Nguyễn Tuấn Khởi, CEO VTV Corp.vn: Từ Hành trình Đỏ đến Hành trình Xanh

Tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Đại học Luật năm 2007, chàng trai Vĩnh Long với nụ cười đôn hậu rạng ngời ấy đã lan tỏa chiến dịch hiến máu nhân đạo thành một 'Hành trình Đỏ' tình nguyện khắp đất nước, cứu sống biết bao phận người.

Nguyễn Tuấn Khởi, CEO Công ty Nhân ái vòng tay Việt - VTV Corp.vn

Ở một ngưỡng mới của cuộc đời, chàng nông dân thứ thiệt ấy lại nuôi hoài bão tìm lối ra bền vững hơn cho nông sản Việt Nam, với một “Hành trình Xanh”mang tên AGR.VN.

Đó là một sàn giao dịch thương mại điện tử mang tên Nông nghiệp Việt Nam, kết nối tất cả những nguồn lực liên quan đến nông nghiệp, để tạo nên một hệ sinh thái xanh cho cả đầu vào và đầu ra của nhà nông.

Làm thế nào một chàng sinh viên còn rất trẻ như anh lại quyết định dấn thân khởi nghiệp với VTV Corp.vn, để biến “Hành trình Đỏ” lan tỏa khắp cả nước, trở thành chiến dịch nhân đạo cấp quốc gia?

Đam mê hoạt động xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã cho tôi nhiều trải nghiệm thiết thực hơn với đời sống.

Năm 2008 tôi sáng lập mô hình câu lạc bộ hoạt động xã hội Vì cộng đồng, thu hút hơn 500 tình nguyện viên là sinh viên, bắt đầu với sạp báo vì người nghèo.

Bất cứ ai mua một tờ báo nơi đây là góp phần tặng bánh mì và trà đá miễn phí cho người nghèo, người bán vé số, xe ôm, ve chai…

Mục đích của câu lạc bộ là dùng sức trẻ, trí tuệ và nhiệt huyết của các tình nguyện viên tạo nguồn thu chính đáng để giúp đỡ cộng đồng.

Câu lạc bộ còn thực hiện dự án “Vườn rau sạch vì cộng đồng” trên mảnh đất 6.000m2 tại khu đất dự án thuộc khu dân cư Asia Phú Mỹ.

Câu lạc bộ cũng vận động tài trợ từ Ngân hàng TrustBank và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hơn 1.000 bạn sinh viên, học sinh trung học đã cùng tôi mua hạt giống, trải nghiệm những ngày phơi nắng phơi sương để trồng rau theo phương pháp sạch, cung cấp mỗi ngày hàng tấn rau cho các mái ấm tình thương…

Cũng từ lao động hăng say, cực nhọc, các bạn hiểu hơn về đời sống người nông dân, biết quý cha mẹ ở quê nhà.

Nhưng để thực hiện một “siêu thị” máu sống di động thông minh, thu hút hàng ngàn tình nguyện viên từ khắp mọi miền đất nước trong hành trình xuyên Việt suốt 6 năm qua lại là một thử thách vô cùng mạo hiểm với riêng tôi.

Nhiệm vụ của "Hành trình Đỏ" là vận động toàn dân tham gia hiến máu nhân đạo và phòng chống căn bệnh tan máu bẩm sinh.

Ban đầu tôi lao vào các hoạt động cộng đồng với tất cả nhiệt huyết và sự ngây thơ, cứ thấy ai khó ai khổ là lao vào, chẳng biết tính toán gì.

Năm 2009 làm hoạt động mổ tim ở Quảng Nam mang tên “Vì nhịp tim đất Quảng”, loay hoay mãi không làm được vì thiếu tư cách pháp nhân.

Sau này, đi theo nhiều tổ chức thiện nguyện của nước ngoài thấy khác. Họ đi cho quà kèm theo bán các sản phẩm khác để tạo nguồn thu một cách bền vững, còn huy động mọi người cùng khuân vác, vì theo họ, nếu cho biết cho mà không biết nhận sẽ khiến người khác hư.

Lúc đó, GS-TS Phạm Đức Dương khuyên tôi phải lập mô hình doanh nghiệp xã hội.

Công ty cổ phần Nhân ái Vòng tay Việt ra đời với số vốn hơn 1 tỷ đồng, tích cóp từ những hoạt động truyền thông, viết báo, làm sự kiện của tôi suốt mấy năm ròng.

