặc. Nơi rừng thiêng nước độc, không có chăn màn nên nhiều người làng lần lượt chết vì bệnh sốt rét. 4 mẹ con lại gồng gánh nhau quay về quê hương.

Bà Bê nhớ lại, anh Đức đi Công an và được đưa ra Bắc học tập rồi xin quay vào miền Nam chiến đấu. Trong một lần anh Đức về hoạt động cùng đoàn công tác, đến khu vực chùa Từ Quang ở gần nhà, thì bị địch phục kích bắn chết. Gia đình không dám nhận mặt vì bọn địch sẽ khủng bố. Sư thầy chùa Từ Quang biết sự tình đã đến xin mang xác anh Đức về chôn cất.

Tại Cuba hiện nay có ngôi trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Trước sân trường có tượng của anh, trong phòng học đều có hình ảnh của anh Trỗi, học sinh đều thuộc tiểu sử của anh. Đúng như lời thơ của Tố Hữu: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử...”.

Có nhiều tấm ảnh trong nhà được phóng to hình ảnh anh Trỗi thời còn sinh viên, lúc cưới chị Quyên. Khi anh hy sinh, người vợ mới cưới 19 ngày của anh đã về thăm quê. Cả làng Thanh Quýt rơi nước mắt đón người con dâu hiền 20 tuổi đã chít khăn tang chồng. Đại diện chính quyền cách mạng tại địa phương đã bí mật đến thăm và động viên chị Quyên. Lúc chị chuẩn bị trở lại Sài Gòn thì xảy ra trận lụt lịch sử năm Thìn. Xóm làng chìm trong biển nước, già trẻ bồng bế nhau trèo lên nóc nhà, chồng giường thành tầng, ăn mít luộc để chờ lũ rút.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Bê nhắc lại sự kiện du kích ở nửa vòng trái đất Venezuela đã bắt tên Michael Smolen và yêu cầu đổi anh Trỗi. Cả gia đình anh và bà con ở Thanh Quýt vui mừng vì hy vọng anh sẽ được cứu sống. Nhưng rồi, cuộc thương lượng bất thành, phía bạn thả tên Trung tá, còn anh Trỗi bị giữ lại và bị đưa ra pháp trường.

Còn nhớ, năm 2014, kỷ niệm 50 năm ngày sinh của anh, Venezuela đã tổ chức một cuộc trưng bày hình ảnh về anh. Ngài Iván Emilio Turmero Crespo, Bí thư thứ 2 của Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam đã về Thanh Quýt viếng anh và cho biết: “Nhân dân Venezuela coi anh Trỗi là một tấm gương anh hùng của dân tộc mình”.

Người anh trai giản dị

Bà Nguyễn Thị Bê nhớ lại, “anh trai của bà là người có thói quen ăn uống rất giản dị. Cứ ngày 24 Tết âm lịch là từ Sài Gòn đón xe Phi Long, Tấn Lực về thăm quê. Về nhà, anh thích nhất là món ăn rau muống nấu canh. Chị em trong nhà nấu cơm cũng biết được khẩu vị của anh”. Hằng năm, mỗi khi đến ngày giỗ của anh Trỗi, bát cơm trên bàn thờ cúng anh thường được bà nấu bằng hạt gạo dẻo, hương vị thơm được trồng trên chính cánh đồng quê Thanh Quýt.

Nhiều người dân làng Thanh Quýt kể về anh Trỗi bằng câu chuyện như mới vừa hôm qua. Đó là hình ảnh cậu bé Trỗi đi xay bột thuê ở trong làng vì mẹ mất sớm. Năm 13 tuổi, anh rời Quảng Nam ra Đà Nẵng học nghề may, lúc đó người anh trai của anh là Nguyễn Văn Toàn làm cho hãng bánh kẹo. Học được 3 năm, anh xuống tàu Nam Hàn rời cảng Tiên Sa vào Sài Gòn làm ăn và nuôi chí lớn. Đó là tham gia cầm súng đánh Mỹ, giải phóng đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bê với hồi ức về anh Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Lê Văn Chương

Tại Sài Gòn, anh vào trọ nhà một người đồng hương, ban ngày đi làm thuê kiếm tiền, ban đêm còng lưng đạp xích lô chở khách, sau đó học thêm nghề điện. Giữa năm 1963, người đồng hương là Tư Kiếm kết nạp anh vào Đội biệt động thành. Đầu năm 1964, anh Trỗi và đồng đội ra căn cứ Rừng Thơm để học chính trị và võ thuật. Chỉ huy biệt động thành vạch ra là đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đến Việt Nam vào ngày 11-5-1964. Kế hoạch bị bại lộ, anh Trỗi bị bắt giữ.

Bà Bê kể: “Nghe tin anh bị bắt thì buồn lắm. Cả làng ngóng chờ tin tức về anh. Năm nào anh về thăm quê, bà cũng đòi anh dẫn vô Sài Gòn. Lần nào anh cũng hứa sang năm đưa vô đó học. Mỗi lần anh Trỗi về thì lại dạy học cho em. Bà học không được là bị la nên sợ lắm. Sau khi anh hy sinh, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã sôi sục phát động tinh thần noi gương anh Trỗi. Thanh niên vào du kích, tham gia bộ đội, mọi người dân đều làm cơ sở cách mạng, chỗ nào cũng đánh địch, chỗ nào cũng có du kích nên địch khiếp sợ”.

Mỗi khi kể về anh Trỗi, bà Bê lại nhắc và thương xót chị dâu, vợ anh Trỗi. Chị Quyên cũng là người luôn làm cho bà và dòng họ tự hào. Chị Quyên là người đã vinh dự ra gặp mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5-1969. Đến tháng 7-1969, chị được sang đất nước Cuba anh em, mang theo món quà của Bác tặng cho Chủ tịch Fidel Castro, đó là đôi dép râu và tấm ảnh Fidel Castro được cẩn bằng ốc xà cừ.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguyen-van-troi-sang-mai-ten-anh/