Nguyễn Văn Dương khai tặng Rolex, triệu USD cho ông Phan Văn Vĩnh

Trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương khai đã cho ông Vĩnh 27 tỷ cùng hơn 1,7 triệu USD và tặng ông Hóa 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai cựu cán bộ công an phủ nhận.

Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa bảo kê đường dây đánh bạc thế nào? Báo cáo lãnh đạo không trung thực về Rikvip, ông Vĩnh và ông Hóa tìm cách bao che sai phạm và đề nghị Bộ TT&TT cấp phép cho game đánh bạc "chui" này.

Sáng 13/11, VKSND tỉnh Phú Thọ tiếp tục trình bày bản cáo trạng dài 235 trang truy tố ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ.

Sau khi đề cập các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền… kiểm sát viên đã trình bày nội dung liên quan đến việc trùm cờ bạc về khai hối lộ ông Vĩnh và cấp dưới hàng chục tỷ đồng

43 triệu tài khoản đánh bạc

Theo kết quả trưng cầu giám định, từ tháng 4/2015 đến 8/2017, hệ thống đánh bạc có gần 43 triệu tài khoản người chơi, hơn 5.900 tài khoản đại lý. Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an xác định có hơn 500 tài khoản đặt cược trong một lần từ 5 triệu đồng trở lên.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50. Ảnh: Việt Linh.

Căn cứ biên bản đối soát, tài liệu lưu do Phan Sào Nam cung cấp và thu thập được, cơ quan chức năng xác định có hơn 9.850 tỷ được nạp vào hệ thống game đánh bạc do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành. Kiểm sát viên cho rằng số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ 26/6/2017 đến ngày kết thúc là 29/8/2018.

Trong đó, tiền đánh bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là hơn 8.840 tỷ đồng, tiền đánh bạc qua thẻ Gocoin, Vcard là hơn 800 tỷ, tiền đánh bạc sử dụng thẻ ATM là 186 tỷ đồng.

Theo cơ quan công tố, các công ty phát hành thẻ được phân chia hơn 1.200 tỷ đồng, các cá nhân vận hành game được chia hơn 8.400 tỷ. Nhóm điều hành cũng dành hơn 3.700 tỷ đồng trả thưởng cho con bạc, trả chi phí quản lý và nộp thuế.

Trong số hơn 4.700 tỷ hưởng lợi cá nhân, Phan Sào Nam được 1.475 tỷ, Nguyễn Văn Dương hưởng hơn 1.650 tỷ, nhóm của Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn) hưởng hơn 1.500 tỷ.

Rửa tiền

Sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc giai đoạn Tip.Club, Phan Sào Nam chuyển cho dì ruột Phan Thu Hương 236 tỷ đồng gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thủy rút 50 tỷ gửi tiết kiệm; góp hơn 92 tỷ đồng vào một số công ty và nhờ người thân gửi tiết kiệm hoặc cất giữ tổng số tiền 530 tỷ đồng.

Ngoài ra, để rửa tiền, Nam còn nhờ người quen đứng tên mua 15 căn hộ tổng trị giá 150 tỷ đồng; gửi ngân hàng ở Singapore 3,5 triệu USD. Phan Sào Nam còn khai nhờ bạn cất giữ vàng, USD tổng trị giá 680 tỷ. Tuy nhiên, những người này đã bỏ trốn nên cảnh sát chưa làm rõ.

Trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương rửa tiền như thế nào? Để hợp thức hóa hàng nghìn tỷ tiền lời bất chính từ tổ chức đánh bạc qua mạng, Dương lập các công ty "ma" để quay vòng tiền, nâng khống vốn và đầu tư vào dự án BOT.

Còn Nguyễn Văn Dương, sau khi thu lời bất chính 1.655 tỷ đồng, bị cáo này tìm cách rửa tiền vào dự án BOT, lập nhiều công ty để nâng khống vốn Công ty UDIC. Ban đầu, Dương nhờ người thân đứng tên lập 3 công ty để ký giao khoán hợp đồng tổng giá trị 530 tỷ đồng.

