Nguyễn Trương Quý: Ngồi xõa tóc thề

Cắt tóc là một hành vi quá đỗi quen thuộc của đàn ông hiện đại không phân biệt vùng địa lý. Tóc vì thế cũng mau chóng dễ đổi kiểu nhanh hơn cả mốt quần áo. Nhưng trong vốn văn hóa của người Việt, 'cái tóc là góc con người', nghĩa là đèo một ít ý niệm đạo đức, thành ra lại khá quan trọng khi bị người ngoài lấy đó đánh giá cốt cách. Đặc biệt, kiểu đầu tóc chính là thứ đánh dấu khoảng cách già trẻ rõ rệt.

Nếu nhìn vào hình tượng đàn ông toàn cầu được các quảng cáo và phim ảnh trưng ra, dấu hiệu của một đô thị văn minh là có đủ số hiệu cắt tóc. Ngay trong thời chiến tranh, cắt tóc gợi nên một dấu hiệu thanh bình của đời sống chưa bị đạn bom tàn phá.

Hình ảnh ưa thích của các phóng viên phương Tây đến Hà Nội thời chiến tranh là cái thành phố bí hiểm hồi ấy với thế giới hóa ra vẫn có hiệu cắt tóc. Dấu hiệu của một người đàn ông sống ở nơi bình yên là họ có mái tóc được chăm sóc, dù dài dù ngắn, rẽ ngôi vuốt keo bóng mượt hay lởm chởm phong cách rock, con người ở những nơi ấy có đất thể hiện sự ý thức về cá nhân trong xã hội. Có lẽ không phải quần áo, mà chính mái tóc mới là nơi trưng ra đặc trưng nam tính từng xã hội. Quần áo có thể giống nhau do đâu cũng bán chừng ấy nhãn hiệu toàn cầu, nhưng mái tóc phụ thuộc thẩm mỹ và tay nghề thợ mỗi nơi. Đàn ông châu Á một dạo cắt tóc y hệt các ngôi sao Hàn Quốc hay boy band Đài Loan tóc dài che nửa mặt, trong khi đàn ông phương Tây được an ủi rằng hói vẫn đẹp trai nhờ Bruce Willis hay Jason Statham.

Hiệu uốn tóc mậu dịch Hà Nội 1967. Ảnh: Lee Lockwood

Hiệu uốn tóc mậu dịch Hà Nội 1967. Ảnh: Lee Lockwood

Cắt tóc bên cạnh lý do thẩm mỹ (trừ những nền văn hóa vẫn giữ tóc dài) còn để giữ vệ sinh. Nghiên cứu cho thấy ở thời La Mã để tránh lây lan chấy rận và không bị kẻ địch túm tóc, các chiến binh phải cắt tóc thật ngắn. Nền văn minh La Mã đã gây ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn, rồi sau hai nghìn năm, phương Tây lần nữa gây ảnh hưởng toàn cầu về phong tục này. Một trong những việc đầu tiên các học giả phong trào Duy Tân ở nước ta đầu thế kỷ 20 đề xướng là cải cách y phục và cắt tóc ngắn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã kể về tác động của hành vi này trong gia đình mình, khi bố ông là nhà văn hóa Phạm Duy Tốn thuộc vào hàng những người như thế:

“Bố tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên cắt búi tó và mặc âu phục. Không biết lúc chuẩn bị cắt tóc bố tôi có sai vợ lập ban thờ để làm lễ xin tổ tiên tha cho cái tội tày trời như những người cùng cảnh ngộ hay không? Nhưng sau khi bố tôi cắt tóc, bà tôi buồn rầu và căm giận đến độ từ đó trở đi, mỗi một buổi sáng vừa mở mắt dậy là bà tôi ngồi chửi con. Bà cứ ngồi ở đầu giường, không thèm đi xúc miệng vì muốn làm tăng ác độ của câu chửi... Kèm theo câu chửi là câu rủa... Đệm vào câu rủa là một cái bát đàn -- loại bát bằng đất nung, rẻ tiền nhất -- được bà tôi đập xuống đất vỡ tan. Rủa cho bố tôi chết. Lời rủa có vẻ hiệu nghiệm. Bố tôi chết trước bà tôi hai năm.