Nhưng hẳn phải có một động lực sâu thẳm để anh có thể dốc hết tâm huyết cho một công việc chẳng dễ dàng?

Thường xuyên ra vào các bệnh viện để làm từ thiện, tôi cảm nhận thiếu máu nhân đạo trầm trọng ở Việt Nam.

Với nhu cầu 1,8 triệu đơn vị máu, trung bình mỗi năm phải có 2% dân số đi hiến máu mới đủ, nhưng đáp ứng mới được 50%.

Hơn nữa, ngành huyết học chưa thống nhất với các địa phương, thiếu cách làm mới...

Nhiều người thấy tôi cực khổ quá cũng hỏi hoài: “Mày làm vì cái gì?” Dấn thân sâu vào công việc thiện nguyện đã nằm trong máu mình.

Tôi có người anh ruột bị tim bẩm sinh, suốt 10 năm nuôi anh trong bệnh viện, thấy đủ hỉ nộ ái ố.

Một người anh còn nói chuyện với mình, 30 phút sau nhảy lầu tự tử vì sợ gia đình nghèo túng không có tiền mua máu, có người đẩy vô nửa tiếng sau tim ngừng đập...

Anh tôi mất năm 2004, từ đó tôi hiểu cuộc đời cần gì, được gì.

Tư duy thay đổi khi cuộc đời thay đổi, công việc tình nguyện làm thay đổi cuộc sống của tôi.

Mặc dù không giàu có, nhưng được sống với đam mê, xin được máu bổ sung cho dân nghèo đang cần cấp cứu thấy sướng lắm.

Hạnh phúc nhất với tôi là ngày đưa cha mẹ đi theo chiến dịch "Hành trình Đỏ", khi thấy tên tôi được xướng lên là người sáng lập dự án, ông bà mừng còn hơn được mình cho vàng.

Từ xưa cha mẹ vẫn nghĩ tôi là thằng lông bông.

Và anh đã vượt qua những thách thức khốc liệt nào để biến giấc mơ ấy thành hiện thực?

Chiến dịch "Hành trình Đỏ" xuyên quốc gia ra đời.

Cầm dự án này đem ra Bộ Y tế, họ nói chuyện này Bộ Y tế lo, anh lo làm gì, đến các tổ chức thanh niên, ban ngành cũng rất khó khăn, họ đặt nhiều câu hỏi, chưa tin lắm vì nguy hiểm quá.

Dấn thân, trải nghiệm, 120 bạn tình nguyện viên được tuyển chọn từ 3.000 hồ sơ đăng ký, từ Hà Nội đến Cà Mau, trong đó có cả các hoa hậu, người mẫu, diễn viên nổi tiếng… vượt qua các vòng thử thách huấn luyện, 35 ngày đêm quét qua các tỉnh thành vận động biết bao nhiêu con người, mỗi năm chương trình thu được 40-50 ngàn đơn vị máu.

"Hành trình Đỏ" từ tổ chức theo cụm cùng các chuyên gia, trở thành chương trình thường niên. Tôi đã hoàn thành sứ mệnh thành lập mỗi tỉnh hàng ngàn sinh viên, 40 câu lạc bộ tại các địa phương, và bây giờ tự các tỉnh đã làm được.

Ngoài vận động hiến máu nhân đạo, chương trình còn tuyên truyền cho bệnh tan máu bẩm sinh. Việt Nam có 10 triệu người mang gien bệnh và mắc bệnh này, nhưng không có thuốc chữa trị, chỉ có phòng ngừa.

Nhiều bạn trẻ lấy nhau không làm xét nghiệm trước hôn nhân, nếu người chồng hoặc vợ mang bệnh tan máu bẩm sinh, sinh con chắc chắn bị bệnh. Cháu bé tháng nào cũng phải truyền thay máu như cơm bữa.

Mỗi năm Việt Nam có 2.000 trẻ sinh ra đời và mắc bệnh này, nhưng nhận thức của toàn xã hội rất kém.

Cần tổ chức những chương trình thử máu cho công nhân, sinh viên để phòng ngừa. Nếu ai mắc bệnh mà muốn có con phải theo liệu pháp khoa học của bác sĩ ngay từ đầu…

20 tuổi đã lăn lộn với các hoạt động tình nguyện, dấn thân vô vận động phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh, năm nay đã 34 tuổi, nhưng tôi cảm thấy chưa làm hết sức mình được vì năng lực của mình còn kém, nạn thiếu máu ngày càng tăng, đến 60%...

