Nguyễn Trương Quý: Mũ áo xênh xang

Ngày 15.12.2007 có thể coi như một ngày đi vào lịch sử Việt Nam: ngày toàn dân bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ra đường, dù là thành thị hay nông thôn. Vào những ngày sau đó, các cửa hàng bán mũ thời trang sụt giảm doanh số khá mạnh, liên quan chủ yếu đến thời trang chị em. Nhưng ở xứ sở nắng mưa khắc nghiệt như nước mình, xưa nay đi bộ hay xe hơi cũng phải đội mũ gì đó chứ?

Nói chung, tầm quan trọng của mũ nón chẳng phải bàn cãi, nhất là khi ở Hà Nội có hẳn phố Hàng Nón. Cách phố này hơn trăm mét là những phố Lương Văn Can, Hàng Đào, tập trung các hiệu thời trang len dạ complê nam giới, và có hẳn vài cửa hiệu bán mũ Tây. Những loại mũ này thường đi cùng bộ với áo choàng dạ, áo len casơmia, khăn phula... những thứ mà vào thời đạm bạc xa xưa, đã trở thành những chỉ dấu về một người đàn ông sang trọng thành đạt trong xã hội.

Thế giới từ vựng của thị dân Hà thành đột nhiên được cập nhật rôm rả, biến cả những nhãn hiệu thành danh từ chung như khăn phula từ tên hãng Furla hoặc biến danh từ thành tính từ như “phớt Ăng lê” (chắc chỉ loại mũ phớt nhập từ Anh liên hệ với tính lãnh đạm của người Anh?). Trong ngôn từ của người Hà Nội, những từ như khăn san (châle), vải casơmia (cashmere, ít ai bận tâm đến bang Kashmir bên Ấn Độ dù hồi Pháp thuộc có vài trăm Ấn kiều bán hàng hay làm lính gác ở Hà Nội) hay khăn phula đồng nghĩa với một thế giới phồn hoa.

Chúng cũng kịp chen chân vào tân nhạc, kịp làm người nghe của những thế hệ sau này ngẩn ngơ: Em tôi đi, màu son lên đôi môi, khăn san bay lả lơi trên vai ai. Trời thắm gió trăng hiền, Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên... Kể ra nhắc đến Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn - Từ Linh viết năm 1956 cũng hơi nhiều, chẳng nhẽ có mỗi một bài này làm bảo tàng? Các thi sĩ Thơ Mới nhắc nhiều đến những “tà áo mới cũng say mùi gió nước” hay “chiếc khăn mỏ quạ cái quần nái đen”, nhưng ít khi đưa thẳng tên gọi kiểu Tây vào lời thơ.

Tuy nhiên các văn nhân cũng kịp để lại cho hậu thế những thứ tạo dựng hình tượng của họ. Xét về cá tính “đệ nhất cầu kỳ” thì người ta hay nhắc tới Nguyễn Tuân. Trong số 12 kỷ vật mà gia đình ông tặng lại Bảo tàng Văn học Việt Nam, có “hai kỷ vật đặc trưng của cố nhà văn là chiếc mũ phớt và chiếc gậy ba toong - những vật bất ly thân của cụ Nguyễn sinh thời” (báo điện tử VTC 15.8.2007). Hai thứ này chứng tỏ Nguyễn Tuân đi bộ là chủ yếu, hành vi thị dân Hà Nội ngày nay có vẻ ít lựa chọn khi di chuyển. Vậy là đúng bốn tháng sau khi chiếc mũ phớt của tác giả Vang bóng một thời được bảo tàng hóa thì đàn ông Hà Nội nhất tề đội mũ bảo hiểm. Những chiếc mũ phớt mặc nhiên dành cho người già, những người được mặc định là không phù hợp để đi xe máy nữa.