Với thủ đoạn quay vòng tiền để nâng vốn, Dương chỉ đạo nhân viên gửi 24 tỷ vào tài khoản anh ta, rồi chuyển tiền vào công ty UDIC và tiếp tục chuyển cho 3 công ty trên. Cuối cùng, 3 công ty rút tiền chuyển vào tài khoản của Dương để bị cáo này tiếp tục quay vòng tiền.

Trong 2 năm, vốn điều lệ của UDIC thể hiện tăng 1.400 tỷ nhưng thực tế không tăng đồng nào. Để rửa tiền, Dương còn có 33 lần góp 330 tỷ đồng vào BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Tuy nhiên, Dương chỉ góp 23 tỷ trên thực tế, số còn lại là tiền ảo do việc nộp khống vào công ty UDIC mà có. Năm 2017, Dương bán cổ phần công ty UDIC để lấy tiền gửi tiết kiệm và mua bất động sản.

Công ty bình phong của C50

Năm 2011, ông Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50 Bộ Công an) và một số cán bộ dưới quyền lập đề án xây dựng công ty bình phong thuộc C50 phục vụ hoạt động nghiệp vụ và công ích.

Sau đó, ông Vĩnh ký tờ trình xin ý kiến cấp trên, theo đó C50 góp 20% cổ phần và cử cán bộ đại diện cổ phần phụ trách công nghệ thông tin. Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975) gặp Nguyễn Thanh Hóa để lập CNC làm công ty bình phong.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Theo biên bản ghi nhớ và hợp đồng ủy quyền, C50 có trách nhiệm tạo điều kiện khi CNC đề xuất những lĩnh vực kinh doanh mang tính chất thí điểm về thông tin và công nghệ cao, ủy quyền cho Dương lập, ký các giấy tờ, tài liệu. Đổi lại, công ty của Nguyễn Văn Dương phải đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, phân phối 20% lợi nhuận cho C50…

Được sự đồng ý của Phan Văn Vĩnh, Công ty CNC đã sử dụng trụ sở của Tổng cục cảnh sát ở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội. Sau đó, Dương đề xuất phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet nhằm “tìm hiểu, đưa ra đề xuất thực tế để quản lý và tạo nguồn thu để CNC xây dựng lực lượng hacker chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ được giao”.

Cũng có lần Nguyễn Văn Dương báo cáo đã hoàn thành cổng thanh toán trực tuyến Sspay. Để nắm dòng tiền của các trang đánh bạc qua mạng, CNC đề nghị C50 đưa các game bất hợp pháp sử dụng Sspay làm cổng thanh toán trực tiếp. Khi đó, ông Nguyễn Thanh Hóa giao cấp dưới nghiên cứu. Nhưng ông Võ Tuấn Dũng (nguyên Cục phó C50) cho rằng đề xuất này vi phạm pháp luật nên C50 không ra văn bản trả lời.

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc VTC online) biết CNC là công ty bình phong thuộc C50 nên hợp tác với Dương để phát hành game đánh bạc Rikvip. Vài tháng sau, ông Phan Văn Vĩnh ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong.

Trong báo cáo CNC gửi về, nguyên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa biết công ty bình phong vận hành game đổi thưởng có dấu hiệu đánh bạc trá hình nhưng không chỉ đạo quyết liệt. Khi Nguyễn Văn Dương đề xuất được thí điểm mô hình kinh doanh đặt cược bằng hình thức game đổi thưởng trên Internet, ông Hóa biết vi phạm quy định của Chính phủ nhưng vẫn giao cấp dưới nghiên cứu.

Bảo kê

Giữa năm 2015, Phòng phòng chống tội phạm máy tính (Phòng 2 - C50) phát hiện Rikvip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc nên đề xuất được xác minh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hóa không đồng ý với lý do CNC là công ty bình phong vận hành Rikvip không vi phạm pháp luật

Tháng 8/2016, ông Hóa ký văn bản gửi ông Vĩnh, báo việc game bài Rikvip có dấu hiệu đánh bạc. Ông Vĩnh đồng ý với đề xuất xác minh về game bài này, đồng thời chỉ đạo C50 báo cáo lãnh đạo bộ để xây dựng kế hoạch bóc gỡ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định Tổng cục Cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo bộ và cũng không tổ chức xác minh để đấu tranh.