…Bà là đại diện của một nền văn minh cũ, mang trong lòng tất cả những tín ngưỡng rất lâu đời và khó bỏ. Việc cắt tóc của bố tôi không chỉ là một hành động chống lại mẹ, nó còn là sự đả phá một kỷ luật đã có hằng mấy trăm năm, nếu không dám nói là cả nghìn năm.” (Phạm Duy - Hồi ký Thời thơ ấu – Vào đời).

Phạm Duy Tốn và Phạm Quỳnh mặc Âu phục đi dự Đấu xảo ở Pháp 1922. Ảnh: TL

Câu chuyện đầy náo động của gia đình Phạm Duy phần nào thể hiện sự biến đổi không thể nói là êm ả của xã hội Việt Nam trong bước hiện đại hóa. Rõ ràng, việc cắt tóc không đơn giản là hành vi cải lương yếu đuối mà thực sự đụng chạm đến một tín ngưỡng văn hóa, thứ có tính cội rễ sâu hơn cả tín ngưỡng tôn giáo. Nhân vật AQ trong truyện vừa của Lỗ Tấn cùng thời với Phạm Duy Tốn không cắt tóc mà “cách mạng” bằng cách quấn đuôi sam lên đỉnh đầu như nhiều người đàn ông làng Mùi để rồi khi hết cách mạng thì lại thả xuống. Lỗ Tấn giễu cợt sự cách mạng nửa vời của AQ trong dụng ý góp phần chỉ ra những thói tật của một xã hội lạc hậu thủ cựu kìm hãm con người. “AQ” đã trở thành một tính từ để chỉ tính cách lấy “phép thắng lợi tinh thần” ru ngủ bản thân trước những thất bại.

Nhưng 135 năm trước thời Phạm Duy Tốn và AQ, người Việt đã khẳng định “đánh cho để dài tóc” là một mục đích giữ gìn bản sắc văn hóa khi Quang Trung ban Lời hiếu dụ tướng sỹ:

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Những lời hịch này đã góp phần khiến đạo quân Tây Sơn làm nên chiến thắng lịch sử trước các tổ tiên tóc đuôi sam của AQ. Tất nhiên nước Đại Việt của quân Tây Sơn và Trung Quốc đời nhà Thanh năm 1789 khác với nước Việt thuộc địa và Trung Quốc năm 1924. Ở ngưỡng cửa cuộc tiếp biến văn hóa, mái tóc đã trở thành trận địa cho một cuộc chiến mới.

***

Sau những xung đột cũ - mới có phần gây tổn thương thế hệ cựu học, mái tóc cắt ngắn đã bổ sung thêm tính chất thời trang bên cạnh tính thường quy của nó. Đàn ông Việt Nam bỏ qua nghi thức đội tóc giả kiểu quý tộc còn rơi rớt ở vài thuộc địa Anh quốc mà cập nhật thẳng thời trang tóc cắt cao và vuốt bi-dăng-tin (tiếng Pháp: brilliantine) như quý ông Pháp “mẫu quốc”.

Mái tóc chải bồng bóng mượt đã thành một biểu tượng đầy ẩn ức về nam tính thời thuộc địa, hoàn chỉnh bộ dạng có đủ complê, cà vạt, giầy Tây và mũ phớt. Nó đã thắng thế chiếc khăn đóng của các cụ lý ông chánh sau những lũy tre xanh. Có lẽ bà mẹ của Phạm Duy Tốn mang nỗi uất ức với người con trai cắt tóc lối Tây là vì sự nam tính của người gia trưởng không còn trong tầm kiểm soát của lề thói quen thuộc nữa. Chỉ một mái tóc cũng đủ gây bất an, xem ra triệt để hơn anh chàng AQ bên Tàu nhiều!

