Nguyễn Trọng Đoan - Yêu gốm là một chặng đường không lặp lại chính mình

Nhìn lại sự phát triển của gốm Việt đương đại, vào những năm 70, 80 của thế kỉ trước, sự xuất hiện của gốm Nguyễn Trọng Đoan là một tín hiệu vui cho sự thay đổi.

Nhà điêu khắc, nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan là người giữ vai trò cách tân gốm Việt một cách mạnh mẽ trong thời kì hiện đại. Theo đuổi thực hành nghề gốm, không chịu sức ép làm gốm để bán, Nguyễn Trọng Đoan gây được ấn tượng về sự độc bản, không chạy theo việc sản xuất hàng loạt, không ỷ lại vào những gốm cổ hay lấy nguyên mẫu sáng tạo cổ xưa gắn lên gốm ngày nay. Với ông, yêu gốm là một chặng đường âm thầm, lặng lẽ và không lặp lại chính mình.

Xưởng làm việc của nhà điêu khắc Nguyễn Trọng Đoan và con trai Nguyễn Trọng Ninh nằm trên một con phố nhỏ ở đường Âu Cơ, Hà Nội. Đây vừa là nơi sáng tác, vừa là nơi trưng bày những tác phẩm gốm của ông. Những tác phẩm đẹp nhất ông đã đặt lên những giá, kệ, thi thoảng lại hoán đổi vị trí và chủ đề.

Vì không gian tương đối nhỏ nên không thể “phô diễn” hết, một phần ông phải gói gém, cất vào thùng giấy, một phần để ngoài trời và đem gửi bạn bè. Mỗi tác phẩm đều là duy nhất, có thể đẹp hay chưa đẹp trong mắt người xem nhưng lại là những “đứa con tinh thần” mà ông rất thích thú, rất công phu và chỉn chu mới có được.

Một tác phẩm của Nguyễn Trọng Đoan.

“Tôi đi con đường riêng, không chọn theo hướng nào cả. Giả sử như dân gian tôi cũng không theo. Tôi học ở trường mỹ thuật công nghiệp, thấm nhuần tinh thần mỹ thuật công nghiệp cũng nhiều nhưng sau này cũng dứt bỏ, cố gắng tạo con đường riêng của mình.

Trong hoàn cảnh khi mà tất cả mọi người cứ ồ ạt chạy theo một xu hướng thì mình tách ra, tôi thấy cũng là một cách hay. Người nghệ sĩ nếu đã dũng cảm thì phải thay đổi cách nghĩ”- nhà điêu khắc Nguyễn Trọng Đoan nói.

Cách riêng theo như lời nhà điêu khắc Nguyễn Trọng Đoan nói đó là cách ông tìm kiếm, phá cách và luôn tự do sáng tạo trong nội tại tác phẩm. Đó là chất hội họa đương đại trong hoa văn gốm, là cách ông trân trọng và vượt qua hình hài những nồi, niêu, chum, vại, ấm chén với công năng sử dụng trong đời sống thường nhật mà nâng tầm thành những tác phẩm nghệ thuật và thành danh cùng gốm khi được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 với những tác phẩm “Đèn vườn”, “Hạnh phúc”, “Chim xanh”, “Tình đất”.

Có thể những sản phẩm gốm của ông không nhẵn bóng, trơn láng và bắt mắt với kĩ thuật nung và lên màu men hoàn hảo nhưng có lẽ, những ai yêu gốm Nguyễn Trọng Đoan đều ghi nhớ cảm giác về sự mộc mạc, thô ráp và một chút thiếu thốn về công nghệ.

Ông cho rằng những lúc vẽ lên thì như trong một cơn mê, đến khi tráng men thì không biết gì nữa bởi nó như sương phủ. Đến khi ra lò thì mới biết là tác phẩm này đẹp, cái kia xấu. Cho nên việc làm gốm như là đánh đố.

“Nhiều khi tôi phải thử lò này để chuẩn bị cho những lò của một vài tháng sau. Như vậy mình phải thử đi thử lại nhiều lần mới ra sắc độ mà mình thích rồi sẽ ghi nhớ trong đầu”- Nhà điêu khắc Nguyễn Trọng Đoan tâm sự.

Nhìn lại sự phát triển của gốm Việt đương đại, vào những năm 70, 80 của thế kỉ trước, sự xuất hiện của gốm Nguyễn Trọng Đoan là một tín hiệu vui cho sự thay đổi. Bởi lẽ, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam thì khi ấy gốm Nguyễn Trọng Đoan đã bứt ra khỏi sự ràng buộc của gốm truyền thống. Hồn quê, hồn đất của người Việt vẫn được ẩn cất trong tác phẩm của ông nhưng ngôn ngữ thể hiện thì đã khác trước.

Người ta vẫn nói “nhất dáng nhì men” thì cả dáng cả men của Nguyễn Trọng Đoan đều mang ngôn ngữ lạ. “Tôi nghĩ điều này cho thấy gốm Việt truyền thống không khép lại, không kín bưng để mà không cho ai tìm sự thay đổi. Chính gốm nghệ thuật của ông, những tác phẩm độc bản ấy cho thấy khả năng còn mở ra nữa của gốm Việt đương đại” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Bằng sự nghiêm khắc, cần mẫn trong lao động, Nguyễn Trọng Đoan đã khẳng định: nghề gốm Việt Nam vẫn còn là một mảnh đất cần bàn tay khai phá và sáng tạo. Nói như nhà phê bình Thái Bá Vân, một người bạn của ông thì “bí mật của đất và lửa trong con mắt và bàn tay người Việt vẫn còn nguyên”.

Với riêng nghệ sĩ- người thợ gốm Nguyễn Trọng Đoan, ông đang chuẩn bị cho triển lãm Gốm Đoan và Bảo Toàn sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 10 tới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Vậy là, kể từ lần triển lãm trước vào năm 2010, công chúng lại sắp được thưởng lãm thành quả lao động trong 8 năm qua của Nguyễn Trọng Đoan. Ông mong ước, với triển lãm này sẽ khép lại chặng đường mà mọi người vẫn mặc định với tên gọi gốm Đoan để có thể tìm tòi, thử nghiệm một cách thức sáng tạo khác.

Mong muốn ấy của một nghệ sĩ điêu khắc nay đã gần 80 tuổi trong sự yêu nghề và âm thầm lao động sẽ không là quá sức với ông nếu điều kiện thời gian và sức khỏe cho phép.

Đinh Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nguyen-trong-doan-yeu-gom-la-mot-chang-duong-khong-lap-lai-chinh-minh-515550/