Một tháng sau, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đổi tên Rikvip thành Tip.Club. Phòng 2 - C50 nhiều lần báo cáo Nguyễn Thanh Hóa về hoạt động phức tạp của game đánh bạc trá hình này nhưng cựu cục trưởng không chỉ đạo xác minh làm rõ.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Theo cáo trạng, 3 phó cục trưởng của C50 thời điểm đó biết công ty bình phong kinh doanh game đánh bạc nên đề xuất xác minh, xử lý. Tuy nhiên, ông Hóa vẫn cho rằng Rikvip không phải đánh bạc, không phải tội phạm.

Thời gian CNC là công ty bình phong, ông Hóa trực tiếp theo dõi, quản lý doanh nghiệp này. Phòng tham mưu là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ theo dõi văn bản đến nhưng không được kiểm tra. Khi Phòng 4 của C50 không được điều tra cơ bản về CNC theo thẩm quyền, lãnh đạo Tổng cục cảnh sát đã có chỉ đạo. Nhưng ông Hóa lại thông báo giao việc điều tra cơ bản cho một phòng khác. Trong khi thực tế, cựu Cục trưởng C50 không giao cho ai điều tra cơ bản.

Theo chỉ đạo của Tổng cục cảnh sát, tháng 4/2017, Nguyễn Thanh Hóa ký công văn tạm dừng hoạt động phối hợp nghiệp vụ với CNC nhưng thực tế công ty này vẫn tổ chức đánh bạc. Cùng thời điểm này, để che giấu vi phạm trong bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh và hợp đồng ủy quyền ngày 10/10/2011, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo cấp phó soạn công văn trình ông Phan Văn Vĩnh ký hợp thức việc C50 không góp vốn vào công ty bình phong mà chỉ phối hợp nghiệp vụ.

Tặng Rolex, hàng chục tỷ cho ông Vĩnh, Hóa

Kiểm sát viên cho biết tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã sử dụng một phần lợi nhuận của công ty và một phần lớn tiền thu từ tổ chức đánh bạc để cho các cá nhân, tập thể.

Dương khai đưa cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD. Ngoài ra, trùm cờ bạc còn chi tiền Tết cho ông Vĩnh là 150.000 USD, tặng đồng hồ Rolex 7.000 USD.

Dương khai nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, với những chai rượu trị giá 100 triệu đồng và nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát với chi phí trên 10 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Ngoài ra, Dương khai còn đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng và ủng hộ C50 bộ phần mềm giá 30.000 USD.

Dương cũng khai cho Cục C50 hơn 800 triệu đồng, trong đó hỗ trợ Tết là 700 triệu đồng. Riêng khoản này, Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận đã gợi ý để nhóm điều hành đánh bạc biếu quà Tết nên đề nghị gia đình nộp lại 700 triệu đồng.

Đến nay, ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và các cán bộ phủ nhận lời khai của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam. Chưa đủ căn cứ xác định các bị cáo hưởng lợi cá nhân nên cơ quan điều tra đã tách hành vi này để điều tra, xử lý riêng.

Trung tuần tháng 7, Nguyễn Văn Dương bị khởi tố tội Đưa hối lộ sau khi tự thú về hành vi này. Sau đó, thực hiện chính sách khoan hồng, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội danh này.

Đến 11h trưa 13/11, phiên tòa tạm dừng và dự kiến 14h cùng ngày mở lại.

92 bị cáo vụ đánh bạc nghìn tỷ bị truy tố những tội danh gì? TAND tỉnh Phú Thọ xét xử 92 bị cáo bị VKSND cùng cấp truy tố 6 tội danh. Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh là bị cáo lớn tuổi nhất.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-van-duong-khai-tang-rolex-trieu-usd-cho-ong-phan-van-vinh-post891434.html