Nguyễn Trung Hiếu và những vần thơ xanh mãi với thời gian

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (1930), ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Quảng Ngãi (nay là phường Nghĩa lộ, TP. Quảng Ngãi) đã giã biệt cõi trần cuối năm 2018, nhưng những câu thơ của ông cùng 'vầng trăng trong ngần' sẽ 'xanh suốt cùng thời gian' và luôn mãi sáng soi trên dặm đường thơ của quê hương, đất nước.

Vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ

Tham gia cách mạng từ 1945, vào Đảng năm 1968, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu trưởng thành trong suốt một chặng đường máu lửa của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại, hào hùng của dân tộc. Tài năng của ông được bộc lộ sớm khi được triệu tập dự Hội nghị Các nhà văn trẻ miền Bắc lần thứ nhất (năm 1959) cùng với các tên tuổi lừng danh như Anh Đức, Lê Anh Xuân, Trúc Thông... Từ tuổi thanh niên cho đến khi giã biệt cuộc đời ở tuổi vượt “cổ lai hi”, Nguyễn Trung Hiếu đã gắn trọn đời mình cùng ngòi bút. Đến lúc ra đi, ông đã kịp để lại cho đời gần 20 tác phẩm, gồm 9 tác phẩm văn xuôi, 6 tác phẩm thơ và một tập ca khúc phổ thơ cùng 3 Tuyển tập cuối đời là “Nguyễn Trung Hiếu tuyển truyện”, “Nguyễn Trung Hiếu tuyển thơ” cùng “Hợp tuyển Nguyễn Trung Hiếu”.

Truyện - ký Nguyễn Trung Hiếu chứa chan hơi thở đời sống, nhất là đời sống trong những tháng năm dài kháng chiến. Nó như một mạch nguồn xuyên chảy suốt hành trình chiến đấu trong chiến tranh và hành trình sống trong hòa bình với bao nhiêu trăn trở, âu lo cùng những niềm tin sáng lên từ những nụ mầm sinh sôi nẩy nở trong công cuộc dựng xây đất nước. Xuất phát từ một phóng viên chiến trường, khởi nghiệp từ báo chí, vì thế, sự nghiệp văn chương được ông khẳng định trên văn đàn là những tác phẩm văn xuôi. Nhưng càng về cuối đời, càng chiêm nghiệm, hồn thơ của ông ngày càng nổi trội và để lại những tác phẩm thơ đủ sức chống chọi với thời gian. Ông thật sự trở thành tấm gương cho lớp văn nghệ sĩ trẻ Quảng Ngãi với đức khiêm tốn, lặng lẽ đến lạ thường. Người ít nói chỉ để cho hồn thơ nói hộ. Sức sống bền vững của thơ ông theo thời gian chính là ý thức tự vượt lên chính mình trong hình thức thể hiện, còn con người và thơ Nguyễn Trung Hiếu từ trước đến nay thì vẫn thế: Lặng lẽ xanh một màu xanh hồn hậu.

Cùng với truyện - ký, thơ ông giai đoạn đầu là tiếng lòng xanh tươi của một chặng đời trai trẻ chiến đấu say mê, lãng mạn: "Ô, đẹp quá! Quanh mình ta gió vờn, mây quyện/ Xe ta đi xua dậy sóng trăng vàng…". Nhìn đâu cũng rực rỡ sắc màu: Vàng óng lúa, đỏ bụi Trường Sơn: "Xe ta băng qua những cánh đồng vàng óng/ Mặc bom rơi, đạn xối đỏ đường/ Nghìn núi, nghìn sông không cản được/ Thác người đi giải phóng quê hương (Đường về - 1966).

Suốt cuộc đời cách mạng và cuộc đời sáng tạo của mình, Nguyễn Trung Hiếu đã được tặng thưởng: Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phạm Văn Đồng lần thứ I năm 2019. Cuộc đời Nguyễn Trung Hiếu đã trọn vẹn cả đôi đường. Vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ thực thụ bằng chính máu xương và tài năng bền bỉ của chính mình.

Đúng là tiếng thơ mang hào khí chung của cả một thế hệ thơ đánh Mỹ. Nhưng càng dấn thân vào chiến trận, Nguyễn Trung Hiếu đủ để trưởng thành và tạo cho thơ mình một dáng nét riêng bằng những câu thơ đẫm mồ hôi hiện thực, nước mắt gian lao và cả xương máu hy sinh giật giành sự sống: "Mỗi túp lều còn đây/ Trải bao cơ cực/ Phải giành từng tấm tranh, nuột lạt/ Bằng mồ hôi/ Cả máu xương của trăm người!" (Tiếng gà xóm Bãi - 1972).