Năm nay đã 34 tuổi, Nguyễn Tuấn Khởi, cho biết vẫn cảm thấy chưa làm hết sức mình được vì năng lực còn kém

Khi "Hành trình Đỏ" đã đi vào guồng quay và tiếp tục lan rộng, anh lại dấn thân vào một hành trình mới, đó là sàn giao dịch thương mại điện tử Nông nghiệp Việt Nam mang tên AGR.VN sẽ ra mắt cuối năm nay?

Qua những chiến dịch giải cứu cho heo, chuối, dưa hấu, hành tím… cho nông dân, tôi muốn làm một cái gì đó căn cơ hơn cho nông nghiệp Việt Nam.

Tìm hiểu kỹ về giống chuối già Nam Mỹ đang trồng đại trà tại Đồng Nai, tôi phát hiện ra chuối rất ngon, nhưng người dân bán 500 đồng/kg không ai mua.

Năm trước do Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... thu mua chuối nhiều, hàng loạt công ty bán giống, nguyên liệu cho nông dân.

Nhưng khi Trung Quốc chuyển qua mua chuối Philippines, thế là thừa hàng.

Chuối già Nam Mỹ khó chín, phải có kỹ thuật ủ chín. Người dân trồng hàng loạt mà không biết bán ở đâu, người tiêu dùng thấy trái chuối to bự lại tưởng là bị nhúng thuốc.

Kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy khi hướng cả xã hội vào quan tâm cùng một vấn đề sẽ giải quyết được.

Tôi đang khởi động trang web chợ nông sản, giúp nông dân bán nông sản theo chuỗi, cùng Hành trình khởi nghiệp Việt Nam, trang Thanhnienkhoinghiep.vn cũng đã thực hiện 5 năm nay.

Từ giai đoạn ngây thơ, cảm tính, tập trung giải quyết một vấn đề cho xã hội, trong quá trình khởi nghiệp theo mô hình kinh tế sẻ chia, bây giờ tôi muốn làm chuỗi thực phẩm sạch để cứu nông dân.

Ban đầu là trang điện tử Nosa.com.vn, một phần mềm kết nối với nông dân, người mua có thể mua sỉ, lẻ, mình sẽ kết nối với các nhà cung cấp, thu mua, mua bán tự do, tổ chức các diễn đàn, đi sâu chuyên đề, thúc đẩy mọi dự án khắp nơi trên thế giới. Tiếp theo là AGR.VN sẽ khởi động vào cuối năm nay.

Người nông dân có tinh thần khởi nghiệp rất lớn, từ trước khi có khái niệm khởi nghiệp ra đời.

Trồng được cây gì, nuôi con gì cũng biết đem ra chợ bán. Bây giờ thì chợ đã thoát khỏi giới hạn làng xã, đem lên mạng luôn. Nhưng lại thiếu cơ chế chính sách cho những người nông dân khởi nghiệp.

Là đối tác của tập đoàn CP, tôi được đi tham quan học hỏi các nước như Indonesia, Thái Lan về nông nghiệp bền vững.

Tôi thấy mô hình nông dân bán hàng nông nghiệp qua thương mại điện tử rất nhiều.

Khi một người nông dân làm ra sản phẩm, họ đã biết trước là đi bán ở đâu rồi, và biết làm sao để sản xuất ra được sản phẩm đặc biệt.

Ứng dụng RegoPantes.com của Indonesia là một ví dụ, giúp nông dân bán sản phẩm, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng không qua thương lái.

Hay qua nền tảng Alibaba, nông dân Trung Quốc đã tạo ra kênh bán hàng lớn khủng khiếp cho nông nghiệp.

Tại sao không tạo ra một kênh thông tin cho nông dân lên đó quảng bá.

Các nhà cung cấp có thể trực tiếp liên lạc với nông dân?

AGR.VN sẽ có một quy hoạch sản phẩm chủ lực cho nông sản như vải thiều Lục Ngạn ở Bắc Giang, cam Cao Phong, chuối Đồng Nai…

Sàn giao dịch cũng cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, quy trình trồng trọt, chế biến sau thu hoạch.

Thống kê đầy đủ nhất và các loại giống như trang RegoPantes của Indonesia… xem vùng nào trọng điểm, có sản lượng cao nhất.

Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các nông dân và phòng nông nghiệp địa phương, để hướng dẫn nông dân có trách nhiệm dùng mạng xã hội, biết đưa thông tin về vườn của mình lên trang web, để giúp người mua, nhà phân phối hiểu về nguồn gốc xuất xứ, cập nhật lịch trình cây lớn.

Tập trung trước tiên vào những loại trái cây dễ bị tổn thương nhất, giúp nông dân có tư duy buôn bán. Có những thông tin cảnh báo trước khi gieo trồng, giúp nông dân biết nhu cầu thực tế là gì?

Trang thương mại điện tử này phát triển như một dự án startup của tôi, thiết kế công nghệ tương đối để bảo đảm về bảo mật.

Tôi tin với mối quan hệ của mình, các tập đoàn nông nghiệp sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho sàn giao dịch này như tập đoàn CP, tập đoàn Lộc Trời… từ kinh nghiệm của họ để giúp nông dân gia nhập nông nghiệp bền vững, điều kiện làm bài bản.

Anh dự định hành trình xanh này sẽ mất bao nhiêu thời gian để vào guồng?

Để tác động toàn vùng, phải mất 5 năm. Năm thứ nhất chỉ để cho mọi người biết sàn giao dịch này là gì.

Định hướng chiến lược của tôi là từ 300 nông dân nòng cốt ban đầu từ các chiến dịch giải cứu, sẽ phải quy tụ được ít nhất 1.000 nông dân trong năm đầu, có thông tin đầy đủ trên sàn của mình về sản xuất an toàn, sạch.

Năm thứ hai hướng đến kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp, tạo thành những hệ sinh thái khác về phân bón, vật tư nông nghiệp để tham gia vào sàn.

Chưa thể có giao dịch lớn ngay, mà phải có dữ liệu đã, từ đó mới có giao dịch thành công.

Phổ cập kiến thức mạng xã hội, nhắn tin… Zalo cho người nông dân, khi đó chỉ cần 1 điện thoại thông minh có thể tư vấn nông dân cụ thể về giá cả trong nước và xuất khẩu, nhu cầu, sản lượng tồn kho của từng loại sản phẩm…

Qua những chiến dịch giải cứu cho heo, chuối, dưa hấu, hành tím… cho nông dân, Nguyễn Tuấn Khởi muốn làm một cái gì đó căn cơ hơn cho nông nghiệp Việt Nam.

Chấp nhận đầu tư dài hơi, bài bản như thế hẳn rất khó khăn với anh về nguồn lực, chi phí?

Ba năm đầu chỉ có đầu tư, tạo sân chơi trước cho nông dân có thói quen.

Năm thứ 5 mới có doanh thu từ hoạt động thương mại kết nối của sàn, chi phí quảng cáo, giao dịch.

Đây là công việc thú vị, giúp tôi giải tỏa áp lực cho bản thân mình vì cứ bị kêu đi giải cứu hoài mệt quá, chứ không có gì to tát cả…

Nhưng tôi có niềm tin. Mình làm nông nghiệp nhiều, từ 2016 chuyển động của hàng loạt đại gia sang đầu tư nông nghiệp cho mình cho tôi cảm nhận rất rõ nông nghiệp sẽ khởi sắc, vì đất nước mình là nông nghiệp mà, đặc biệt có những sản phẩm tiêu biểu, khác biệt, có điều kiện phát triển mạnh.

Như Grab có chiếc xe nào đâu, làm nông nghiệp cũng đâu có cần miếng đất nào. Ban đầu làm mạng, sau đó chúng tôi sẽ làm kho để đóng gói.

Dường như các dự án vì cộng đồng của anh vẫn phát triển liên tục, như dự án Ngân hàng thức ăn cho người nghèo Food Bank Việt Nam từ đầu 2018 đến nay?

Tổ chức này được thành lập tại Mỹ năm 1967, như một kho lưu trữ thực phẩm, và từ đó đến nay đã được nhân rộng ra thế giới.

Các nguồn thực phẩm tại Food Bank được kêu gọi đóng góp và thu gom từ các nguồn dư thừa trong xã hội.

Từ các khẩu hiệu của Food Bank như “ Đẩy lùi cái đói”, “Chiến đấu với cái đói”, “Nước Úc không có người đói”… tôi thấy Việt Nam, nơi còn quá nhiều những người nghèo cần giúp đỡ phải có mô hình này.

