Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và những chỉ đạo cụ thể trong chống lạm phát

'Phải làm thế nào để đồng tiền không bị mất giá, hàng hóa phải được trao đổi ngang giá. Cứ để lạm phát như hiện nay thì lòng dân không thể yên, chính trị - xã hội cũng khó ổn định. Chống lạm phát là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp và gian khổ. Nghị quyết Đại hội VI là cẩm nang quan trọng, phải vận dụng cho tốt nghị quyết này và phải dựa vào dân để từng bước đẩy lùi lạm phát' – nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng nói.

Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng trích bài viết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười của đồng chí Vũ Trọng Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội thương. Bài viết trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm nhà máy ximăng Hải Phòng, ngày 25/3/1991. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN

Tháng 7/1986, khi nói chuyện với Hội nghị cán bộ ngành nội thương, trước những yêu cầu bức xúc của Nhân dân, anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng) đề ra cho ngành nội thương, cho tất cả các ngành kinh tế - tài chính, tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở một mục tiêu phấn đấu hết sức quan trọng là làm thế nào để đến cuối năm 1986 và thời gian tiếp theo đó chỉ số giá cả trên thị trường xã hội nếu có tăng cũng không tăng quá hai con số thấp nhất.

Giữa năm 1988, anh Mười (đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) xuống trực tiếp làm việc với Bộ Nội thương. Đầu tiên anh hỏi: "Các anh đã nghiên cứu kỹ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI chưa, đã đọc Tư bản của Mác chưa?”. Chưa ai kịp trả lời thì anh nói: "Tiền và hàng mất cân đối nghiêm trọng như thế này thì các anh có cách gì chặn đứng được tốc độ tăng giá và tốc độ lạm phát đang tăng vùn vụt như phi mã! Phải làm thế nào để đồng tiền không bị mất giá, hàng hóa phải được trao đổi ngang giá. Cứ để lạm phát như hiện nay thì lòng dân không thể yên, chính trị - xã hội cũng khó ổn định. Chống lạm phát là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp và gian khổ. Nghị quyết Đại hội VI là cẩm nang quan trọng, phải vận dụng cho tốt nghị quyết này và phải dựa vào dân để từng bước đẩy lùi lạm phát".
Anh Mười nói tiếp: "Tôi đồng ý là ngành nội thương phải hết lòng, hết sức và bằng biện pháp kinh tế là chủ yếu để kích thích nông nghiệp và công nghiệp tăng nhanh sản lượng hàng hóa. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất trong nước và mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch, cần khuyến khích mạnh việc nhập hàng phi mậu dịch. Lâu nay có chuyện cấm đoán hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc người Việt Nam ở nước ngoài đưa hàng về. Việc làm đó là không đúng. Hãy để cho du học sinh, cán bộ và người lao động cũng như bà con Việt kiều thoải mái đưa hàng tiêu dùng và nguyên liệu về, và gửi quà biếu về cho thân nhân ở trong nước. Các cơ quan nhà nước không đánh thuế, Nhà nước không thu mua, mậu dịch quốc doanh mua thì mua theo giá thị trường với sự thỏa thuận của người bán. Chính quyền các cấp và cơ quan quản lý thương nghiệp, quản lý thị trường phải khuyến khích giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược, chấn chỉnh ngay việc tùy tiện đặt ra các trạm kiểm soát trên đường giao thông, chấm dứt ngay tình trạng "ngăn sông, cấm chợ" làm cho hàng hóa đã chưa nhiều lại bị ứ lại ở nơi này nơi khác, không lưu thông bình thường được.