Thanh niên bây giờ nếu không phải đội mũ bảo hiểm thì cũng đội mũ lưỡi trai kiểu chơi bóng rổ, khi trời rét thì các chàng đội mũ len hoặc mặc áo hoodie có mũ liền áo, trông có vẻ hiện đại giống các bạn cùng trang lứa Âu Mỹ, lại tiện đội mũ bảo hiểm lên hơn là chiếc mũ phớt gợi nhớ hình bóng ông nội sáu bảy mươi năm trước.

Nhà văn Nguyễn Tuân.

Nhà văn Nguyễn Tuân.

Hiệu thời trang nổi tiếng nhất thời 1930 - 1945 không phải nơi nào khác ngoài hiệu may Âu Hóa của vợ chồng ông bà Văn Minh trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Tất nhiên có nhiều hiệu nổi tiếng thực sự ngoài đời, nhưng Vũ Trọng Phụng đã chớp được cơ hội khai sinh hiệu may ồn ào này chính là nhờ nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Điểm nhận diện anh chàng này trước tiên chính là cái tên gắn với mái tóc.

Ở đầu tiểu thuyết trào phúng này, Xuân, khi ấy còn là một “thằng nhặt bóng ở sân quần” đã hỏi thầy bói:

- Cụ trông mặt tôi mai sau có phất được không?

Ông thầy ngắm nghía cái đầu tóc đỏ, cái trán lép, cái quai hàm to, cái nhân trung dài, hai cái tai đầy đặn ấy, rồi gật gù:

- Khá lắm! Hậu vận khá lắm! Chỉ tiếc cái tóc không được đen.

- Mẹ kiếp! Chứ xưa nay có mũ bao giờ đâu mà tóc chả đỏ!

Vài câu thoại chấm phá nên đời sống nhân vật, cũng đồng thời tiết lộ rằng người có địa vị trong xã hội là phải đội mũ. Mái tóc đỏ quạch của Xuân tố cáo thân phận thấp kém của anh ta. Ấy vậy mà như người đọc đã biết, Tóc Đỏ lại là thương hiệu làm nên thành công “hậu vận khá lắm” của nhân vật này, ít nhất là đứng vào hàng ngũ thượng lưu như gia đình cụ cố Hồng. Khi đám tang ông nội của gia tộc này diễn ra, người ta thấy “Xuân Tóc Ðỏ đứng cầm mũ nghiêm trang một chỗ, bên cạnh ông phán mọc sừng”. Từ một kẻ dưới đáy xã hội “xưa nay có mũ bao giờ”, đến đây Xuân ta đã có cái dáng “cầm mũ nghiêm trang”.

Cái mũ là vật chứng cho sự đổi thay địa vị, chẳng cứ phải đợi đến thời Tây. Đã có nhiều nghiên cứu về các loại mũ mãng của giới quý tộc và trí thức đời xưa, đại để qua cái mũ đội đầu người ta nhận diện phẩm trật của các giai tầng xã hội. Ít nhất thì đàn ông xưa không đội mũ thì cũng phải có khăn đóng đi với áo dài. Để đầu trần khi giao tế là một việc thất cách. Chi tiết Nguyễn Huy Thiệp cho vua Quang Trung nửa đêm xõa tóc đi tìm nàng Vinh Hoa trong truyện ngắn Phẩm tiết có lẽ là một chi tiết nghiêm trọng về quy cách, ngày xưa mô tả vua như thế khéo phạm tội khi quân.

Cái mũ phớt cuối cùng làm điên đảo giới mộ điệu chính là cái mũ của diễn viên Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa, một thể loại phim điệp viên 007 của điện ảnh thời bao cấp.

Khi xã hội suy vi, cái mũ cũng có thể là thứ trá hình. Ở Trung Quốc xưa, quan tước cao đội mũ có gắn đuôi con điêu, một loại chồn đuôi to, lông dài đẹp sống ở xứ lạnh. Đời Tấn Huệ đế, Triệu vương Tư Mã Luân lạm phong quan tước, đuôi điêu không đủ, người ta dùng đuôi chó thay vào. Người sau có từ “nối điêu” để tỏ ý khiêm nhường, nói mình không bằng người trước. Trong Truyện Kiều, để từ chối việc họa lại bài thơ của Thúc Sinh, Kiều nhún mình “Hay hèn lẽ cũng nối điêu”. Có vẻ như từ này đã biến đổi thành “nói điêu” hay “điêu ngoa” để trỏ việc không thật thà?