Chính cháu trai của người phụ nữ bảo thủ này vài thập niên sau lại tỏ ra quyến luyến với mái tóc dài truyền thống của những người tình. Phạm Duy yêu Alice, một cô gái lai nhỏ tuổi, ông duy trì mối tình ấy suốt một thời gian dài, để rồi kỷ vật giữ lại là một “vạt tóc nâu khô, còn chút thơm tho, thả gió bay đi mịt mù” (Nghìn trùng xa cách), ông vọng tưởng kỷ niệm qua câu ca dao “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”. Trong cả trăm bài hát nhiều nhục tính của Phạm Duy, những bài hát về mái tóc này của ông lại tỏ ra trong trẻo, diễm ảo hơn hẳn và nằm trong số những bài ca được yêu thích nhất.

Mái tóc dài của diễn viên Thế Anh thập niên 1980. Ảnh: Trần Chính Nghĩa

Tóc là một ẩn ức về nhục cảm, nhưng còn hơn thế, nó là dấu hiệu của sự xa xỉ được cho phép trong một xã hội nhiều thành kiến về việc sống xa xỉ. Có lẽ việc làm đẹp mái tóc (theo cách truyền thống) là thứ duy nhất không bị xếp vào sự sa đọa mà còn thậm chí được yêu cầu phải chăm chút cho dù nghèo đến đâu.

Tục ngữ ca dao nhắc đi nhắc lại “cái răng cái tóc là góc con người” hoặc tôn mái tóc lên hàng đầu tiên: “Một thương tóc bỏ đuôi gà”, trước cả “ăn nói mặn mà có duyên”. Thơ Mới dĩ nhiên chẳng bỏ qua việc tán tụng mái tóc: “Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ phụng quân vương” (Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ) lấy từ điển tích “Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại với nàng vào cung” (chú thích của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam). Hoang dại hơn, Lưu Trọng Lư viết: “Còn đâu ánh trăng vàng/ Mơ trên làn tóc rối?” (Còn chi nữa).

Năm 1953, rạp Ciro’s ở phố Hàng Bài (Hà Nội) chiếu một bộ phim Nauy được quảng cáo ly kỳ: “Một chuyện tình bên hồ, trong ánh sáng lung linh hớn hở, để tắt trong mây thu, của đôi thanh niên thiếu nữ băng khỏi thời gian sống trong cung đàn âu yếm để tỉnh giấc trong tục lụy và nàng xa cõi thế” (Tia Sáng 1-5-1953). Bộ phim được đặt tên tiếng Việt là “Tóc em chưa úa nắng hè”. Tên gốc của phim nghĩa là “Nàng chỉ khiêu vũ một mùa hè thôi”, phim đã đoạt giải Gấu vàng LHP Berlin 1952, thắng các phim đình đám khác như Rashomon (đạo diễn A. Kurosawa) hay Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu (đạo diễn Zoltán Korda).

Quảng cáo phim “Tóc em chưa úa nắng hè” tại rạp Ciro’s (Hà Nội). Báo Tia Sáng 1.5.1954. Ảnh: TL

Tên tiếng Việt của bộ phim xuất hiện trở lại trong một bài hát nổi tiếng sau này của Phạm Mạnh Cương, một nhạc sĩ gốc Huế. Vào đúng năm 1953 ấy, chàng trai 20 tuổi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm. Nhiều người biết bài hát Thu ca được chàng viết thời điểm này, lấy cảm hứng từ khung trời thu đất Bắc với những nữ sinh “làn môi cười thắm như cánh hoa đào”. Gần hai mươi năm sau, Tóc em chưa úa nắng hè là tên một bài hát của Phạm Mạnh Cương được xuất bản, với lời ca gợi khung cảnh đầy nhục cảm:

Em buông lơi tóc thề

Tình mình theo cơn lốc về

Em như mưa nắng hạ

Hôn bờ biển xanh sỏi đá

Không biết ai là người đã đặt cái tên đầy hấp dẫn kia cho bộ phim ở một rạp chiếu bóng rất nhỏ của Hà Nội thời ấy? Bộ phim có nhiều cảnh khỏa thân táo bạo ở thời điểm đạo đức xã hội Việt Nam vẫn rất khắt khe, trong khi sau ngày tiếp quản Hà Nội, rạp mang tên Kim Đồng, vốn ưu tiên chiếu phim thiếu nhi.