Tháng 1/2018, Food Bank Việt Nam ra đời, hỗ trợ thịt heo, gạo, thực phẩm và tổ chức nấu ăn cho các trung tâm mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão, những người vô gia cư, trẻ em nghèo…

Đây là mô hình rất sáng tạo của thế giới, để dự án phát triển bền vững, chúng tôi đã gắn với các dự án về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. VTV Corp sẽ là công ty tư vấn và thực hiện cho họ luôn.

Đây là nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp, và VTV Corp đã trở thành đơn vị tiên phong trong CSR, cung cấp mấy chục ngàn xuất ăn cho người nghèo.

Từ thực tiễn đi lên, mô hình cứ lớn dần, giờ tôi hiểu, để cứu được nhiều người thì cách làm phải bền vững. Vất vả hơn, nhưng có niềm vui riêng.

Dự án “Khát vọng sáng” thì khởi nguồn từ một người bạn mù trong công ty tôi.

Nhận anh vào làm với mức lương 4 triệu để trả lời email, tôi đã từng có một ngày tự bịt mắt mình lại, để hiểu được tâm trạng của người mù.

Dự án được nghiên cứu rất kỹ từ 2011, trước tiên là để giúp anh ấy tìm được người hiến giác mạc.

Nhưng rất tiếc lúc đó luật hiến tạng chưa cho phép, nên dự án tạm gác lại.

Rồi tôi bị cuốn vô "Hành trình Đỏ", đến giờ mới ra mắt được “Khát vọng sáng”.

Làm việc ban chỉ đạo phòng chống mù lòa, nhiều hoạt động đã ra đời như chương trình hỗ trợ người mù xe đẩy, gậy, hiến tặng giác mạc, để làm sao có nhiều triệu người chịu hiến tặng giác mạc.

Đích đến cuối cùng của tôi để giúp cho người mù lòa và khiếm thị. Quỹ tiệc tối “Không gian cầu vồng đơn sắc”, thử bịt mắt người sáng để hiểu cảm nhận của người mù, hiểu nỗi đau của họ cũng khá thành công.

Làm thế nào để anh kiên định với con đường doanh nghiệp xã hội đúng nghĩa?

Tôi đã từng bị gọi là “Dracula”, con quỷ hút máu người! Đi đến đâu cũng bị dòm ngó, có người còn hỏi dò tôi “mỗi năm chắc mày được bộ cho mấy chục tỷ?”.

Đâu ai biết quản lý máu đi theo quy trình nghiêm ngặt lắm.

Nhà nước chỉ trả tiền cho người đi hiến máu mấy trăm ngàn, gồm sữa, đường, tiền mặt. Còn tiền tổ chức sự kiện, tiền quản lý các huấn luyện viên đều do mình lo hết, quản lý còn hơn kỷ luật quân đội nữa.

Để làm được việc này, thần là mình, quỷ cũng là mình. Có chương trình giúp cho trẻ mồ côi, người già neo đơn cần 100 triệu, mình vận động mới được 20 triệu thôi.

Phải mạo hiểm, sẵn sàng trích từ 20 triệu đó đi nhậu với mấy anh marketing của các doanh nghiệp lớn, để vận động hỗ trợ.

Họ cho thì không nói, họ không cho làm sao, hoặc bị người ta phát hiện thằng này lấy tiền từ thiện đi nhậu?

Thành công không nói, không thành công sẽ bị lên án, áp lực dữ lắm.

Tham gia Câu lạc bộ Doanh nhân và quản trị, tôi muốn vận động các chủ doanh nghiệp tham gia vào công việc đào tạo sinh viên, từ thiện về tri thức mới là cách làm căn cơ nhất.

Qua những khóa đào tạo, tôi thấy các em sinh viên rất thích thú với các bài học thực tiễn mình đưa ra.

Tôi sẽ nhân rộng việc giảng dạy của các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân và quản trị đến với các em học sinh, sinh viên, để truyền cảm hứng, chuyên môn tài chính, kỹ năng sống… khi đi dạy bản thân doanh nhân cũng được hệ thống lại kiến thức, đó cũng là một cách để học.

KIM YẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/nhan-vat/bizstory-nguyen-tuan-khoi-ceo-vtv-corpvn-tu-hanh-trinh-do-den-hanh-trinh-xanh-3469412.html