Nhưng gần như đại bộ phận các loại mũ phức tạp ấy ngày nay đã thất truyền, phần nào do quá trình Tây phương hóa như những hiệu Âu Hóa đã tiếp sức vào đầu thế kỷ XX. Những chiếc mũ vua quan dưới con mắt một nhà văn cùng thời Vũ Trọng Phụng là Nguyễn Công Hoan cũng trở thành đối tượng châm biếm khi ông chế giễu thời đại phong kiến suy tàn qua hình thức một gánh hát tàn tạ trong thiên truyện Đào kép mới, khi mà “bọn đào kép ban An Lạc lại mũ mãng, phấn sáp, râu ria, ngồi trơ tráo trên xe cao su, đi diễu qua các phố để phơi nắng cái đời hát tuồng còn ngắc ngoải”.

Với tầng lớp trên đã vậy, trong tâm lý bình dân, người ta cũng sẵn nhận diện sự giả dối bề ngoài:

Ra đường mũ áo xênh xang
Về nhà hỏi vợ: Cám rang đâu mày?

Thật kỳ lạ, ca dao hay dân ca dành khá nhiều lời ấn tượng về cái nón của chị em nhưng dường như không để ý đến vẻ đẹp nam giới khi đội mũ, như thể cái mũ đã “điêu” lại thật vô dụng! Cho dù hình ảnh các liền anh quan họ Bắc Ninh làm chị em say đắm với chiếc khăn đóng trên đầu và cái ô đen cầm tay, đến giờ vẻ phong nhã ấy đã thành dĩ vãng. Gần đây có phong trào phục hồi áo dài truyền thống, nhưng rất ít anh em đội một cái khăn đồng bộ.

Hà Nội thập niên 1940

Nhìn sang hình ảnh doanh nhân thành đạt phương Tây trên các quảng cáo hay phim ảnh, họ cũng không còn đội mũ phớt hay các loại tương tự nhiều nữa. Thay vì thế, họ chăm chút mái tóc. Mấy năm nay, mốt tóc undercut và những kiểu cầu kỳ khác bùng nổ toàn cầu. Lẽ dĩ nhiên mái tóc được tỉa tót đỏm dáng như vậy chẳng hợp lý để giấu trong một cái mũ nào cả. Cái mũ phớt cuối cùng làm điên đảo giới mộ điệu chính là cái mũ của diễn viên Nguyễn Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa, một thể loại phim điệp viên 007 của điện ảnh thời bao cấp. Vẻ đẹp lạnh lùng của đôi mắt ẩn dưới vành mũ đã kịp trở thành hình ảnh kinh điển của nền điện ảnh nước nhà. Tất nhiên còn nhiều cái mũ nam giới đáng bàn nữa như mũ cối, mũ sắt hay mũ tai bèo, những thứ mũ gắn với thời chiến tranh, nhưng phải dành riêng ít nhất một bài...

Khi tôi đang viết những dòng này, ở Hà Nội và Sài Gòn đang xảy ra cuộc tranh cãi dữ dội về việc cấm xe máy trong đô thị nhằm giải quyết vấn đề tắc đường cũng như khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Tôi không biết vai trò của thời trang quyết định bao nhiêu phần trăm trong thành công của kế hoạch này, nhưng chắc chắn là nếu giã từ cái mũ bảo hiểm thì khả năng doanh số mũ thời trang và gel vuốt tóc sẽ tăng ngoạn mục.

Sau một giáp, chiếc mũ bảo hiểm lại có nguy cơ trở về vị trí xuất phát!

Bài: Nguyễn Trương Quý - Ảnh: TL

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-quy-mu-ao-xenh-xang-18002.html