Về cuối cuộc chiến tranh, thơ Nguyễn Trung Hiếu chín dần, màu xanh đã thêm một chút “đậm đà”, lắng lại như “nước chè xanh”: "Những bát nước chè xanh trao nhau rất vội/ Đậm đà sao tình nghĩa quân dân...". Và trong khí thế bừng bừng của ngày giải phóng quê hương, thơ ông vẫn không quá “lắm lời” mà lắng lại “trầm ngâm suy nghĩ” cùng những hy sinh, mất mát đã qua: "Thiên Bút Phê Vân/ Có phải bởi biết hy sinh nên chẳng nói nhiều lời/ Người đứng đó trầm ngâm suy nghĩ…?/ Nghe sóng dậy Long Đầu Hí Thủy/ Mà lòng máu rướm Mỹ Lai!" (Chúng con luôn làm vui lòng Bác - 29.3.1975).

Về với trời xanh thời bình, thơ Nguyễn Trung Hiếu càng “thấm đậm”, “ngát xanh” hơn. Dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn, cuộc nhân thế có bao điều cay đắng, đời riêng đã nghiêng về phía “lá vàng rơi” của tuổi già, thơ Nguyễn Trung Hiếu vẫn xanh mãi với thời gian một “màu xanh không đổi”: "Một chiếc lá vàng rơi/ Màu xanh dường không đổi/ Đôi khi ta vô tình/ Để một ngày ở lại" (Màu xanh thời gian). Nếu thử làm phép thống kê, ta sẽ thấy thơ anh ngập tràn màu xanh. Và, chúng ta có thể vững tin rằng, cho mãi đến muôn sau, hồn thơ Nguyễn Trung Hiếu vẫn mải mê “xanh suốt cùng thời gian”. Xanh để nhìn thấy rõ những trắng đen, dâu bể cuộc đời: "Đâu rồi, hỡi những dòng sông/ Hãy xanh cho thấy hết lòng nông sâu!" (Một sáng tháng ba).

"Quanh mình ta gió vờn, mây quyện"

Nguyễn Trung Hiếu còn là một con người trung hậu trong cả chuyện đời, chuyện nghề và chuyện tư riêng. Tạo lập gia đình trong khó khăn gian khổ và đến những ngày cuối đời được sống trong sự chăm sóc ân cần của người vợ nhu hòa và con cháu yêu thương. Chính sự thuận hòa của những đứa con, sự thấu cảm của người vợ hiền mà có một thời gian dài sau khi tái lập tỉnh, nhà riêng của anh chị đã trở thành Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi cho mãi đến khi chuyển về địa chỉ 68 Hùng Vương hiện nay.

Ngay tại ngôi nhà và mảnh vườn khiêm tốn, ấm áp, thâm tình này, anh đã dìu dắt rất nhiều những bạn văn trẻ trưởng thành. Cũng tại sân nhà này là nơi đã từng thay mặt Hội lúc khó khăn, tiếp đón những nhà thơ, nhà văn tài danh cả nước mỗi khi ghé về thăm Quảng Ngãi. Đó là những Xuân Diệu, Tế Hanh, Hữu Loan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha... cùng rất nhiều bạn bè văn nghệ sĩ của ông cùng trưởng thành trong kháng chiến.

Đến bây giờ, những câu thơ anh viết về ngày giải phóng 1975 trong bài thơ “Đường về” vẫn còn mãi cái nhịp vang ngân của đoàn quân chiến thắng: "Ô, đẹp quá! Quanh mình ta gió vờn, mây quyện/ Xe ta đi xua dậy sóng trăng vàng…". Giờ dù ông đã về với thế giới bên kia, nhưng hồn ông vẫn đang theo “gió vờn mây quyện” để đi vào cõi hư vô và hình như có một ánh trăng vàng ở cõi cực lạc kia đang chờ đón ông về. Người ở lại xin mãi cùng thơ ông ngân lên một tình yêu bất diệt để cây đời luôn mãi xanh tươi: "Trong cơn đau nghiệt ngã/ Càng hiểu hơn lòng em/ Người nối dài nhịp sống/ Ngày thường ta dễ quên/ Câu thơ nào đẹp vậy/ Xanh suốt cùng thời gian/ Em trong anh một nửa/ Như vầng trăng trong ngần" (Màu xanh thời gian). Tôi luôn tin những “câu thơ đẹp” của anh cùng “vầng trăng trong ngần” sẽ “xanh suốt cùng thời gian” và luôn mãi sáng soi trên dặm đường thơ của quê hương, đất nước.r

MAI BÁ ẤN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202105/nguyen-trung-hieu-va-nhung-van-tho-xanh-mai-voi-thoi-gian-3055865/