Bán lẻ hàng hóa là vấn đề rất quan trọng, nhưng không đơn giản. Ngành nội thương và lương thực đã thực hiện chế độ cung cấp hàng hóa theo định lượng trong nhiều năm nay. Chế độ cung cấp hàng hóa theo định lượng bằng tem phiếu mà các anh đã thực hiện thực chất là sự chia một cái bánh nhỏ cho nhiều người, cực chẳng đã phải làm. Không chỉ riêng nước ta trong chiến tranh mới phải làm như vậy. Phải khẳng định chế độ cung cấp là một ưu điểm của thời chiến vì lúc đó nếu không có sự phân phối tập trung, không ai ra chiến trường. Lúc đó Nhà nước độc quyền chi viện cho miền Nam, độc quyền phân phối cho quân đội và công nhân viên chức. Chính nhờ chế độ cung cấp thời đó mới có sức mạnh tổng hợp của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn để đi đến chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Song chúng ta duy trì quá lâu chế độ cung cấp hiện vật bình quân chủ nghĩa với giá rất thấp, đến mức gần như cho không và diện cung cấp mở ra tràn lan, đã gây ra hiện tượng tiêu cực. Tôi đã bàn thống nhất trong Hội đồng Bộ trưởng, đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, cần thực hiện thống nhất cơ chế một giá (cả giá mua và giá bán lẻ), giá đó được xác định trên cơ số giá trị hàng hóa, có tính đến quan hệ cung - cầu, tiền - hàng trong từng thời gian, có phân biệt theo tính chất mặt hàng và phải thể hiện chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Đó là chủ trương rất đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân, của những người làm thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Các anh có đồng ý như thế không?". Tất cả chúng tôi có mặt hôm đó nhiệt liệt hoan nghênh ý kiến anh Mười.
Anh Mười nói tiếp: "Tôi chỉ đạo cách bán hàng tiêu dùng trước. Các anh ở bộ phải yêu cầu tất cả các cửa hàng mậu dịch đưa hàng tiêu dùng niêm yết giá bán mới sát giá thị trường ở từng địa phương. Sau khi đưa giá hàng tiêu dùng về một giá để chống được nạn đầu cơ, tích trữ, dần dần bỏ tem phiếu và sổ gạo. Nhà nước không cần tuyên bố bỏ chế độ tem phiếu mà dân thấy không cần nữa sẽ tự bỏ. Sau khi đưa hàng tiêu dùng và lương thực về một giá, ta tiếp tục đưa nguyên vật liệu về một giá. Bằng cách này, chúng ta điều chỉnh được nguồn cung và cầu, Nhà nước sẽ thu tiền về rất nhiều. Tất nhiên có vấn đề bù giá vào lương cho cán bộ, công nhân, viên chức.
Một vấn đề hết sức quan trọng là làm thế nào rút bớt được tiền về. Tôi đã báo cáo với Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị: Dân gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất 3% trong khi giá hàng trên thị trường tăng 9%, là không hợp lý, vì họ gửi tiền vào đầu tháng đến cuối tháng tiền đã mất giá nên chẳng mấy ai gửi tiền vào ngân hàng. Tôi yêu cầu ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi lên 12% một tháng rồi rút dần xuống. Theo hướng này chắc chắn ngân hàng thu tiền về rất nhiều, không phải in thêm tiền nữa. Tiền được thu bớt về, hàng có nhiều để tung ra, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu kéo giá thị trường xuống, ngân hàng có điều kiện thực hiện vay và cho vay, tài chính không phải bội chi, đồng thời lực lượng sản xuất được giải phóng, kinh tế hàng hóa sẽ nhanh chóng phát triển.
Ngành nội thương phải cùng các ngành, các cấp ra sức phấn đấu thực hiện theo hướng tôi vừa nói nhằm chặn đứng nạn lạm phát bằng chính nội lực của mình".
Có sự chỉ đạo sát sao, cụ thể, kịp thời của anh Mười ngành nội thương đã đạt được mục tiêu phấn đấu đề ra.

*(Tiêu đề bài viết do báo Kinh tế & Đô thị đặt)

KINHTEDOTHI.VN

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-va-nhung-chi-dao-cu-the-trong-chong-lam-phat-326629.html