Cũng vào khoảng thời gian ấy, có một câu hát về mái tóc Hà Nội đi vào nỗi hoài niệm suốt hơn nửa thế kỷ sau: “Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về…”. Bài hát Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương còn nhiều chi tiết khác, nhưng tính từ “lê thê” găm lại óc người ta một cảm giác hoài cổ đậm nét. Nhưng rồi đến thời người ta quên hẳn “ngày nào cùng bước đến cầu, ngồi xõa tóc thề, hẹn lời ân ái, trôi tới bến nào, hình dáng thuyền yêu” (Lá thư – Đoàn Chuẩn & Từ Linh), mái tóc giờ gắn với nhiệm vụ “cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn” (Cô gái mở đường – Xuân Giao).

Bìa tờ nhạc Hướng về Hà Nội, NXB Tinh Hoa 1954. Ảnh: TL

Nhưng dù chiến tranh hay thiếu thốn, người ta vẫn cần dịch vụ cắt tóc nam nữ, vì thế có đủ cả hệ thống cửa hàng quốc doanh lẫn tư nhân tự phát ở các vỉa hè. Chỉ cần một cái khoảnh con con là ông thợ có thể treo một cái gương, đặt một cái ghế, cắp theo cái hộp đồ nghề là đã có thể kiếm ăn. Ngoài các phụ nữ có điều kiện làm đầu phidê, đa phần chị em để tóc búi hoặc kẹp bằng kẹp ba lá, kẹp tăm hay tết bím (đến độ đã thành hình ảnh khuôn sáo nhàm chán đến phát sợ trên sân khấu và phim ảnh nếu muốn khắc họa hình ảnh cô gái thời bao cấp!). Song mái tóc vẫn nhất thiết là chốn nghiêm cẩn khi ngự trị trên đầu.

Khi nói đến “ngồi xõa tóc thề” chẳng ai có thể nhớ đến câu hát lãng mạn thời tiền chiến, tóc xõa chỉ còn Xúy Vân giả dại trên sân khấu chèo.

Những năm sau khi đất nước thống nhất, người Hà Nội tìm lại cảm giác về mái tóc có màu sắc lãng mạn, nhất là nhờ những bài hát của Trịnh Công Sơn tràn ngập những vùng âm u tóc. Người ta được chút tiêu dao với “Tóc người dòng sông xưa ấy đã phai” hay “Ôi tóc em dài đêm thần thoại”. Người ta hồi tưởng về thời lãng mạn nhờ “tóc em anh sẽ gọi là mây” (Ngô Thụy Miên) hay “tóc mây hồng cho mắt long lanh” (Phạm Thế Mỹ)…

Các cô đổ xô đi cắt tóc giống các diễn viên, còn cánh đàn ông cũng không chịu kém. Tóc của nam giới biến đổi dữ dội, từ thời tóc dài trùm gáy kiểu Modern Talking thập niên 1980 đến đuôi dế thập niên 1990, sau cơn sốt tóc Hàn Quốc đầu thế kỷ 21 là undercut hiện giờ… Tóc không chỉ màu đen như màu tóc của người Việt mà còn nhuộm đủ màu theo thời trang. Tóc đã bớt nghiêm trọng hơn xưa, trừ trong quân đội, công an và chốn trường học – những nơi đòi hỏi tính đồng phục.

Tóc phi dê bên hồ Trúc Bạch 1954. Ảnh: LIFE

Ở chốn sau cùng, không nói ra thì ai cũng đồng tình học sinh nam phải cắt tóc ngắn. Tóc dài còn bị xem như đạo đức không tốt (“con nhà không có giáo dục”!), thậm chí bị xếp loại hạnh kiểm kém. Nhưng tôi không biết liệu điều này có khiến các thầy cô giảng bài văn-sử khó xử khi dạy đến phần chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu của Quang Trung không, khi mà hai thế kỷ trước người Việt đánh đuổi quân Thanh để giữ cái quyền “để dài tóc” trước tiên đó sao?

Nguyễn Trương Quý

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-quy-ngoi-xoa-toc-the-22023.html